TRẦM CẢM VÀ RANH GIỚI CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC

Trầm cảm có thể rất khó khăn – không chỉ đối với những người trực tiếp trải qua nó mà còn đối với những người thân yêu của họ. Nếu bạn có một người bạn hoặc người thân bị trầm cảm, bạn có thể hỗ trợ họ về mặt xã hội. Đồng thời, điều quan trọng là phải đặt ra ranh giới và giải quyết các nhu cầu của riêng bạn.

Rủi ro của việc chăm sóc

Khi người bạn yêu thương bị trầm cảm, bạn sẽ muốn giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, bạn đừng quên một điều quan trọng là bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của chính bạn.

Trong quá trình nỗ lực chăm sóc cho người bị trầm cảm, bạn cũng có nguy cơ gặp phải khó khăn tâm lý. Một nghiên cứu cho thấy những người chăm sóc người mắc rối loạn trầm cảm nặng và rối loạn lưỡng cực có khả năng mang khó khăn tâm lý nhiều hơn những người chăm sóc cho người có các vấn đề sức khỏe khác, tính trong dân số nói chung. Họ cũng là nhóm đối tượng báo cáo chất lượng cuộc sống thấp hơn.

Trầm cảm ở mỗi người là khác nhau. Một số người bị trầm cảm sẽ có hành vi bạo hành về thể chất hoặc lời nói, trong khi những người khác dễ kích động hoặc hành động liều lĩnh hơn. Một số người đối phó với trầm cảm bằng cách sử dụng ma túy hoặc chìm trong men rượu. Một số thì trở nên thờ ơ đến mức họ hầu như không thể mặc quần áo, tự ăn hoặc đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cơ bản của mình.

Khi bạn đang chăm sóc người bị trầm cảm, những hành vi này có thể đe dọa đến sức khỏe của chính bạn. Bạn có thể thấy căng thẳng hoặc mệt mỏi về thể chất khi giúp họ trong các nhu cầu cơ bản hàng ngày. Bạn thậm chí có thể trở thành mục tiêu của sự bạo hành về thể chất hoặc lời nói.

Thiết lập ranh giới

Trong quá trình chăm sóc người bị trầm cảm, ta cần nói đến những hành vi không thể chấp nhận hoặc nguy hiểm. Ví dụ, hãy xem xét các hướng dẫn và chiến lược sau đây.

Bám sát kế hoạch điều trị

Hỗ trợ xã hội rất quan trọng nhưng nhìn chung nó không đủ để điều trị trầm cảm. Nếu bạn biết ai đó đang phải đối mặt với trầm cảm, hãy khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý có thể được điều trị bằng trị liệu tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai.

Hãy nói cho người đó biết rằng bạn quan tâm đến họ, nhưng chỉ mình bạn không đủ để giúp họ. Hãy giải thích lý do tại sao bạn nghĩ họ cần tìm kiếm sự điều trị chuyên nghiệp. Hãy yêu cầu họ làm theo lời khuyên của các bác sĩ tâm thần. Ví dụ, họ cần đồng ý cam kết có mặt trong các cuộc hẹn khám. Họ cũng nên dùng thuốc theo chỉ dẫn.

Đứng lên trước sự bạo hành

Nếu người mà bạn chăm sóc nhắm vào bạn bằng ngôn từ lăng mạ, hãy nói với họ rằng điều đó là không được phép và họ cần tránh hành vi đó.

Nếu họ đã có bất kỳ hình thức lạm dụng thể chất hoặc bạo lực nào, hãy yêu cầu họ dừng lại. Nếu bạn cảm thấy sức khỏe thể chất của mình đang gặp nguy hiểm, hãy  nhờ các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè giúp đỡ. Nếu bạn sống cùng người này, có thể sẽ cần đến sự tham gia của các cơ quan pháp luật. Nếu bạn không sống cùng người này và bạn đang bị ngược đãi/hành hung về thể chất, bạn có thể cần phải giữ khoảng cách với họ cho đến khi họ nhận được sự giúp đỡ phù hợp.

Khuyến khích thói quen lành mạnh

Hãy khuyến khích người bạn đang chăm sóc hướng năng lượng của họ vào những hành vi mang tính xây dựng, chẳng hạn như tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ trầm cảm. Nó cũng có thể giúp họ phục hồi nhanh hơn.

Bạn cũng nên khuyến khích họ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân nhắc bổ sung vitamin D và axit béo omega-3 (thường có trong dầu cá). Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Một nghiên cứu cho thấy nhiều khách thể bị trầm cảm có lượng vitamin D thấp. Bổ sung vitamin D trong vòng ba tháng đã giúp giảm các triệu chứng trầm cảm của họ.

Một đánh giá khác cho thấy hàm lượng axit béo omega-3 thấp có thể đóng vai trò trong một số trường hợp trầm cảm. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu xem liệu bổ sung axit béo omega-3 có thể điều trị trầm cảm hiệu quả hay không. Tuy nhiên, không có nhiều rủi ro trong việc bổ sung axit béo omega-3.

Dành thời gian cho chính mình

Hãy cho người bạn đang chăm sóc biết rằng bạn không thể có mặt bên họ 24/7. Bạn cần dành một chút thời gian cho chính mình.

Hãy cố gắng thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Để kiểm soát căng thẳng, hãy dành thời gian nghỉ ngơi thường xuyên và tham gia các hoạt động mà bạn yêu thích.

Kết

Khi bản thân bạn không khỏe mạnh, việc chăm sóc người khác có thể khó khăn.  Một trong những điều bạn cần làm để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức, chấn thương và bệnh tật là đặt ra các ranh giới thực tế. Hãy trò chuyện với người bạn đang chăm sóc về những hành vi có hại, khuyến khích họ tuân theo kế hoạch điều trị đã đề ra, luyện tập các thói quen lành mạnh, cũng như tôn trọng nhu cầu sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Nguồn tham khảo:

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/