Tôi trở về là chính tôi

Khi tôi được trở về là chính tôi Ai đó nói với mình rằng kiểu tóc của bạn chẳng hợp gì cả, “chị cắt tóc vậy thật mất mặt quá”, “khi nào tóc mọc hãy trở về quê”, “tóc của chị thật buồn cười”,… Nếu là trước đây chắc là mình sẽ đau khổ, dằn vặt, tức tối, hay rất khó chịu. Ngày đó mình cũng đã tự hỏi bản thân, sao mình lại đau khổ với những lời nói của người khác về cơ thể mình, về chính những thứ của mình nhỉ? thật khó hiểu.

Trong quá khứ mình luôn mải mê bận tâm xem họ sẽ nói gì về mình, mọi người xung quanh đánh giá mình như thế nào. Rồi mình mải mê xoay theo những điều mà họ kì vọng, những điều mà họ mong muốn, bỏ qua những mong muốn thực sự của bản thân mình, để làm hài lòng người khác, để người khác nghĩ mình hợp thời, hợp với họ, mình cũng phổ biến không khác họ. Thế rồi đến một ngày ai đó hỏi bạn thích gì, ngơ ngác, thôi gì cũng được, bạn muốn ăn gì, gì cũng được, bạn muốn điều gì… ngơ ngác những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản cũng thật khó trả lời với một người luôn sống bỏ quên cảm giác, mong muốn thực sự của bản thân để làm hài lòng mọi thứ xung quanh mình. Mình đã luôn quan sát toàn bộ mọi thứ diễn ra trong con người mình từ những cảm giác của cơ thể, đến những cảm xúc đang tồn tại, đến những ý nghĩ nảy sinh đồng thời với các cảm xúc. Mình cũng đã thắc mắc nhiều điều, điều gì khiến mình tức giận với người này mà không phải với người kia? Điều gì khiến họ lại chê bai mình, phải chăng họ cũng luôn nhận được điều đó? Điều gì khiến mình lại nghĩ tới câu chuyện tiêu cực đầu tiên mà không nhìn được điểm tốt…

Thật nhiều những thắc mắc mỗi một tình huống xảy ra, mỗi một mối tương giao nào đó. Mình cũng đã tìm được những câu trả lời cho riêng mình, thật thú vị với sự quan sát bản thân mình. Như chị Lý nói, chẳng phải ai đó cũng dành được giây phút đó để lắng nghe, quan sát chính bản thân mình để hiểu mình trước, ai cũng mải mê chạy theo những lời soi xét của những người xung quanh mà quên mình, chạy theo những lo âu, những mệt mỏi, những bực bội của thế giới ngoài mình. Trong suốt một thời gian dài mình học được sự trung thực với chính mình, trung thực với những sự xấu hổ, sự đau khổ, sự kém cỏi, sự bực bội, sự căm ghét hay tức tối của chính bản thân mình. Điều đó chẳng dễ tẹo nào, đối diện, nhìn nhận nó một cách trung thực như nó vốn có và đi đến đón nhận, bao dung với nó giống như một con đường nhẹ nhõm cho chính tâm mình. Tâm mình còn rối rắm, mình sẽ gỡ rối cho ai, mình chẳng bao dung nổi cho mình, mình còn bao dung cho ai? mình chẳng thấu hiểu cho mình, mình định thấu hiểu cho ai?

– Nguyễn Hạ –