TÔI ĐÃ CHỮA LÀNH TỪ GẮN BÓ KHÔNG AN TOÀN NHƯ THẾ NÀO?

Theo Thuyết gắn bó của John Bowlby, phong cách gắn bó không an toàn bao gồm gắn bó lo âu, gắn bó né tránh và các dạng kết hợp. Chúng xuất phát từ trải nghiệm bất lợi trong giai đoạn sơ sinh và tuổi thơ.

*Bài viết chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đối phó với phong cách gắn bó không an toàn (lo âu kết hợp né tránh) của tác giả.

TÔI ĐÃ CHỮA LÀNH TỪ GẮN BÓ KHÔNG AN TOÀN NHƯ THẾ NÀO?

1. Trị liệu tâm lý

Tôi chưa từng biết đến khái niệm phong cách gắn bó cho đến khi tôi đi trị liệu. Tôi đã duy trì quá trình chữa lành bằng trị liệu tâm lý trong suốt 5 năm. Nó giúp tôi hơn bất kỳ điều gì khác trong việc thấu hiểu những cảm xúc, nguyên nhân đằng sau những hành vi của tôi và cách để chuyển hoá thành phong cách gắn bó an toàn.

2. Rời khỏi mối quan hệ đã hoạt hoá phong cách gắn bó của bạn

Người yêu cũ và tôi đã mắc kẹt trong một vòng tròn né tránh (anh ấy) – lo âu (tôi). Liệu chúng tôi có thể sửa chữa nó không? Chẳng ai biết. Anh ấy không sẵn sàng và có những thiệt hại đã xảy ra. Việc rời đi là lựa chọn lành mạnh nhất.

3. Không tiếp tục hẹn hò với những người cho bạn cảm giác “quen thuộc”

Tôi học được rằng, tiềm thức chúng ta thường lựa chọn những đối tác tương đồng với hình mẫu những mối quan hệ cũ, chúng ta hi vọng sẽ nhận được tình yêu thương, sự âu yếm, chú ý, chấp nhận,… mà thời thơ ấu chúng ta đã không có được từ người chăm sóc. Điều này có thể rạch sâu thêm những vết thương gắn bó. Vậy nên tôi không tìm kiếm những người “quen thuộc” về mặt cảm xúc nữa. Với tôi, nếu cảm giác “như là nhà” xuất hiện, đó không phải một dấu hiệu tốt.

4. Học về đứa trẻ bên trong và tự làm cha mẹ (reparenting)

Trong quá trình trị liệu, chúng tôi trao đổi về cách để tôi tự làm cha mẹ cho đứa trẻ bên trong mình – phiên bản trẻ thơ của tôi đã lớn lên mà không nhận được sự âu yếm và tình yêu từ cha cô bé. Việc trị liệu đã cho tôi những công cụ để tự làm việc khi phong cách gắn bó của tôi hoạt động thay vì để mặc nó bộc lộ.

5. Tìm một đối tác an toàn mà tôi có thể tin tưởng

Khi hẹn hò, tôi đặt cho bản thân nhiệm vụ là phải tìm một đối tác khiến tôi cảm thấy an toàn để chia sẻ về các nhu cầu của mình. Một nửa công việc là tôi có đủ tự tin để nói ra các nhu cầu, và tôi đã làm được. Nó vẫn rất khó khăn! Một nửa còn lại là tìm ai đó không coi những nhu cầu của tôi là sự công kích cá nhân.

6. Vượt qua bản năng né tránh của tôi

Dù đã 1 năm ở trong mối quan hệ với một người có cách gắn bó an toàn, dù sau tất cả quá trình cố gắng, tôi vẫn bị thôi thúc để né tránh sự giao tiếp. Đôi khi tôi vẫn im lặng. Nhưng tôi đã học cách chống lại bản năng này và thay vào đó, tôi đối thoại. Mọi chuyện có hoàn hảo không? Không hề! Nhưng nó đã tốt hơn.

7. Ở lại trong hiện tại và tập trung vào thực tế

Đối tác lãng mạn của tôi có cuộc đời của họ với những nhu cầu, khát khao, mức năng lượng và đời sống xã hội riêng. Học cách ghi nhớ rằng khoảng lặng giữa các dòng tin nhắn hay bị từ chối một lời mời hẹn hò KHÔNG phải do vấn đề ở tôi đã giúp ích nhiều cho vấn đề gắn bó lo âu. Tôi không còn suy diễn các câu chuyện từ hành vi của người khác nữa.

8. Có một đối tác hiểu biết về vấn đề gắn bó

Bạn trai tôi đã đọc các cuốn sách về phong cách gắn bó từ khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò bởi tôi đã chia sẻ về nó. Điều đó giúp đối tác của tôi hiểu được những khái niệm cơ bản và cách hoạt động của phong cách gắn bó.

9. Tự trắc ẩn

Chưa cần đến việc trị liệu để tôi nhận ra mình đã đối xử tệ với bản thân thế nào. Mọi lúc. Mỗi ngày. Hàng năm trời. Luyện tập tự trắc ẩn đã giúp tôi có lại sự tự tin, phát triển giá trị bản thân, đồng cảm hơn với người khác và bớt quan tâm đến việc phải giữ một hình ảnh thật hoàn hảo. Đó là một phần lớn trong công việc cải thiện sự gắn bó.

Nguồn: @dating.intentionally

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/