Khi chúng ta bắt đầu trải nghiệm lại sự tái liên kết bên trong với nhu cầu của cơ thể chúng ta, điều này mở ra một khả năng mới để yêu thương bản thân. Chúng ta trải nghiệm một chất lượng mới về tính xác thực trong việc chăm sóc chính mình, điều này chuyển sự chú ý của chúng ta đến sức khỏe, chế độ ăn kiêng, năng lượng, quản lý thời gian. Sự chăm sóc bản thân ở một tầm cao mới này phát sinh một cách tự nhiên chứ không phải là việc “cần phải làm”. Chúng ta có thể trải nghiệm một niềm vui ngay lập tức và nội tại trong việc tự chăm sóc. – Stephen Cope, Yoga và công cuộc tìm kiếm bản ngã
Mình bắt đầu với yoga với ý nghĩ muốn khỏe mạnh hơn, mình bị chứng đau dạ dày hơn 10 năm nay, mình cảm nhận khi càng dùng thuốc tây càng khiến cho bụng mình trở nên khó chịu và đau đớn hơn – một điều thật khác thường. Ban đầu mình cũng không cảm thấy gì đặc biệt lắm với yoga, nhưng càng dành thời gian cho nó, mình càng cảm nhận thấy cơ thể mình kì diệu hơn khi thử nghiệm các động tác. Khi mình giữ một tư thế lâu hơn một chút, mình bắt đầu cảm thấy cơn đau co dãn vùng cơ dần dần xâm chiếm, cho đến khi hơi thở được điều hòa, đều đặn mới dần dần cảm thấy cơn đau đó như được xoa dịu, cảm thấy mình bắt đầu nhẹ dần. Một điều vô cùng thú vị đã xuất hiện, một thứ cảm giác rất quen thuộc như ôm trọn tâm hồn, mình như muốn giữ mãi tư thế đó. Mình đã thoáng chốc cảm nhận thấy hơi ấm, mùi vị cực kì quen thuộc, ngay tại thời điểm thực hiện động tác. Đó là một thứ mùi của khói rơm và cảm giác thích thú như khi lẽo đẽo theo mẹ vào cái thời điểm chập chững bé nhỏ núp vào sau đùi mẹ, vít tay, bắt bòng giống như lúc cảm giác một con mèo nhỏ chạy theo chân bạn vậy. Sự lẽo đẽo đi theo thoáng chốc khiến cho người mẹ mệt mỏi phát cáu lên và giận dữ, mình nhớ mỗi khi chủ động ôm mẹ, thường vào những lúc mẹ bị mệt, sẽ bị đẩy ra, hoặc cáu gắt gỏng lên. Thế rồi mình len lén rời đi và cũng rất ít khi làm điều đó tiếp. Trong lần thực hiện động tác yoga này nó thực sự hiện lên rõ ràng, sự va chạm vào vùng da thịt, chạm vào đùi mẹ, chưa bao giờ bình yên đến thế.
Hay khi ôm lấy bờ vai của mình, một thứ cảm giác an toàn biết mấy, một giây phút thư giãn thật khác thường. Ta cảm thấy được sự động viên, một sự ấm áp, thân thiết và gần gũi khác với sự đông cứng, tê liệt thường nhật. Khi ta đủ kiên nhẫn, đủ chịu đựng với sự đau đớn mà ta đủ cảm thấy trong thân thể của mình, cũng là lúc ta bắt đầu cảm nhận thấy một thứ cảm giác an toàn, ấm áp trong mỗi động tác mà ta đang luyện tập. Rất có thể những tư thế có một tác động đặc biệt riêng với bạn, bởi vì chúng mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với bạn, hoặc một dấu vết nào đó trong quá khứ nơi bắt đầu những nỗi đau, nơi bắt đầu những ký ức bạn đã cố gắng chôn vùi, nhưng sự thật đó vẫn đeo bám bạn một cách vô hình, dai dẳng và cản trở sự trở thành chính mình của bạn. Chẳng hạn bạn từng bị xâm hại và bạn rất sợ sự va chạm, bạn có thể sẽ cảm thấy rất mất an toàn khi ai đó, đặc biệt người bạn đời của bạn có sự đụng chạm vào bạn, có thể sẽ khiến bạn “tưởng nhầm” đó là sự đụng chạm của kẻ thủ phạm năm xưa đã có hành vi xâm hại, nó khiến bạn sợ hãi chính những sự đụng chạm của người bạn đời và khiến cho mối quan hệ của bạn trở nên tệ hơn. Vì vậy, bạn hãy thử khám phá những cảm giác của bạn, các vùng trên cơ thể cho bạn cảm giác đặc biệt và nó rất riêng theo cách của bạn.
Mình có cơ hội được làm việc với một số phụ nữ, trẻ em. Trong mắt mình họ thật kiên cường và chính xác là sự chiến đấu như một con ngựa hoang với những biến cố khủng khiếp trong cuộc sống. Có những người chứng kiến từ bé thơ tới trưởng thành những trận đòn khủng khiếp của cha mẹ; có những bạn cũng trực tiếp trải nghiệm cuộc sống bạo lực, hoặc trực tiếp trải qua sự lạm dụng từ chính cha ruột của mình – những người đáng lý ra phải là người yêu thương, chăm sóc, và cho họ một cuộc sống đúng nghĩa được quan tâm, yêu mến. Đối với họ chính những người thân thiết nhất đã liên tục làm họ tổn thương, cũng là hàng rào cản trở lớn nhất của họ về việc kết nối với thế giới bên ngoài – những mối quan hệ và kết nối với thế giới nội tâm trong chính họ. Họ không còn đủ cảm giác an toàn nào đối với bất cứ ai, họ thể hiện ra với nhiều kiểu nhân cách trong mình. Có một cô gái làm mình ấn tượng khi gặp gỡ cô ấy lúc nào cũng trong khuôn mặt tươi tắn, nở nụ cười, thoạt đầu mình đã bị “đánh lừa” trong phút chốc về sự trưng diện của khuôn mặt vui tươi đó. Nhiều lúc tưởng chừng là đã có thể bước chân vào thế giới nội tâm đó, nhưng không phải vậy. Cô ấy chọn cách cắt nhiều vết dao trên tay, đập đầu mình vào tường, cắn mạnh vào tay mình để thâm hằn vết răng để cảm thấy rằng bản thân còn đang tồn tại. Hoặc rất nhiều cô gái thường có một câu trả lời “thời thơ ấu và niên thiếu của mình rất bình thường, êm đềm, không có chuyện gì xảy ra cả”. Mỗi lần gặp gỡ cô ấy có thể kể cho bạn nghe thuộc lòng về một câu chuyện trơn tru, nhịp nhàng, không có bất kì sự khúc mắc nào. Thú thực là mình luôn sợ những câu trả lời ấy, hay có những cô gái có thể làm mình cảm nhận cô ấy đang ý thức và thực sự mong muốn thoát ra khỏi câu chuyện của mình bằng sự “hợp tác” nhưng đằng sau đó, cô ấy lại âm thầm lặp lại các mối quan hệ đầy tính rủi ro và nguy cơ giống như trước đây. Một sự cưỡng bức lặp lại các kiểu mối quan hệ cũ như một nhu cầu cần thiết và tạo ra cho họ một thứ cảm giác an toàn gắn bó nào đó. Có nhiều cô gái đã lập gia đình đến lần thứ ba, thứ tư vẫn là anh chàng đó, vẫn kiểu cách, thái độ và hành vi bạo lực đó; hay sự gắn bó mật cách điên cuồng với một người có thể đánh cho mình thừa sống thiếu chết trong cả nửa đời người. Rất nhiều khi mình ở trong một trạng thái bất lực, cũng không biết làm điều gì để có thể đồng hành, hỗ trợ họ khi chính họ đang “thỏa mãn” một điều gì đó trong mối quan hệ độc hại. Dù thử phương pháp nào cũng gần như vô tác dụng với những người có nhiều dấu vết tổn thương đã bị đóng băng vĩnh viễn. Nhưng những cảm xúc, những cơn sợ hãi, những tổn thương vẫn vô hình tác động vào tâm trí, cơ thể họ. Những cơn đau thể chất, những sự sợ hãi vô cớ, những mối quan hệ độc hại vẫn ngày ngày dày vò và làm đau đớn chính họ.
Liệu có cách nào dành cho những con người tổn thương như vậy có thể thoát ra, để làm được điều đó, trước hết họ cần học cách chịu đựng những cảm giác thể chất của mình, đủ kiên nhẫn đủ sự đối diện để ở bên cạnh những cảm giác của mình. Phần dưới đây mình tham khảo trong cuốn sách Sang chấn tâm lý hiểu để chữa lành của nhà tâm thần học Bessel Van Der Kolk, được Lê Phan Như Quỳnh dịch và hiệu đính bởi Bác sĩ Lâm Hiếu Minh; mình cũng sử dụng cả các kiến thức trong cuốn Yoga toàn thư của Swami Vishnu Devananda để bàn luận tới luyện tập yoga và những tác động tới những tổn thương tâm lý.
Nếu muốn quản lý tốt hơn những cảm xúc của mình, não của bạn sẽ cho bạn hai lựa chọn: Bạn có thể học cách điều chỉnh từ dưới lên, hoặc từ trên xuống. Điều chỉnh từ trên xuống liên quan đến việc tăng cường năng lực vùng giữa của vỏ não trán trước (vùng phát sinh ý thức, sự lý trí, lập kế hoạch, ra quyết định,…) để theo dõi cảm giác của cơ thể thông qua hoạt động thiền, chánh niệm có thể giúp ích cho việc này. Điều chỉnh từ dưới lên bao gồm việc hiệu chỉnh hệ thống thần kinh tự chủ, hệ thống bắt nguồn từ thân não chứa phần não bò sát đảm nhiệm tất cả những thứ mà trẻ sơ sinh có thể làm như ăn, ngủ, thức dậy, khóc, hít thở, cảm giác nhiệt độ, đói, ẩm ướt và đau, loại bỏ các chất độc bằng cách đi tiểu. Bằng cách điều chỉnh từ dưới lên hỗ trợ tốt cho hệ thống thần kinh tự chủ thông qua hơi thở, chuyển động hoặc xúc chạm.
Tập yoga có thể hỗ trợ tốt cho quá trình điều chỉnh từ dưới lên. Yoga là một khoa học toàn diện về đời sống, bắt nguồn từ Ấn Độ, yoga bao gồm cơ thể, tâm trí và tâm linh, yoga theo nghĩa đen là sự “nối liền”, sự hợp nhất với thực tại. Khi một cá nhân chịu tổn thương trong quá khứ có thể vì những người thân thiết nhất mang lại, hay tổn thương bởi bất cứ điều gì, khiến họ rơi vào trạng thái hỗn loạn giữa thực tại và quá khứ hay sự cưỡng bức lặp lại những điều đau đớn để duy trì một sự gắn bó “giả tưởng”. Khi luyện tập các tư thế yoga kết hợp cùng sự tập trung ý thức tới việc đi vào và đi ra của các luồng khí bên trong cơ thể giúp cho họ bắt đầu thấy rõ sự tồn tại của cơ thể thực sự của mình khác với sự trống rỗng, vô hồn, mất cảm giác hoặc những cảm giác từng tổn thương xâm chiếm trong họ, tạo ra cản trở sự tận hưởng trọn vẹn giây phút trong cuộc sống hiện tại của họ. Trong quá trình trải nghiệm thực hành, có một cô gái chia sẻ với mình “có những lúc chị thấy tĩnh lặng một cách đáng sợ, đó là sự tĩnh lặng vô hồn, không có một chút cảm giác gì như một sự trống rỗng hoàn toàn, lúc đó chị như hai con người khác nhau, một người đang nhìn vào cô gái ngồi đờ đẫn, vô hồ, trống rỗng kia, và biết được con người đờ đẫn đó chuẩn bị làm gì tiếp theo, cô gái đó chuẩn bị cắt mạch máu của mình để thoát khỏi cảm giác đờ đẫn, vô hồn đó”. Cảm giác mất hoàn toàn kết nối với cơ thể là một điều gì đó rất đáng sợ và rùng rợn với họ, sự mất kết nối đó thôi thúc họ làm một điều gì đó tai hại nhất để kết thúc thứ cảm giác này.
Yoga nhấn mạnh tới sự chú tâm, nhận thức được những hơi thở vào ra trong cơ thể và những cảm giác của mình trong từng giây phút. Nhiều người không nhận thức được hơi thở của mình. Điểm mấu chốt không phải là làm “đúng” tư thế mà là chú ý đến những thớ cơ nào đang hoạt động trong những thời điểm khác nhau. Quan sát thật kỹ những gì đang xảy ra ở các bộ phận khác nhau của cơ thể qua từng động tác. Từ những quan sát, chú tâm, cảm nhận đó hãy viết ra những trải nghiệm của mình với mỗi động tác. Cảm giác của chúng ta về bản thân được neo giữ trong sự kết nối với cơ thể của mình. Bạn bắt đầu chú ý đến mối liên hệ giữa cảm xúc và cơ thể của bạn. Bạn bắt đầu thử nghiệm với việc thay đổi cách mình cảm nhận. Hít một hơi thật sâu có làm vai bạn bớt căng thẳng không? Tập trung vào hơi thở ra có giúp bạn bình tĩnh hơn không? Sự kiên nhẫn, tính kỷ luật và những cảm nhận sâu sắc, chú tâm vào cơ thể mình sẽ kết nối tinh thần bạn với yoga và đồng thời cũng kết nối bạn với chính cơ thể của mình.
Bài viết là sự tích hợp trên trải nghiệm thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý; các trải nghiệm thực hành yoga và các kiến thức dựa theo cuốn sách Triết lý và thực hành yoga cổ điển Sivananda Yoga; Yoga toàn thư của Swami Vishnu Devananda; Sang chấn tâm lý – hiểu để chưa lành, Bessel Van Der Kolk, dịch Phan Lê Như Quỳnh, hiệu đính Lâm Hiếu Minh.
– Nguyễn Hạ-