SỰ TRƯỞNG THÀNH HẬU SANG CHẤN: HỌC CÁCH ĐỂ VƯỢT QUA

Friedrich Nietzsche: “Điều gì không làm bạn khuất phục sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”

Đây là lời của một vị triết gia người Đức, Friedrich Nietzsche được trích trong cuốn sách mang tên  “Buổi Chạng vạng của những Tượng thần” vào năm 1888, và dường như vị triết gia này đang muốn nói với chúng ta một điều gì đó rất quan trọng.

Ngày nay, những nhà tâm lý học, nhà tham vấn, nhà nghiên cứu gọi những trải nghiệm về sự chuyển hóa tích cực của tình thần sau sang chấn là sự trưởng thành hậu sang chấn (Post-traumatic growth PTG). Học thuyết về sự trưởng thành hậu sang chấn được xây dựng và phát triển vào giữa những năm 1990 bởi hai nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawerence Calhoun trong lúc họ đang nghiên cứu và làm việc tại trường đại học Bắc Carolina tại thành phố Charlotte. Những học thuyết và lý thuyết về sự trường thành hậu sang chấn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự trưởng thành mang tính nhân sinh và cảm xúc bên trong của cá nhân mỗi con người khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khó khăn, dễ mang lại cho họ cảm xúc không tích cực và tệ hơn là những sang chấn tâm lý. Ví dụ như hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh bị ngược đãi và bóc lột về mặt thể chất lẫn tinh thần, hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi tai nạn, thiên tai đến từ thiên nhiên, hay hoàn cảnh bị áp lực trong công việc thì đều dễ mang lại cho chúng ta những sự xúc động và sự tích tụ của nhiều cảm xúc không tích cực.

Vòng tuần hoàn của sự trưởng thành hậu sang chấn có những giai đoạn và tiến trình như sau:

Tiền truyện

Vào thời điểm ban đầu, rất nhiều người trong số chúng ta có một niềm tin mà Jonoff-Bulman (1992) gọi nó là một góc nhìn rất trong sáng và tích cực về xã hội và thế giới, mà trong đó tất cả mọi người đều sống một cuộc sống tốt, làm những việc đúng đắn, có sự tin tưởng về đồng loại, và được đảm bảo về công việc, pháp luật, an ninh, sự dân chủ, và những quyền lợi khác trong xã hội. Trong một xã hội hoàn hảo đến không tưởng này, con người đối xử với nhau với tình yêu thương, sự đồng cảm và luôn hy vọng rằng mình luôn được nhận lại những điều tốt mà mình đã cho đi.

Sóng địa chấn

Sau đó, vào một ngày đẹp trời, có một cơn địa chấn bất ngờ làm chia cắt niềm tin và sự tưởng tượng của chúng ta về một xã hội hoàn hảo thành nhiều mảnh rời rạc. Đây không phải là một trong những khó khăn trong cuộc sống mà chúng ta bắt gặp hằng ngày như ở trong công việc hay gia đình. Nó thực sự là một sự kiện mang sức ảnh hưởng lớn và có thể đảo lộn hết tất cả những gì chúng ta đã quan niệm và mong ước trong cuộc sống. Và chúng ta không tìm được cách nào để giải quyết một cách nhanh nhất. 

Bây giờ, cộng đồng mà chúng ta đã từng nghĩ rằng an toàn và hoàn hảo lại đang nhận phải những điều không hay, trong đó luôn ẩn chứa điều gì đó luôn rình rập mà chúng ta không hề hay biết. Sang chấn luôn tạo ra những vết nứt chia chúng ta và cuộc sống chúng ta ra làm nhiều mảnh rời rạc, mất sự liên kết với nhau. Khi “cái tôi” bị chia làm nhiều mảnh rời rạc, chúng ta sẽ có hai sự lựa chọn khi đối diện với chúng: mặc kệ những mảnh rời rạc này của chúng ta vụn vỡ hoặc tái tạo chúng thành thứ gì đó có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục đi tiếp trong cuộc sống (Joseph, 2011)

Những câu hỏi lớn

Rabbi Harold Kushner (1981) tóm gọn rằng, “Khi chúng ta thực sự phân tích câu hỏi, vì sao những điều tồi tệ luôn xảy ra với những người tốt?”, nó có thể được phân tách thành nhiều những câu hỏi nhỏ khác nhau; câu hỏi sẽ không đơn thuần chỉ là tại sao những điều đó lại xảy ra nữa, mà là làm cách nào để chúng ta có thể vượt qua sự khó khăn, hay điều gì chúng ta có thể làm để đối diện với sự khó khăn và khiến điều này dừng lại”. Một khi chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi như thế này, chúng ta sẽ có một sức mạnh để thay đổi mọi thứ.

Hai ngã rẽ trên cùng một con đường

Đôi khi những sự kiện sang chấn không làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của chúng ta, mà chính là cách chúng ta đối diện và chuyển hóa cảm xúc. Một khi chúng ta có thể xây dựng được những góc nhìn mới và thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự tiêu cực, chúng ta sẽ có thể tiếp tục tiến lên trong cuộc sống với một cách hoàn toàn mới. Sự trưởng thành hậu sang chấn sẽ không xảy ra trong tất cả những sự kiện mang tính thử thách nói chung. Mặt khác, nó sẽ chỉ xảy ra và những sự kiện rất đặc biệt khi tâm trạng, cảm xúc, thể trạng, tiền bạc, hay sự nghiệp của chúng ta đang có sự thay đổi chóng mặt, khiến chính chúng ta không thể nhận ra đâu là bản thân mình của quá khứ. 

Tại đây, chúng ta đang đối diện với hai ngã rẻ ở trên cùng một con đường. Ngã rẽ thứ nhất sẽ dẫn chúng ta đến sự đau khổ của tình thần và sự bị động khi đối diện và thích nghi với một hoàn cảnh mới, mặc dù rất khó khăn. Khi đi vào đó, chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, bực bội, hối tiếc và chậm chạp một cách không tưởng. Ngã rẽ thứ hai, mặt khác, nó bắt đầu bằng câu khẩu hiệu, “để đi tiếp, bạn phải rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh của bản thân trong quá khứ”. Ở trong cuộc hành trình này, chúng ta có thể không tìm lại bản sắc cũ của chính mình và sẽ phải xây dựng một bản sắc hoàn toàn mới, mục tiêu mới, mục đích sống mới, sự kết nối mới, những lý tưởng mới, những niềm tin mới về cách mà trái đất vận hành và về vị trí đứng của chúng ta hiện tại.

Sự chọn lựa dẫn đến con đường mang lại sức mạnh

Đi tìm và chọn lựa con đường sức mạnh mang tên “trưởng thành hậu sang chấn” sẽ không làm giảm hay hợp lý hóa những vết thương hay nỗi đau, vì nếu chúng ta đã có cơ hội để tránh xa những sự kiện sang chấn như chiến tranh, sự xung đột, hay áp lực đến từ công việc, thì chúng ta đã làm thế rồi. Mặt khác, sự trưởng thành hậu sang chấn là một kiểu giống như Kintsugi, có nghĩa là “mảnh ghép vàng”. Kintsugi là tên của một loại hình nghệ thuật cổ xưa của Nhật Bản. Người nghệ nhân sẽ hàn gắn những đồ gốm đã vỡ bằng vàng nung và tạo ra những tác phẩm mang hình thái và sức sống mới, mà trong đó vẫn lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp của lịch sử (Kumai, 2018). Sau tất cả, sự trưởng thành sau sang chấn không phải là một cốc nước đã vỡ mà được hàn gắn bởi hoa hồng để tạo ra những ảo giác về sự bình yên và che giấu đi những khủng hoảng. Sự trưởng thành sau sang chấn thuần khiết nhất khi chúng ta sẵn sàng mời gọi một thực tại mới, nhận định được chính sức mạnh của bản thân, và bắt đầu lai từ đầu. 

 

Nghệ thuật Kintsukuroi (金繕い) hay Kintsugi ((金継ぎ) | Shop gốm Nhật
(Kintsugi: một nghệ thuật của Nhật Bản về việc sửa chữa đồ gốm bị vỡ với chất liệu sơn mài, có phủ lên hoặc trộn thêm với bột vàng, bạc hoặc bạch kim)

Sức mạnh của sự tò mò

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể đi trên con đường của sự trưởng thành hậu sang chấn? Chúng ta sẽ phải bắt đầu bằng cách khám phá chính nhận thức của chúng ta, rồi từ từ chạm vào nó, và kích thích sự tò mò để đi tìm một góc nhìn mới và tích cực về những gì tiêu cực xảy ra trong quá khứ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những trí nhớ rõ ràng sẽ được lưu trữ ở vùng hồi hải mã dưới dạng những chuỗi sự kiện được sắp xếp một cách ngăn nắp, cho phép chúng ta truy cập, hoàn cảnh hóa chúng thành những câu chuyện mang ý nghĩa, và kết nối chúng với âm thanh, mùi vị, và cảm giác. Mặt khác, những trải nghiệm sang chấn thường sẽ được lưu trữ dưới dạng trí nhớ ẩn ở trong vùng não “thằn lằn” và có thể được tái trải nghiệm bằng những cảm giác và vận động của cơ thể, thay vì những chuỗi sự kiện, câu chuyện có đầy đủ tình tiết, cốt truyện, nhân vật, hay bối cảnh. Những trí nhớ đó rất dễ bị kích động bởi mùi hương hay âm thanh, và khi đó nó sẽ tái kích hoạt những trải nghiệm của cơ thể. 

Viết là một phương pháp giúp chúng ta tạo ra ý nghĩa

Sự bộc bạch qua văn chương sẽ giúp khái quát hóa những trải nghiệm sang chấn, hệ thống và hoàn cảnh hóa những câu chuyện khi được kết hợp với cảm xúc, và từ từ xoa dịu nó. Nghiên cứu chỉ ra rằng những nạn nhân của sang chấn sau khi dành thời gian khoảng 15 phút mỗi ngày để viết ra những cảm xúc của mình và khái quát chúng thành những câu chuyện có ý nghĩa cụ thể sẽ phục hồi nhanh hơn những người không viết gì hay chỉ viết ra những câu chuyện có chủ đề chung chung hơn. Những nhà khoa học gọi quá trình viết về những cảm xúc và trải nghiệm về nỗi đau là “một sự ngẫm nghĩ và suy tưởng có chủ đích” – nó là một quá trình tập chung cao độ để suy nghĩ về những trải nghiệm của mình và xây dựng một góc nhìn có chiều sâu và phổ quát hơn về chúng, và đây là bước đầu tiên để dẫn đến sự chuyển hóa tích cực của PTG (Tedeschi, Shakespeare-Finch, Kanako, & Calhoun, 2018).

Sống để phấn đấu

“Khi chúng ta không còn cách nào để thay đổi hoàn cảnh hiện tại, chúng ta sẽ học cách thay đổi chính bản thân mình” – đó là câu nói nổi tiếng của Victor Frankl, một nhà tâm lý học, một người sống sót qua thời kì diệt chủng người Do Thái khi nói về quá trình suy nghẫm cao độ và đi tìm ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người. Trong suốt quá trình suy xét nội tâm này, những cuộc địa chấn sẽ xảy ra và cho phép những nạn nhân của sang chấn được trải nghiệm sự trưởng thành sau sang chấn của mình, và quá trình này có 5 phần chính đã được lưu ý trong nghiên cứu của Tedeschi and Lawrence (1996).

  1. Thứ nhất, trong quá trình suy xét nội tâm này, chúng ta sẽ tìm thấy những cơ hội mới, ví dụ như một nạn nhân của tai nạn ô tô đi đến quỹ từ thiện để giúp đỡ và đóng góp cho cộng đồng những vận động viên bị thương tật. 
  2. Thứ hai, chúng ta sẽ tìm thấy được một sự kết nối sâu lắng hơn ở trong những mối quan hệ của chúng ta trong quá khứ và sự đồng cảm và chấp nhận đến từ những người cũng ở trong cùng hoàn cảnh với mình. Ví dụ, một nạn nhân bị bóc lột ở môi trường làm việc sẽ tìm thấy sự đồng cảm và chấp nhận ở công đồng những người cùng chung tay đẩy lùi những văn hóa độc hại trong công việc.
  3. Thứ ba, chúng ta sẽ trân trọng chính những sức mạnh tiềm ẩn của mình bằng cách học cách vượt qua những trở ngại và khó khăn, và phấn đấu tới những mục tiêu khác trong cuộc sống.
  4. Thứ tư, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu và dành nhiều sự trân trọng hơn đối với cuộc sống bằng cách tạo dựng và ưu tiên những mối quan hệ gần gũi và những điều chúng ta có thể cống hiến cho cuộc sống hơn những giá trị về địa vị và tiền bạc.
  5. Thứ năm và cuối cùng, là những người đã vượt qua sang chấn, chúng ta sẽ chạm tới được một giá trị tâm linh mà kéo ta tới gần hơn đến suy nghĩ về điều gì đó rộng lớn hơn.

Tóm lại, một mặt khác của sang chấn luôn là một cơ hội để chúng ta tạo ra những ý nghĩa mới cho cuộc sống, thay đổi góc nhìn về cuộc sống, vạch định ra một lẽ sống mới mang ta mới gần hơn thực tại hơn.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/bully-wise/202011/post-traumatic-growth-learning-thrive-after-trauma

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com