NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN KHÓ ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU SAU CHẤN THƯƠNG TÂM LÝ

Khi bạn cảm thấy không thoải mái để đón nhận tình yêu, không có nghĩa là bạn không tin vào nó, bạn chỉ khó có thể tin rằng tình yêu không đi kèm với đau đớn. Từ những trải nghiệm đau thương, bạn đã liên kết tình yêu với nỗi đau, tổn thương và thất vọng, và cho dù bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn không thể thấy rằng tình yêu thật sự vốn không mang đến tổn thương, mà nó đáng lí phải lấp đầy trái tim bạn.

 

Đón nhận tình yêu sau chấn thương tâm lý là cảm giác không mấy ai hiểu được. Bề ngoài bạn có thể trông cứng rắn và kiêu ngạo, luôn xông pha để có được những gì mình muốn. Nhưng ít ai biết về trận chiến đang diễn ra bên trong bạn, nơi bạn khao khát cảm thấy được yêu thương nhưng không thể buông bỏ nỗi sợ hãi và tổn thương của mình.

Nếu bạn thấy đồng cảm với những dòng này, hãy cùng tìm hiểu thêm về những dấu hiệu cho thấy bạn gặp khó khăn với việc đón nhận tình yêu sau chấn thương. Việc nhìn nhận những dấu hiệu này có thể giúp bạn hiểu được nỗi đau của mình và đối phó với nó. Vậy, chúng ta cùng bắt đầu thôi nào.

7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Khó Đón Nhận Tình Yêu Sau Chấn Thương Tâm lý

1. Bạn không bao giờ cảm thấy bình yên trong bất kỳ mối quan hệ nào, ngay cả khi đối tác của bạn là một người tốt thực sự.

Mỗi khi bước vào một mối quan hệ mới, bạn không thể mang lại cho mình hạnh phúc và bình yên trong đó. Đối tác của bạn có thể là một người rất tốt và thực sự yêu bạn vì chính con người bạn, nhưng bạn cảm thấy rất khó để từ bỏ những trải nghiệm đau thương trong quá khứ và tin tưởng họ. Vì mối quan hệ độc hại trước đây hoặc chấn thương thời thơ ấu, bạn thấy mình thường xuyên nghi ngờ ý định và lời nói của đối tác.

Chấn thương thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến sự gắn bó trong mối quan hệ, và không chỉ vậy, ngay cả khi bạn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực và lạc quan, thì suy nghĩ đó hầu hết chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Bạn vẫn cố gắng đọc ẩn ý, ​​nghi ngờ đối tác của bạn, không tin vào lời khen của họ và liên tục nghĩ rằng họ cũng sẽ rời bỏ bạn, sẽ gây tổn hại cho bạn.

2. Bạn lo sợ bị bỏ rơi.

Khi bạn lo sợ bị bỏ rơi , bạn sẽ cực kỳ bám lấy đối tác của mình hoặc liên tục đẩy họ ra xa. Bạn muốn yêu, nhưng bạn không thể yêu. Bạn không muốn trở nên đeo bám, nhưng bạn không thể kiềm chế. Bạn không có ý đẩy họ ra xa, nhưng bạn quá sợ hãi để trái tim mình tan vỡ một lần nữa.

Đây là những gì tổn thương gây ra cho bạn. Nó lấy đi tất cả niềm vui, hạnh phúc và niềm tin của bạn trước đây và chỉ để lại cho bạn một lớp vỏ bọc. Không có gì nằm giữa. Bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác của mình, hoặc bạn sẽ từ chối chấp nhận tình yêu và sự hỗ trợ của họ.

3. Bạn tìm kiếm tình yêu đích thực ở nhầm người.

Tìm kiếm tình yêu ở nhầm người là một trong những dấu hiệu lớn nhất cho thấy bạn khó đón nhận tình yêu sau tổn thương. Do những trải nghiệm đau buồn thời thơ ấu hoặc những mối quan hệ độc hại trong quá khứ, bạn học được rằng tình yêu là phải đau khổ, thế nên bạn theo đuổi những người không trân trọng bạn.

Bạn từ chối hiểu rằng bạn xứng đáng với những điều tốt hơn; bạn tiếp tục yêu những người không dành cho mình và như mọi lần bạn là người bị bỏ lại với trái tim tan nát. Bạn càng bị tổn thương và thất vọng, bạn càng tin rằng tình yêu phải là như vậy và cuộc đời bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nữa.

4. Bạn trải qua sự phân ly (splitting).

Sự phân ly xảy ra khi bạn có xu hướng nhìn mọi thứ từ quan điểm rất đen trắng và điều đó cũng xảy ra ở mức độ vô thức. Những gì bạn cảm nhận về ai đó ngay lúc này có thể đột ngột thay đổi vào thời điểm tiếp theo. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương với người bạn đời của mình nhưng chỉ vài phút sau, bạn sẽ cảm thấy khó chịu với họ.

Hầu như mọi lúc, cảm xúc của bạn xoay vòng giữa nhiều thái cực và mặc dù nhận ra điều này nhưng dường như bạn không biết phải làm gì để cảm thấy ổn định hơn về mặt cảm xúc. Chia tay càng khiến bạn cảm thấy day dứt và cảm xúc bất ổn hơn, và điều này dẫn đến những sự phức tạp hơn nữa trong mối quan hệ của bạn.

5. Bạn thường hồi tưởng quá khứ đau thương.

Thật không dễ dàng để buông bỏ quá khứ, đặc biệt là khi bạn đã trải qua một quá khứ đau buồn. Nếu bạn lớn lên với cha mẹ hay ngược đãi, việc thoát ra khỏi vòng lặp đau thương đó có thể đặc biệt khó khăn vì suy cho cùng đó cũng là cha mẹ của bạn. Thật khó để quên đi cách họ đối xử với bạn vì đó là loại “tình yêu” duy nhất mà bạn biết khi bạn đến với thế giới này.

Việc ở trong các mối quan hệ độc hại và lạm dụng cũng có thể hủy hoại sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn. Bạn cứ tiếp tục hồi tưởng lại những khoảng thời gian tồi tệ đó và điều này khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn của những ký ức sầu muộn và đau thương.

6. Bạn có xu hướng tự làm hại bản thân và làm tê liệt bản thân.

Khi việc đối mặt với nỗi đau trong quá khứ quá khó khăn, bạn phó mặc cho những điều độc hại, hy vọng chúng sẽ giúp bạn giải quyết tất cả, hay đúng hơn là làm bạn tê liệt trước tất cả. Dù là tự làm hại bản thân về thể chất hay tự làm hại bản thân về mặt cảm xúc, thì tác động đều giống nhau – nó đẩy bạn đi sâu hơn vào sự tự hủy hoại.

Tham gia vào các hoạt động độc hại có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn trong thời gian ngắn, nhưng thật không may, nó thực sự có hại cho bạn về lâu dài. Bạn có thể chạy trốn khỏi cảm xúc thật của mình trong nhất thời, nhưng đến một lúc nào đó, chúng nhất định sẽ bắt kịp bạn. Lạm dụng chất gây nghiện và nghiện ngập sẽ không bao giờ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc, thay vào đó, chúng sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và thậm chí còn khó giải quyết hơn.

7. Lúc nào bạn cũng cảm thấy tội lỗi.

Đây là một trong những lý do chính khiến bạn khó đón nhận tình yêu ở tuổi trưởng thành. Bạn cảm thấy tội lỗi vì đã không nhận ra các dấu hiệu sớm hơn. Bạn cảm thấy tội lỗi vì đã không đủ mạnh mẽ để rời xa họ sớm hơn. Bạn cảm thấy tội lỗi vì đã không bước tiếp nhanh hơn. Bạn cảm thấy tội lỗi vì đã chọn ở bên họ ngay từ đầu. Và điều này có lẽ là điều đau đớn nhất, bạn cảm thấy có lỗi vì đã không trở thành đứa con trai/con gái “ngoan” hơn của cha mẹ mình.

Bạn tiếp tục chỉ trích bản thân vì những “lỗi lầm” mà bạn đã mắc phải, mà không nhận ra rằng đó không phải là lỗi của bạn; bạn chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh. Không phải bạn làm họ thất vọng, HỌ mới là người làm bạn thất vọng!

Lần tới khi bạn tự hỏi: “Tại sao tôi lại sợ việc đón nhận tình yêu?”, hãy nhớ rằng bạn đã trải qua rất nhiều điều trong đời và việc luôn dằn vặt bản thân về điều đó chỉ khiến bạn tổn thương nhiều hơn.

Thật khó để đón nhận tình yêu một khi bạn đã trải qua chấn thương tâm lý, nhưng bạn biết điều gì không? Mọi thứ sẽ ổn thôi. Bạn sẽ ổn thôi. Bạn không phải là chấn thương của bạn, bạn còn nhiều điều hơn thế. Bạn nhiều hơn là những mối quan hệ độc hại và sự bỏ mặc của cha mẹ. Có thể bây giờ bạn vẫn chưa nhận ra điều này, nhưng hãy tin tôi khi tôi nói rằng: bạn xứng đáng nhận được tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống và hơn thế nữa.

Nguồn: https://au.reachout.com/articles/dealing-with-bad-world-new

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/