Những dấu hiệu cho thấy bạn đang trong một mối quan hệ độc hại

Khi bạn trong một mối quan hệ lành mạnh, mọi thứ cũng giống như là công việc. Chắc chắn, sẽ có những va chạm xảy ra, nhưng bạn thường đưa ra quyết định cùng nhau, thảo luận cởi mở về bất kỳ vấn đề nào khi chúng nảy sinh và cảm thấy vui vẻ khi làm những điều đó cùng nhau.

Tuy nhiên, mối quan hệ độc hại là một câu chuyện khác. Và nếu bạn đang ở trong mối quan hệ này, thật khó để có thể nhận ra.

Theo Tiến sĩ Carla Marie Manly, tác giả cuốn “Niềm vui từ nỗi sợ” chia sẻ, “tùy thuộc vào bản chất của mối quan hệ mà các dấu hiệu độc hại có thể rất rất nhỏ hoặc rất rõ ràng”.

Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ độc hại, bạn có thể nhận ra một số dấu hiệu này ở chính bản thân mình, ở người yêu hoặc trong chính mối quan hệ của bạn.

Dưới đây là một số dấu hiệu “độc hại” trong mối quan hệ:

1 Thiếu đi sự hỗ trợ

Thời gian ở bên người ấy đã không còn cho bạn cảm giác tích cực hoặc nhận được sự ủng hộ đối với những mục tiêu của bạn.

Mối quan hệ lành mạnh dựa trên mong muốn chung của cả 2 để làm nền tảng cho những thành tựu khác trong cuộc sống. Nhưng khi mọi thứ trở nên độc hại, mọi thành tựu đều trở thành một cuộc cạnh tranh. Nói cách khác, bạn không còn cảm thấy mối quan hệ này là chỗ dựa cho bạn.

2 Sự giao tiếp độc hại

Thay vì đối xử với nhau bằng lòng tốt, sự tử tế thì hầu hết các cuộc trò chuyện giữa bạn và người yêu đều chứa đầy sự mỉa mai, chỉ trích hoặc công khai chống đối. Thậm chí 2 bạn có thể bắt đầu tránh để không nói chuyện với nhau.

3 Ganh tị/Đố kỵ

Cảm giác ganh tị thỉnh thoảng xảy ra, có thể cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc này sẽ trở thành vấn đề nếu trong bạn hoặc người kia có những suy nghĩ hoặc cảm nhận không tích cực về những điều mà người kia đạt được.

4 Kiểm soát hành vi

Luôn đặt câu hỏi xem bạn đang ở đâu hoặc tỏ ra buồn rầu, khó chịu quá mức khi bạn không kịp trả lời tin nhắn ngay là những dấu hiệu của việc họ đang muốn kiểm soát hành vi. Đây là một dấu hiệu độc hại trong mối quan hệ. Trong một số trường hợp, những nỗ lực muốn kiểm soát bạn có thể là dấu hiệu của việc bạn đang bị lạm dụng.

5 Phẫn nộ/Tức giận

Theo thời gian, sự thất vọng hoặc tức giận có thể tích tụ và làm khoảng cách giữa 2 người ngày càng trở nên lớn hơn và khó có thể giao tiếp với nhau một cách thân mật được.

6 Không trung thực
Bạn liên tục phải nói dối người kia về việc bạn đang ở đâu, phải đi đâu đó hoặc gặp gỡ ai để tránh phải gặp mặt và hạn chế tiếp xúc với người đó. Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của 2 người đang không lành mạnh.

7 Thiếu tôn trọng

Thường xuyên đến muộn dù đã hẹn với bạn, “vô tình” quên những điều đã hẹn với bạn và thường có các hành vi khác thể hiện sự thiếu tôn trọng bạn là một dấu hiệu cảnh báo không thể bỏ qua.

8 Có những hành vi tài chính tiêu cực

Người ấy có những quyết định về tài chính, như mua các món đồ có giá trị lớn hoặc rút một khoản tiền lớn mà không hỏi ý kiến của bạn (khi đó là khoản tiền chung của cả 2).

9 Liên tục căng thẳng

Một mối quan hệ bình thường đôi khi cũng xảy ra căng thẳng nhất định, nhưng nếu tình trạng căng thẳng giữa bạn và người ấy diễn ra liên tục thì đây là một dấu hiệu không bình thường. Sự căng thẳng này có thể đã hoặc sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

10 Bỏ qua nhu cầu của bạn

Người ấy thường xuyên làm những những điều họ muốn, ngay cả khi nó đi ngược lại mong muốn của bạn hoặc khiến cho bạn không thoải mái là một dấu hiệu chắc chắn của sự độc hại.

11 Mất đi những mối quan hệ của riêng bạn

Bạn không còn dành thời gian cho bạn bè và gia đình của mình chỉ để tránh xung đột với người ấy của mình hoặc giải thích quanh co với mọi người về những điều (không hay) xảy ra giữa bạn và người ấy. Ngoài ra, bạn có thể thấy rằng thời gian rảnh của bạn chỉ quanh quẩn với người ấy.

12 Bạn không còn quan tâm đến bản thân mình như trước

Khi ở trong một mối quan hệ độc hại, bạn dần dần từ bỏ các thói quen tự chăm sóc cho bản thân mình như trước kia bạn vẫn từng làm. Bạn không còn dành thời gian cho những sở thích của mình, không quan tâm đến sức khỏe và hy sinh hết thời gian của mình cho người kia.

13 Hy vọng người kia thay đổi

Bạn cố gắng duy trì mối quan hệ này vì bạn cho rằng người kia có thể thay đổi được hoặc nghĩ rằng nếu như bạn thay đổi bản thân mình và cách cư xử với họ thì họ cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên đây không phải là một dấu hiệu của mối quan hệ lành mạnh.

Lược dịch từ https://www.healthline.com/health/toxic-relationship…
—————
Hãy liên hệ với MindCare nếu bạn cần trợ giúp nhé!
#Tinhyeu #Moiquanhedochai
#Tuvantamly
#MindCare