NHÀ TÂM LÝ LẪN THÂN CHỦ ĐỀU CÓ THỂ LO LẮNG TRƯỚC BUỔI GẶP ĐẦU TIÊN CỦA HỌ?

Chúng ta thường “kì thị” lo lắng như một cảm xúc tiêu cực hay yếu đuối, nhưng dưới góc độ tâm lý, lo lắng được nhìn nhận là một cảm xúc rất bình thường mà con người ai cũng có. Xét về mặt tích cực, lo lắng còn là tín hiệu cảnh báo và bảo vệ chúng ta trong hoặc trước những tình huống có yếu tố nguy cơ.

Trong trải nghiệm tham vấn trị liệu, trước khi thân chủ (khách hàng) có buổi làm việc đầu tiên với nhà tâm lý, họ hiểu rằng họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho một vấn đề nan giải, họ sắp sửa phải kể ra những điều thầm kín/riêng tư nhất, phải đối diện với những thứ họ vẫn trốn tránh và/hoặc gây cho họ nhiều vết thương, tất cả với một người HOÀN TOÀN XA LẠ. Ai mà chẳng lo lắng trong tình huống ấy cơ chứ!

Những lo lắng ở phía nhà tâm lý

Rất nhiều người vẫn lầm tưởng, nhà tâm lý là những chuyên gia sẽ tư vấn, hướng dẫn họ cách giải quyết những vấn đề khó nhằn trong cuộc sống. Một chuyên gia có đáp án của hầu-hết-các-vấn-đề thì sao phải lo lắng trước một người ít-hiểu-biết hơn họ?

Thực tế hoàn toàn không phải vậy! Các nhà tâm lý – dù có bề dày về quá trình học tập và kinh nghiệm thực hành – vẫn có những lo lắng nhất định của riêng họ trước buổi hẹn đầu tiên với từng thân chủ. Sự lo lắng ấy không đến từ việc khả năng của họ yếu kém hay họ thiếu tự tin, mà đến từ việc họ hiểu rằng: phạm vi của các khó khăn tâm lý là vô biên vô tận, dù trọng tâm của nó là một vấn đề đời sống hay là rối nhiễu, tâm bệnh. Họ hiểu rằng dù họ có kinh nghiệm trong nghề cả chục năm trời, thì việc gặp một thân chủ với vấn đề khác những trải nghiệm của họ là điều hoàn toàn bình thường.

Bạn có thể nảy ra câu hỏi, “Vậy trong trường hợp ấy, nhà tâm lý có còn là chuyên gia và có khả năng giúp ích cho tôi không?”. Câu trả lời là, nhà tâm lý thực hành chỉ định nghĩa họ là người được đào tạo chuyên môn trong công việc hỗ trợ tâm lý, còn bạn mới là “chuyên gia” chân chính trong vấn đề của bạn. Nghĩ mà xem, có ai tiếp cận được các suy nghĩ, cảm xúc, ý thức và hàng loạt yếu tố tâm lý phức tạp của bạn rõ như chính bạn? Có ai ở trong tình huống của bạn để nhìn, nghe, cảm nhận những tác động từ thế giới xung quanh bạn như bạn? Có ai hiện diện trong đời bạn mọi thời khắc từ khi sinh ra để nắm bắt mọi chuyển biến tâm lý từ nhỏ nhặt đến lớn lao, ngoài bạn? Nhà tâm lý cũng chỉ là “gà mờ” trong vấn đề của bạn khi so với chính bạn mà thôi!

Vậy nhà tâm lý sẽ giúp bạn bằng cách nào?

Hãy hình dung, nhà tâm lý đóng vai trò như một người đồng hành trên con đường chữa lành và phát triển bản thân của thân chủ. Nhà tâm lý sẽ lắng nghe một cách tích cực và đầy sự hiếu kì về câu chuyện của thân chủ để thấu hiểu trải nghiệm của thân chủ như cách chính họ hiểu, trong điều kiện tiên quyết là đặt lợi ích của thân chủ lên hàng đầu. Cùng với đó, nhà tâm lý áp dụng những kiến thức chuyên môn để cùng thân chủ phân tích vấn đề, tìm ra giải pháp và chinh phục những mục tiêu của quá trình làm việc mà thân chủ và nhà tâm lý đã thống nhất với nhau từ trước. Khi có những chi tiết nằm ngoài hiểu biết sâu sắc của nhà tâm lý, họ sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức thông qua những tài liệu khoa học hoặc xin tham vấn từ người giám sát cấp cao. Nhà tâm lý được đào tạo để nhạy cảm khi vấn đề của thân chủ vượt quá khả năng của họ. Trong tình huống này, họ sẽ thực hiện các trao đổi/thủ tục với thân chủ để “chuyển ca” sang một nhà tâm lý có kinh nghiệm trong vấn đề ấy hơn.

Mối quan hệ trị liệu

Quay lại với sự đồng hành của nhà tâm lý, mối quan hệ trị liệu giữa nhà tâm lý và thân chủ là một mối quan hệ độc đáo, đóng vai trò tối quan trọng để thân chủ đạt được hiệu quả cao nhất của việc tham vấn/trị liệu và lựa chọn duy trì quá trình. Sức nặng của nó, nếu không muốn nói, là hơn cả phương pháp tiếp cận mà nhà tâm lý lựa chọn (DeAngelis, 2019). Suy cho cùng, khi làm việc với lĩnh vực nhạy cảm như tâm lý con người, sự tôn trọng, tin cậy và hòa hợp là những yếu tố không thể thiếu. Bạn sẽ khó lòng bộc bạch một cách chân thực những khía cạnh yếu mềm, xù xì, kín đáo nhất với một người có vẻ phán xét, xa cách, thiếu sự quan tâm và đồng cảm, bất kể kĩ thuật và liệu pháp họ sử dụng có cao siêu cỡ nào.

Kết

Chính bởi hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ trị liệu, nhà tâm lý luôn nỗ lực để thiết lập, xây dựng và bồi đắp sự kết nối lành mạnh với thân chủ của họ, nhất là trong buổi làm việc đầu tiên. Những ấn tượng đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến quyết định của thân chủ là đi tiếp hay dừng lại với nhà tâm lý. Chỉ khi thân chủ chọn đi tiếp, nhà tâm lý mới có cơ hội để hỗ trợ thân chủ nhiều hơn!

MindCare luôn nỗ lực để kết nối bạn với nhà tâm lý phù hợp nhất. Đội ngũ nhà tâm lý tại MindCare đều được đào tạo bài bản, chính thống về ngành tâm lý tại các trường Đại học uy tín hàng đầu ở trong, ngoài nước và minh bạch thông tin về quá trình học tập. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà tâm lý tại MindCare luôn chú trọng đầu tư để trau dồi, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn trong quá trình làm việc. Nếu bạn đang băn khoăn về quyết định hẹn gặp nhà tâm lý, đừng ngần ngại liên hệ với MindCare để được tư vấn MIỄN PHÍ nha!

————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/