“Nghề” làm cha mẹ

Nếu ai đó hỏi mình rằng nghề gì khó nhất? mình sẽ trả lời đó là “NGHỀ LÀM CHA MẸ”. Mình chưa từng làm cha mẹ, nhưng từ lâu mình đã từng hờn trách cha mẹ, từng bực bội với cha mẹ, từng nghĩ rằng mình chẳng được yêu thương,..

Nhưng chẳng ai nhắc rằng họ đều là những người lần đầu tiên được làm cha mẹ, được làm con cái trong niềm hân hoan rối bời với thiên thần bé nhỏ và một người cứ săm soi bên mình. Mọi cử chỉ, thương yêu nếu nhiều quá cũng sợ con mình hư, hoặc không phát triển tốt, nếu quan tâm, yêu thương quá ít thì tự trách móc bản thân. Nếu không thống nhất được trong tình yêu thương và sự quan tâm cũng lo con sẽ hình thành những trạng thái tâm lý tiêu cực. Dù làm gì cha mẹ cũng đã phải suy nghĩ, phải cân nhắc, cũng thấy chưa an lòng.

Đối với con cũng lần đầu được làm con, cũng không tránh khỏi những ghen tị, những âu lo, những tức giận trước những mức độ quan tâm, yêu thương của cha mẹ với mình và với các anh chị khác. Tất cả chúng ta đều là lần đầu, lần đầu nhìn hình hài bé nhỏ của con, lần đầu nhìn thấy một vẻ bối rối trên khuôn mặt của những người đang săm soi, chăm sóc mình. Lần đầu trong bối rối, trong vụng dại, lần đầu chẳng khỏi lầm lỡ.

Chính vì lần đầu như thế đấy, cha mẹ và con cái hãy cho nhau thêm cơ hội để được học thêm về “nghề”. Cảm xúc tức giận của con là cơ hội để cha mẹ chỉnh sửa các hành động và suy nghĩ, những hành động ngốc, nghếch dại dột của con là điểm chỉ dẫn để cha mẹ có thể hỏi “con đang gặp chuyện gì”. Những sự chẳng quan tâm của cha mẹ, để con hỏi rằng “cha mẹ đang lo gì?”. Những áp đặt của cha mẹ, để con hỏi rằng “cha mẹ đã từng được nuôi dạy như thế nào?”. Những sự hờ hững lạnh lùng của cha mẹ, để con hỏi rằng “cha mẹ đã được chăm sóc, quan tâm ra sao?”. Những câu nói rằng “con muốn chết” để cha mẹ hỏi rằng có điều gì còn ý nghĩa với con trong cõi đời này. Cha mẹ và con cái, cho nhau cơ hội để thấu hiểu, để trưởng thành, để trung thực và yêu thương bản thân hơn nữa. Và để biết rằng thực ra chúng ta đang yêu thương nhau, chỉ là chúng ta đang rất bối rối vì chưa biết phải yêu thương nhau như thế nào để cả hai bên biết ràng chúng mình yêu thương nhau.

Làm cha mẹ và làm con cái cũng đều khó như thế đấy. Ai đó được làm cha mẹ, hay làm con cái của nhau. Họ đến bên nhau, có một ý nghĩa đó là chữa lành cho nhau những tổn thương trong đời. Trước hết, mỗi bên hãy cho phép mình được trung thực với chính mình, trung thực với những cảm xúc từ bên trong, trung thực với những âu lo, giận dữ, ham muốn, đừng gạt bỏ nó, cũng đừng trách móc nó. Tiếp đến hãy đồng điệu với người ấy (cha mẹ/con cái) hãy cho phép bản thân nhẫn nại, nán lại lâu hơn với họ, để họ có cơ hội được tỏ bày về cách yêu thương đó của họ. Đó có lẽ là những tổn thương từ sâu kín nào đó mà cũng chẳng ai lắng nghe họ, từ thương để rồi hiểu. Đón nhận họ như những gì họ đang có và chẳng nóng lòng buộc ai đó phải đổi thay.

– Nguyễn Hạ –