“Mamaboy và papagirl”

Trong khoảng thời gian ngắn gần hai năm làm tham vấn cho các thân chủ trải qua bạo lực gia đình. Có một cậu bé đã khiến mình chú ý bởi cách mà câu bé nghĩ về mẹ, những phản ứng với bố và cả những lúc mình quan sát cách cậu và mẹ giao tiếp với nhau. Cậu bé nói với mình “con sẽ quyết sống chết nếu ai đó làm hại mẹ”; “con mà kết hôn con sẽ phải ở gần mẹ”; “con sẽ chọn một công việc mà có thể gần mẹ để bảo vệ mẹ”. Những ngày mẹ vắng bạn ấy thể hiện sự âu sầu, bất an, đôi khi là sự cáu kỉnh đối với người xung quanh. Nhiều lúc cậu bé cũng tỏ ra giận dỗi mẹ, vì mẹ để con lại mà trở về nhà. Còn mẹ cậu thì từng chút một từ việc giục giã, hò hét con phải mặc chiếc quần như thế nào, kéo ra làm sao. Mối quan hệ của cậu bé với bố mình rất tệ, xa cách.

Mối quan hệ giữa cậu bé và mẹ làm mình nhớ tới thuật ngữ “mamaboy” được Murray Bowen gọi là mối quan hệ cộng sinh, “mamaboy” không thể có sự nam tính lành mạnh, vì người mẹ truyền đi cảm xúc muốn con trai sẽ mãi là con trai của mình, thay vì mong muốn chúng từ một đứa trẻ trở thành một chàng trai trưởng thành. Còn người con trai bề ngoài trông trưởng thành trước tuổi, nhưng bên trong lại đầy bất an và sự lúng túng không biết nên hành xử như thế nào. Mamaboy có sự thân thiết về mặt tình cảm với mẹ, nhưng lại cực kì xa cách với bố, người bố thì có sự ghen tị khi con trai có sự gắn bó vớ vợ hơn cả mình và không hài lòng khi con luôn bám mẹ. Vậy nên mối quan hệ giữa bố con ngày càng xa cách, con trai không có cơ hội để xây dựng mối quan hệ với bố, có thể oán trách hoặc ghét bỏ người cha của mình.

Tương tự với “papagirl”, bố papagirl coi con gái là thế thân cho bạn đời, con gái như là vợ, còn với con gái bố đôi khi giống như một người đàn ông. Bố đáp ứng mọi yêu cầu của con gái. Con gái có sự lệ thuộc tình cảm quá mức vào bố, con gái gắn kết quá mức với bố. Những papagirl khi được bố yêu thương vô điều kiện thường khó khăn trong việc hẹn hò hay làm vợ một ai đó, vì lúc nào họ cũng tìm kiếm tình yêu vô hạn của bố ở người đàn ông của mình. Không ít người khi tham vấn với mình, họ cũng thường đặt bố và chồng lên bàn cân để so sánh, nhưng bố có thể yêu thương con gái vô điều kiện và hết lòng, nhưng không có người chồng nào có thể mang đến tình yêu như vậy.

Sự tách biệt và độc lập là tiền đề của hôn nhân, Murray Bowen cho rằng để có một gia đình lành mạnh, hạnh phúc, đó là cả vợ và chồng sau khi kết hôn cần độc lập và ly khai về mặt tình cảm với bố mẹ. Vậy làm thế nào để con cái có thể thành công độc lập và tách khỏi cha mẹ, điều này phụ thuộc vào cha mẹ rất nhiều. Khi cha mẹ có ý định giải tỏa sự cô đơn, nỗi đau buồn thông qua con cái, họ đã vô tình biến con cái của mình trở thành “người bạn đời”. Điều cha mẹ có thể làm là không coi con cái như người bạn đời thay thế, đón nhận việc con cái rời xa họ và độc lập. Cha mẹ có thể tôn trọng và chấp nhận lối sống của con cái, con cái có thể quyết định mọi điều về cuộc sống của chúng. Đối với các “mamaboy hay papagirl”, họ cần chấp nhận sự thật rằng bản thân chỉ là một người con trai, con gái và vai trò hiện tại của họ là một người chồng, một người vợ, người đã là cha mẹ.

– Nguyễn Hạ – 

Nguồn tham khảo trong cuốn sach “Hai mặt của một gia đình” tác giả Choi Kwang Huyn.