HỌC CÁCH TỬ TẾ HƠN TRONG KHI VẪN LÀ CHÍNH MÌNH

Tử tế không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi bạn cảm thấy buồn, thất vọng hoặc hoài nghi về loài người. Nhưng lòng tử tế xứng đáng để nỗ lực. Nghiên cứu cho thấy việc tử tế với chính bản thân và những người khác có thể cải thiện tâm lý của bạn và giúp bạn hài lòng hơn với các mối quan hệ của mình.

Trong bài viết này, bạn có thể tìm hiểu cách trở thành một người tử tế và tốt bụng hơn. Nếu bạn thường hay cáu kỉnh hoặc lạnh lùng, sự tử tế có thể khiến bạn cảm thấy bị ép buộc hoặc giả tạo lúc ban đầu. Tuy nhiên, bạn không cần phải giả vờ mãi mãi; bạn có thể học cách trở nên thật sự tử tế và vẫn là “chính bản thân.”

1. Tử tế với chính bản thân

Tự tử tế và tự trắc ẩn có thể khiến việc tử tế với người khác dễ dàng hơn. Ví dụ, những người tử tế với chính bản thân thường có khả năng xây dựng mối quan hệ tốt hơn cũng như chăm sóc và hỗ trợ đối tác của họ nhiều hơn.

Để tử tế với chính bản thân:

   – Tử tế với cơ thể của bạn bằng cách chăm sóc sức khỏe vật lý: Ăn một chế độ ăn cân đối, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn và cố gắng ngủ 7-8 giờ mỗi đêm.

   – Thừa nhận cảm xúc của bạn: Ngay cả khi bạn cho rằng cảm xúc của mình không hợp lý, hãy thử chấp nhận chúng. Cố gắng đè nén cảm xúc có thể làm cho chúng trở nên mạnh mẽ hơn.

   – Thách thức lời tự thoại tiêu cực: Thay vì tự trách mình, hãy thử nói chuyện với mình như bạn đang nói chuyện với một người bạn.

   – Cố gắng buông bỏ những sai lầm trong quá khứ thay vì dằn vặt mãi về chúng: Nếu có thể, hãy coi những sai lầm như những cơ hội học hỏi để bạn làm tốt hơn trong tương lai.

   – Theo đuổi sở thích và làm những điều khiến bạn hạnh phúc: Việc dành thời gian để vui chơi và thư giãn không phải là ích kỷ.

   – Tự tuyên dương khi bạn làm điều gì đó tốt: Hãy trân trọng khả năng và thành tựu của bạn.

   – Đừng để mình bị đối xử như một chiếc giẻ chùi chân: Bạn có thể tử tế và yêu thương mà vẫn đặt ra giới hạn và ranh giới rõ ràng. 

   – Tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả vấn đề về tâm lý, càng sớm càng tốt. Ví dụ, việc thăm khám bác sĩ hoặc đặt lịch hẹn một buổi tham vấn tâm lý là một phần quan trọng của việc tự chăm sóc.

2. Tập cách nhìn mọi việc qua góc nhìn của người khác

   Những người biết đồng cảm cũng có xu hướng hành xử tử tế với người khác nhiều hơn. Học cách nhìn mọi tình huống từ góc nhìn của người khác có thể giúp việc tử tế dễ dàng hơn.

   Để cải thiện sự đồng cảm của bạn:

   – Hãy tò mò về người khác: Nếu bạn dành thời gian để tìm hiểu về trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của người khác, việc hiểu được quan điểm của họ, đồng cảm với họ và đối xử với họ một cách tử tế có thể dễ dàng hơn.

   – Tìm hiểu về văn hóa khác nhau: Ví dụ, xem các bộ phim tài liệu hoặc đọc bài viết của những người có cuộc sống rất khác biệt với cuộc sống của bạn, tham gia sự kiện đa tôn giáo hoặc tham quan triển lãm về văn hóa khác nhau.

   – Đọc sách tiểu thuyết: Nghiên cứu cho thấy việc đọc tiểu thuyết có thể cải thiện khả năng đồng cảmđối với người khác.

   – Thực hành lắng nghe tích cực: Lắng người khác có thể giúp bạn hiểu quan điểm của họ, từ đó giúp bạn đồng cảm với họ. Hãy sử dụng những lời nói khuyến khích như “À, ra vậy” hoặc “Ồ, thật à?” để khuyến khích người khác tiếp tục chia sẻ. Khi người khác đã hoàn tất một quan điểm, hãy tóm tắt nó theo cách của bạn để cho họ thấy bạn đã chú ý lắng nghe.

3. Thể hiện sự ủng hộ , động viên với người khác

Những người tử tế không thường xuyên tập trung tìm tòi những sai lầm của người khác. Họ cũng không đưa ra những lời chỉ trích không cần thiết. Thay vào đó, họ thích việc ủng hộ những người xung quanh họ.

Dưới đây là một số cách để nâng đỡ người khác thay vì hạ thấp họ:

– Khi ai đó chia sẻ với bạn về một mục tiêu hoặc dự án quan trọng với họ, hãy thể hiện sự quan tâm tích cực và động viên họ. Bạn có thể đặt câu hỏi như, “Có vẻ thú vị đấy, nó thế nào rồi?” hoặc “Wow, thú vị đấy! Điều gì khiến bạn quyết định thực hiện việc X?”

– Cung cấp sự hỗ trợ cả về mặt thực tế lẫn tinh thần nếu có thể, nhưng đừng tự cho rằng bạn biết điều gì tốt cho người khác. Hãy hỏi, “Tôi có thể giúp gì?” hoặc “Có điều gì tôi có thể làm?” thay vì nói cho họ biết bạn định giúp họ như thế nào.

– Việc đưa ra lời khuyên có thể hữu ích, nhưng hãy cố gắng đừng nói người khác nên làm gì, trừ khi họ yêu cầu ý kiến của bạn. Lời khuyên không được yêu cầu có thể tạo cảm giác chỉ đạo.

– Xác nhận cảm xúc của người khác. Ngay cả khi bạn cho rằng phản ứng của họ kỳ cục hoặc quá drama, đừng kết luận hoặc ngụ ý rằng cảm xúc của họ “sai.” Thay vào đó, hãy sử dụng các cụm từ xác nhận ngắn gọn như “Nghe thật khó khăn cho bạn” hoặc “Tôi có thể hiểu tại sao điều đó khiến bạn lo lắng!”

– Động viên người khác khi họ phải đưa ra quyết định khó khăn. Hãy khích lệ họ tự mình tìm ra giải pháp và cân nhắc lợi hại và lợi ích. Ví dụ, bạn có thể hỏi họ liệu họ đã từng ở trong tình huống tương tự trước đó và, nếu có, điều gì đã hiệu quả trong lần đó.

Nếu bạn thân thiết và hiểu rõ họ, hãy ôm họ khi họ buồn, hoặc nắm tay họ nếu họ đang trong trạng thái tinh thần không tốt.

4. Hãy cố gắng không phán xét người khác

Những người tử tế sẽ cố gắng không phán xét, đánh giá hoặc chỉ trích người khác. Họ sẵn lòng tạo điều kiện thuận lợi cho người khác nếu có thể, và họ biết rằng mọi người đều có giá trị như nhau.

Để giảm thiểu sự phán xét/đánh giá:

– Cố gắng nghĩ về những giải thích khác cho hành vi không mong muốn của người khác. Ví dụ, mặc dù có khả năng là bạn bè của bạn không trả lời tin nhắn của bạn vì họ không trân trọng tình bạn, cũng có khả năng họ chỉ đơn giản bận rộn.

– Hỏi bản thân lí do bạn phán xét người khác. Điều này có thể giúp bạn đối phó với nguyên nhân sâu gốc. Ví dụ, nếu bạn phán xét người khác vì bạn cảm thấy tồi tệ và phán xét người khác giúp bạn cảm thấy tốt hơn, có thể bạn nên cân nhắc đến việc cải thiện lòng tự trọng.

– Khi muốn phán xét người khác, hãy cố gắng tìm một phẩm chất bạn có thể trân trọng hoặc khen ngợi thay vì chỉ trích. Ví dụ, bạn có thể tự nói với mình, “OK, tôi nghĩ Sally nói nhiều quá, nhưng cô ấy thân thiện và sẽ vui vẻ nói chuyện với bất kỳ ai.”

– Tập trung vào lòng tử tế trong người khác. Việc thể hiện sự chấp nhận và lòng tử tế đối với người khác có thể dễ dàng hơn nếu bạn cố gắng nhận ra lòng tử tế trong họ. Ngay cả những người thường xuyên có vẻ gắt gỏng hoặc tức giận cũng có những khi làm điều tốt đẹp.

5. Hãy ấm áp và thân thiện

Cố gắng thể hiện tính tích cực và thân thiện, thay vì tiêu cực và lạnh lùng, cũng là một dạng của lòng tử tế. Cảm xúc có thể lây lan, vì vậy nếu bạn vui vẻ và thân thiện, bạn có thể mang niềm vui đến những người xung quanh bạn.

Dưới đây là một số gợi ý:

  • Mỉm cười thường xuyên hơn. Bạn không cần phải cười suốt ngày, nhưng hãy cố gắng cười một cái với người khác khi gặp họ.
  • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể thân thiện. Ví dụ, hãy cố gắng không khoanh tay hoặc nhịp chân một cách thiếu kiên nhẫn.
  • Thường xuyên kết nối bằng ánh mắt.
  • Hãy bộc lộ sự hài hước của bạn. Bạn không cần phải kể chuyện cười hoặc đùa giỡn suốt thời gian. Thỉnh thoảng, để lại vài nhận xét hóm hỉnh hoặc lời bình luận nhẹ nhàng là đủ.

6. Hãy hào phóng với lời khen

Người tử tế thường thích khen ngợi người khác. Nghiên cứu cho thấy chúng ta đã đánh giá thấp tính tích cực của lời khen. Chúng chỉ mất vài giây nhưng có thể mang lại nhiều niềm vui cho người khác. Hãy khen ngợi nếu bạn thật sự nghĩ vậy. Còn nếu không, bạn có thể tạo cảm giác không chân thành. Thường thì tốt nhất bạn nên khen ngợi thành tích, kỹ năng, sở thích hoặc sự cố gắng của người khác; bình luận về ngoại hình đôi khi khiến người khác cảm thấy kỳ cục. Bạn hoàn toàn có thể khen ngợi một món đồ trang sức hoặc một chiếc áo mà họ chọn thay vì ngoại hình của họ.

Dưới đây là một số ví dụ:

“Phòng này trông tuyệt đấy. Bạn có mắt thẩm mỹ tốt thế!”

“Bài diễn thuyết của bạn thật buồn cười. Bạn đã làm cho một chủ đề chán ngấy trở nên thú vị.”

“Tôi thích đôi giày của bạn. Bạn mua chúng ở đâu?”

7. Xác định đúng mục đích của bạn

Người thực sự tử tế không “đóng kịch” hoặc làm các hành động tử tế chỉ để đạt được mục tiêu cá nhân hoặc để gây ấn tượng cho người khác. Họ tử tế vì điều đó là đúng. Họ biết rằng những hành động tử tế thường làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho cả người trao và người nhận.

Hãy cố gắng phát triển một “tư tưởng cho đi.” Hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm cho người khác thay vì những gì họ có thể làm cho bạn. Nếu bạn không chắc chắn liệu mình đang hành động vì lòng tốt hay không, hãy tự hỏi:

– Liệu tôi có mong đợi nhận lại điều gì đó từ người này không? Nếu câu trả lời là “có,” đó không hẳn là sự tử tế thực sự; bạn chỉ đang tử tế vì lợi ích cá nhân.

– Tôi có thầm hy vọng rằng người khác sẽ nhận ra và đánh giá cao sự tử tế của mình không? Nếu có, bạn đang tỏ ra mình tử tế thay vì tử tế vì tấm lòng yêu thương hoặc mong muốn ai đó có cuộc sống dễ dàng hơn.

Để thay đổi tư tưởng của bạn, bạn hãy nghĩ về bản thân như một người thực sự tử tế, khiêm tốn, luôn đối xử tốt với người khác. Hãy đặt ra thử thách cho bản thân mình là thực hiện ít nhất một hành động tử tế mỗi ngày. Thời gian sẽ khiến sự tử tế của bạn trở nên tự nhiên hơn và “cơ bắp tử tế” của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

8. Đối xử tử tế với TẤT CẢ mọi người

Người tử tế sẵn sàng đối xử tử tế với tất cả mọi người trừ khi họ có lý do chính đáng để thể hiện thái độ khác. Trong khả năng có thể, hãy thực hiện sự tử tế vô điều kiện. Điều này có nghĩa là đối xử tử tế với cả người bạn không thích hoặc không biết lắm, thậm chí những người hoàn toàn xa lạ.

Hãy nhận thức rõ ràng về sức mạnh của bạn; đừng cư xử tồi tệ chỉ đơn giản vì họ ở thế dưới hoặc phụ thuộc vào bạn. Hãy đối xử tốt và lịch sự với mọi người. Ví dụ, mở cửa cho người khác và nói “Làm ơn” và “Cảm ơn.”

9. Khi bạn cảm thấy bực tức, hãy suy nghĩ trước khi hành động

Khi chúng ta cảm thấy bực tức, chúng ta dễ dàng nói và làm những điều không tử tế lắm, dù ta không cố ý. Hãy cố gắng để ý đến cảm xúc và sự thôi thúc đổ lỗi cho người khác của bạn.

Sẽ có thể hữu ích nếu bạn chú ý đến những gì xảy ra trong cơ thể bạn khi bạn bắt đầu cảm thấy tức giận hoặc bực bội. Ví dụ, bạn nhận ra mình cảm thấy nóng người hơn thường lệ hoặc đôi tay bạn siết chặt lại.

Khi bạn nhận thấy những dấu hiệu này, bạn có thể sử dụng một hoặc nhiều chiến lược sau để thư giãn:

– Hít sâu bằng mũi và thở ra qua miệng.

– Nghỉ ngơi trong vài phút. Hoàn toàn ổn nếu bạn nói, “Tôi ra ngoài một chút để hít thở không khí. Tôi sẽ trở lại trong một phút.”

– Đếm chậm rãi từ một đến năm trước khi lên tiếng.

10. Biết ơn và bày tỏ lòng biết ơn

Nghiên cứu cho thấy rằng cảm giác biết ơn liên quan đến hành vi hào phóng, tin tưởng và giúp ích hơn. Điều này có nghĩa là nếu bạn nuôi dưỡng lòng biết ơn và biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình, thì việc đối xử tử tế có thể dễ dàng hơn.

Một số người thấy việc viết nhật ký biết ơn rất hữu ích. Vào cuối ngày, chỉ cần ghi chú một số điều tốt đẹp hoặc những điều bạn biết ơn. Nó có thể là những thứ nhỏ nhặt như cốc cà phê ngon hoặc một trận cười thoải mái với người bạn đời.

Đừng quên nói “cảm ơn” khi ai đó giúp bạn. Điều này không chỉ lịch sự mà còn khuyến khích sự tử tế. Theo một nghiên cứu, khi người giúp đỡ được cảm ơn, họ cảm thấy được trân trọng và có khả năng tiếp tục giúp đỡ hơn so với những người không cảm thấy được trân trọng.

Hãy nhớ cảm ơn những người mà bạn có thể đang xem nhẹ. Ví dụ, nếu bạn đang trong một mối quan hệ, đừng trở nên tự mãn; hãy nói với đối tác của bạn rằng bạn biết ơn họ.

Nguồn tham khảo: https://socialself.com/blog/be-more-kind/

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/