HÌNH ẢNH CON NÍT TRONG HÌNH HÀI NGƯỜI LỚN? – HỘI CHỨNG PETER PAN

Tuổi tác không phải là thước đo chính xác nhất cho sự trưởng thành. Có những người dù đầu hai đầu ba nhưng vẫn từ chối việc lớn lên. Họ được gọi là Peter Pan.

Hội chứng Peter Pan là gì?

Bắt nguồn từ sự tương đồng với nhân vật cùng tên của nhà văn James Matthew Barrie, hội chứng Peter Pan nói về những chàng trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn từ chối lớn lên và đảm nhận trách nhiệm của một người lớn.
Hiện tại, hội chứng Peter Pan được chẩn đoán dựa trên tính cách và hành vi cho thấy dấu hiệu của người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, đây vẫn chưa được công nhận một dạng rối loạn tâm lý.

Thế nào là một chàng trai Peter Pan?

Theo Verywell Mind những dấu hiệu của một chàng trai chưa trưởng thành bao gồm:

  1. Thiếu ranh giới với bố mẹ: Những người chưa trưởng thành về cảm xúc đôi khi có quan hệ phụ thuộc đến mức cực đoan với bố mẹ. Ở nam giới trưởng thành, nó thường thể hiện ở việc họ quá dựa dẫm vào mẹ để được đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt căn bản, tài chính, đến nhu cầu xã hội và tình cảm.
  2. Thiếu chín chắn trong tình cảm: Nếu đã từng trò chuyện với một Peter Pan về những mối quan hệ cũ của họ, bạn có thể để ý rằng họ có thái độ đay nghiến, đổ lỗi và liên tục nói xấu người yêu cũ. Khi một mối quan hệ trưởng thành rạn nứt, hiếm khi đó là lỗi của riêng ai, nhưng các Peter Pan thường không chấp nhận điều này. Ngoài ra, Peter Pan thường chỉ hứng thú với một mối quan hệ trong thời gian ngắn và sau đó nhanh chóng chán nản. Họ thường có kiểu quan hệ không ổn định và lảng tránh mối quan hệ ràng buộc như kết hôn và có con. Những chàng trai Peter Pan cũng có xu hướng yêu người nhỏ tuổi hơn, ít kế hoạch tương lai để làm giảm áp lực ổn định cuộc sống.
  3. Có những người bạn giống mình: Peter Pan cũng thường chọn kết giao với những người giống mình bởi họ sẽ không bị chất vấn và chỉ trích bởi sự trẻ con của mình. Nếu từng hẹn hò với Peter Pan, bạn có thể đã từng không nén được sự khó chịu đối với nhóm bạn của họ. Chẳng hạn như khi đến những nơi đông người, nhóm bạn này thường gây phiền hà cho người xung quanh, khiến bạn cảm thấy xấu hổ hoặc thấy mình cần thay mặt họ để giải thích hay xin lỗi.
  4. Có thái độ hời hợt với công việc: Các Peter Pan làm việc một cách tùy hứng, hay vắng mặt mỗi khi có trách nhiệm, thường mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc sếp, có những dự định nhưng mãi chẳng thực thi. Nếu được một thành viên trong gia đình hỗ trợ về tài chính, những Peter Pan còn có thể lảng tránh việc đi làm.
  5. Có những thói quen thiếu lành mạnh khi đối mặt với stress: Đối với một người trưởng thành, thể thao, trò chuyện cùng bạn bè là những sở thích lành mạnh để giải tỏa căng thẳng. Nhưng với các Peter Pan, họ thường dựa vào những cơ chế đối phó không thích ứng để làm bản thân sao nhãng khỏi thực tại nhằm trốn tránh cảm xúc, chẳng hạn như nghiện chơi game nhiều giờ liền, lạm dụng rượu bia, ăn uống vô độ,…
  6. Không biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp: Những người không trưởng thành về cảm xúc thường không có khả năng tự vấn. Họ gặp khó khăn trong việc giải thích cảm xúc của chính mình, cũng như nguồn cơn của nó. Thay vào đó, họ thường phàn nàn, than vãn, nổi giận vô cớ với người khác nhằm giải tỏa cảm xúc bản thân và luôn thấy mình bị đối xử bất công. Điều này phần nào thể hiện sự bất lực và bị động của họ khi không có khả năng giải quyết tình huống như một người trưởng thành.

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng Peter Pan?

Hội chứng Peter Pan có thể xuất hiện ở bất kỳ ai với nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và gia đình – nơi đầu tiên định hình tính cách của mỗi cá nhân. Có thể kể đến những yếu tố chính như:

  1. Hội chứng Wendy: Nhắc đến hội chứng Peter Pan sẽ không thể nào bỏ qua hội chứng Wendy – những người phụ nữ phía sau là mẹ hoặc bạn đời của họ, thay Peter Pan gánh lấy phần trách nhiệm và giải quyết những việc mà Peter Pan không thể làm để tồn tại. Hội chứng này cũng tương tự nhân vật trong tác phẩm “Peter Pan” khi họ thường có nhu cầu thỏa mãn người khác, bằng cách thay người đó ra quyết định, thu xếp mọi chuyện và hỗ trợ từ phía sau, góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của hội chứng Peter Pan. Hội chứng Peter Pan và hội chứng Wendy dường như là sự bù trừ dành cho nhau.
  2. Quá trình nuôi dạy: Đối với hầu hết Peter Pan, cha mẹ của họ có thể đã bảo vệ quá mức, khuyến khích họ tận hưởng tuổi thơ và không dạy các kỹ năng cần thiết khi trưởng thành như lập kế hoạch tài chính, dọn dẹp nhà cửa, kỹ năng sửa chữa đơn giản hay cách để duy trì các mối quan hệ. Ngoài ra, phụ nữ thường được xã hội hóa về trách nhiệm với gia  đình, từ việc giữ lửa hạnh phúc, làm việc nhà đến chăm sóc con trẻ. Do đó, nếu trưởng thành trong môi trường này, các chàng trai sẽ có xu hướng nghĩ những việc trên đều không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ của họ khi giúp đỡ đối phương. Hoặc ở chiều ngược lại, họ đã có một tuổi thơ không trọn vẹn, bị bố mẹ bỏ bê, phải vật lộn để sống trong thế giới người lớn dù chưa sẵn sàng. Vì vậy, họ dành tuổi trưởng thành để cố gắng đòi lại nó.

Cần làm gì để cải thiện điều này?

Một người bị ảnh hưởng bởi hội chứng Peter Pan thường rất khó điều chỉnh bản thân trong điều kiện sống bình thường.

Nếu bạn người thân hoặc đang trong mối quan hệ với một Peter Pan.

Việc đầu tiên cần làm chính là hạn chế những sự giúp đỡ không cần thiết, giải thích cho họ hiểu điều đó ảnh hưởng đến bạn và những người khác như thế nào, đồng thời khuyến khích họ bắt đầu suy nghĩ về hành vi của mình đã ảnh hưởng đến những người xung quanh ra sao.
Việc vạch ra ranh giới rõ ràng sẽ tạo không gian cho những Peter Pan có cơ hội nhìn lại cuộc sống. Suy cho cùng, không ai có thể và có nghĩa vụ thay đổi một người nếu người đó không muốn. Bạn chỉ có thể tạo động lực và ở bên họ trong quá trình này.

Nguồn: Eira (21/8) – “Hội chứng Peter Pan: Thế nào là con nít trong hình hài người lớn?” – truy cập ngày 22/9/2021 tại Vietcetera.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/