CHÚNG TA TÌM THẤY GÌ BÊN TRONG CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG?

Cảm giác trống rỗng bên trong có thể khiến bạn cảm thấy như chẳng có gì là quan trọng. Dường như không còn điều gì kết nối bạn với người khác và thế giới xung quanh nữa. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy gần như bản thân không tồn tại. Cảm giác trống rỗng trong cuộc sống này có thể chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần nếu bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn. Tuy nhiên, một số người có cảm giác trống rỗng kéo dài hàng tháng hay thậm chí hàng năm.

Nếu bạn cảm thấy trống rỗng, có thể chính bạn cũng không hiểu vì sao bản thân lại cảm thấy như vậy. Bạn có thể thắc mắc rằng liệu cảm giác trống rỗng này có phải là do bạn đang bị trầm cảm hay không. Cảm giác trống rỗng có thể là dấu hiệu của trầm cảm, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến một số lý do khiến bạn cảm thấy trống rỗng trong cuộc sống và những gì bạn có thể làm để cảm thấy tốt hơn.

Tại sao tôi cảm thấy trống rỗng bên trong?

Trống rỗng là cảm giác không-có-gì hoặc là một sự thiếu vắng, trống trải. Cảm giác này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Có nhiều lý do về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất khiến bạn cảm thấy trống rỗng và tất nhiên không chỉ duy nhất một sự kiện trong cuộc sống kích hoạt lên cảm giác ấy. 

Nguyên nhân về thể lý

Bạn ngủ không ngon giấc

Giấc ngủ là một trong những điều quan trọng nhất đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Nếu bạn đang cạn kiệt sức lực và không thể nạp lại năng lượng bằng giấc ngủ đều đặn, chất lượng, bạn có thể cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và trống rỗng. Một chuyên gia của Đại học Harvard cho biết “Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh và hóa học thần kinh cho thấy một giấc ngủ ngon giúp thúc đẩy khả năng phục hồi cả về tinh thần và cảm xúc. Trong khi tình trạng thiếu ngủ mãn tính tạo tiền đề cho suy nghĩ tiêu cực và dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc”. Điều này có nghĩa là nếu bạn không ngủ đủ giấc, não của bạn sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giúp bạn điều hướng những thăng trầm của cuộc sống.

Bạn kiệt sức

Kiệt sức là trạng thái mà cơ thể và tâm trí của bạn đã phải hoạt động, tiêu tốn rất nhiều năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi cực độ. Ví dụ, bạn vừa là người chăm sóc cha mẹ già của mình, vừa là người chăm sóc gia đình và cáng đáng công việc. Bạn có cảm giác như cho dù bạn có làm bao nhiêu việc trong một ngày thì danh sách việc cần làm của bạn vẫn dài vô tận. Dù có ngủ bao nhiêu đi chăng nữa, khi thức dậy bạn vẫn kiệt sức. Theo thời gian, bạn cảm thấy suy sụp đến mức thực sự không còn cảm thấy gì nữa. Và từ đây, bạn bắt đầu cảm thấy trống rỗng. Hoặc, khi bạn đang làm việc không ngừng nghỉ với nhiều dự án tại nơi làm việc và bộ não của bạn không bao giờ có được một phút nghỉ ngơi. Lúc đầu, bạn rất hào hứng với thử thách nhưng sau nhiều tuần chúi mũi vào công việc, bạn dần mất đi nhiệt huyết ban đầu. Bạn mệt mỏi đến mức cảm thấy hoàn toàn tệ hại về công việc và cuộc sống của mình. Bạn có thể không nhận ra ngay rằng cảm giác trống rỗng bên trong gắn liền với sự mệt mỏi. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình để giúp làm sáng tỏ khó khăn bạn đang gặp phải:

  • Tôi có cần thêm sự hỗ trợ từ người yêu/vợ/chồng, gia đình, bạn bè hoặc hàng xóm của mình không? 
  • Tôi có muốn nói chuyện với ai đó “trung lập” như bác sĩ hoặc nhà trị liệu tâm lý không?
  • Mục tiêu của tôi có thay đổi không? (Ví dụ: công việc, trường học, cuộc sống)
  • Các hoạt động của con tôi có đòi hỏi quá nhiều sức lực từ tôi không? (Ví dụ: lái xe nhiều)
  • Tôi có mối lo ngại nào về sức khỏe thể lý của mình không? 
  • Một dự án hoặc công việc tình nguyện có vượt quá khả năng tôi có thể đảm nhận không?

Khi bạn đang nghĩ về những câu hỏi này, hãy đừng quá lo lắng nếu vẫn chưa có câu trả lời ngay lập tức. “Bỏ cuộc” không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối – nó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nhận thức và thừa nhận rằng bạn là con người và bạn có những giới hạn. Tôn trọng những giới hạn cá nhân là cần thiết để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

Phải làm gì nếu kiệt sức khiến bạn cảm thấy trống rỗng?

Có thể khá khó khăn để bạn phanh nhanh lại, nhưng cảm giác trống rỗng và kiệt sức là một “dấu-hiệu-dừng-lại” lớn. Chúng nhắc nhở bạn rằng đã đến lúc bạn cần chăm sóc chính bản thân mình. Dưới đây là một số điều mà bạn có thể thử:

  • Nhờ đến sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, hàng xóm và/hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần
  • Hãy thử xem bạn có thể làm gì để giảm bớt khối lượng công việc (ví dụ: tìm người chăm sóc thay thế, nhờ ai đó giúp bạn làm việc vặt hoặc việc nhà)
  • Tạo ranh giới và tuân thủ chúng (ví dụ: ngừng kiểm tra email và điện thoại của bạn tại một thời điểm nhất định vào ban đêm; đi ngủ và thức dậy cùng một lúc bất kể đó là ngày nào).
  • Tìm những điều giúp bạn thư giãn trong ngày (ví dụ: các bài tập thở sâu, thiền)

Nguyên nhân về tinh thần và cảm xúc 

Cảm giác trống rỗng có thể xuất hiện do những sự kiện mang tính thách thức xảy ra trong cuộc sống. Điều quan trọng cần nhớ là mỗi người có cách đối diện với tình huống khác nhau, và đôi khi những tình huống tương tự có ảnh hưởng rất khác đối với mỗi cá nhân. Đừng so sánh bản thân với người khác hoặc nghĩ rằng bạn “phải” cảm nhận như thế nào về điều gì đó mà bạn đang trải qua. Sau đây là một số nguyên nhân về mặt tinh thần và cảm xúc có thể gây ra cảm giác trống rỗng.

Nhàm chán

Cảm giác buồn chán và không hài lòng với cuộc sống hàng ngày thực sự có thể khiến bạn cảm thấy như có một khoảng trống không thể lấp đầy bên trong mình. Sherry Amatenstein – nhà công tác xã hội lâm sàng và là tác giả của bốn cuốn sách, cho rằng cảm giác trống rỗng xuất phát từ “cảm giác không có mục đích sống, bạn chỉ đang “xuôi dòng” trên chính dòng sông cuộc đời của mình và không thực sự biết điều sẽ mang lại ý nghĩa cho bạn”. Để chống lại sự trống rỗng, hãy lập danh sách các hoạt động giúp mang lại cảm giác vui vẻ và ý nghĩa. Bạn không cần phải thực hiện tất cả cùng một lúc, chỉ cần bắt đầu với một hoặc hai thứ mà bạn có thể thử trong một ngày của mình. Thậm chí chỉ cần nhận thức được điều gì là tích cực trong cuộc sống của bạn và dành thời gian để biết ơn, cũng có thể có tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ tinh thần của bạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng biết ơn có thể giúp gia tăng hạnh phúc của bạn.

Một cách khác để bạn thực hành nuôi dưỡng lòng biết ơn là viết nhật ký về một điều gì đó khiến bạn hạnh phúc mỗi ngày. Hoạt động phản tư này đơn giản giúp bạn nhìn nhận cảm xúc của mình. Và đặc biệt là vào những ngày bạn cảm thấy chán nản, kiệt sức và trống rỗng, việc nhìn lại danh sách những điều khiến bạn hạnh phúc trong cuộc sống có thể giúp bạn tiếp thêm động lực.

Bạn cô đơn

Việc cảm thấy trống rỗng hoặc cảm giác như thể có một lỗ hổng lớn trong đời mình, hay thậm chí trong chính trái tim của bạn có thể xảy đến sau khi bạn kết thúc một mối quan hệ nào đó. Nghiên cứu về Sự phát triển của Người trưởng thành tại Đại học Harvard – một trong những nghiên cứu dài nhất về cuộc sống của người trưởng thành vẫn đang diễn ra mạnh mẽ sau hơn 75 năm, đã phát hiện ra rằng việc duy trì mối quan hệ yêu thương với vợ chồng, gia đình và bạn bè là một trong những yếu tố quan trọng nhất mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Vì các mối quan hệ là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy lạc lõng và cô đơn khi một mối quan hệ nào đó kết thúc. Nhưng sự cô đơn có thể tác động tiêu cực lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, vì vậy điều quan trọng là bạn phải tìm cách ứng phó với nó. Dành thời gian để trò chuyện thường xuyên với người bạn thân nhất hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ trực tuyến hoặc trực tiếp có thể giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình sau khi kết thúc mối quan hệ nào đó.

Bạn gục ngã trong nỗi tiếc thương

Cảm giác trống rỗng hoặc chết lặng sau cái chết của người thân là một phần thường thấy của quá trình đi qua đau thương. Các giai đoạn đau buồn không nhất thiết phải diễn ra theo thứ tự, vì vậy bạn có thể cảm thấy trống rỗng ngay sau khi người thân qua đời, hoặc cũng có thể là rất lâu sau đó. Đừng tạo áp lực “phải vượt qua” nỗi đau mất người thân. Hãy nhớ rằng bạn có thể tìm cách đối mặt với những cảm xúc này và học cách sống với khoảng trống mà người đó đã để lại trong cuộc đời bạn.

Bạn đang đối mặt với tình trạng sức khỏe tâm thần

Trầm cảm không giống nhau ở mỗi người, nhưng nó có thể biểu hiện dưới dạng nỗi buồn tạm thời và cảm giác chán nản. Bạn cũng có thể cảm thấy ít hứng thú hơn với những hoạt động mà trước đây bạn thực sự yêu thích. Nói chung, bạn có thể thức dậy mỗi ngày với cảm giác trống rỗng và mệt mỏi. Đừng bỏ qua những cảm giác này. Theo Sherry Amatenstein, việc trải qua cảm giác thiếu vắng, trống trải một cách dai dẳng “có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần mãn tính như trầm cảm hoặc PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương)”. Khi bị trầm cảm, bạn cũng có thể sẽ thay đổi về khẩu vị, mệt mỏi, cảm giác vô dụng, khó đưa ra quyết định và có ý nghĩ tự tử. Amatenstein nói rằng cảm giác trống rỗng “cũng có thể là một cơ chế phòng vệ vì sau một sự kiện gây đau khổ, bạn dễ dàng khép mình lại và chọn không-cảm-thấy-gì hơn là phải đối mặt với những cảm xúc nghiêm trọng”.

Phải làm gì khi bạn cảm thấy trống rỗng?

Nếu bạn cảm thấy trống rỗng do một tình huống tạm thời, như làm việc quá sức hoặc đối mặt với áp lực trong thời gian ngắn, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ chăm sóc bản thân mình trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, nếu cảm giác trống rỗng không liên quan đến một sự kiện cụ thể hoặc không giảm đi và có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể xem xét tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia. Hãy nhớ rằng việc yêu cầu giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Thừa nhận cảm xúc của mình và xác định nguyên nhân có thể là bước quan trọng đầu tiên. Thậm chí, đó là một bước đi dũng cảm để bắt đầu hành trình chăm sóc, quan tâm và yêu thương bản thân mình. 

Nguồn: https://www.verywellmind.com/i-feel-empty-5195295

#chăm_sóc_bản_thân #sức_khỏe_tâm_thần #kiệt_sức #trống_rỗng #tìm_hiểu_bản_thân #hỗ_trợ_tâm_lý #chất_lượng_giấc_ngủ #thiết_lập_ranh_giới #kết_nối #mối_quan_hệ #trầm_cảm #sự_kiện_thách_thức #nhàm_chán #thương_tiếc #cô_đơn 

#selfcare #mentalhealth #burnout #emptiness #selfdiscovery #emotionalsupport #qualitysleep #settingboundaries #connect #relationships #depression #challenges #boredom #grief #loneliness

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com