BẠN CÓ ĐANG NGHĨ RẰNG “MỌI HÀNH ĐỘNG CỦA NGƯỜI KHÁC ĐỀU ĐANG ÁM CHỈ MÌNH”?

Có lẽ tôi là người hay “cá nhân hoá” những vấn đề mà tôi gặp phải trong cuộc sống. Điều này tạo ra một loạt các cảm xúc khác nhau. Giả sử tôi đang lái xe rất chậm vì cố gắng tìm một địa chỉ cụ thể. Ai đó ở phía sau xe bắt đầu bấm còi inh ỏi và nháy đèn pha về phía xe của tôi.

Tôi nhìn nhận sự việc như thế nào? 

Tôi xem chuyện này là do tôi mà thành. Tôi biết tôi không nên làm vậy nhưng nó cứ thế mà xảy ra. Hoặc giả sử ai đó hủy cuộc hẹn liên quan đến công việc với tôi vào phút cuối. 

Tôi phải trả lời thế nào? Một lần nữa, tôi xem chính tôi là lý do họ từ chối cuộc hẹn. Tôi cảm thấy mình chưa đủ quan trọng đối với họ.

Tôi thực hiện các bài phát biểu quan trọng và tôi thực sự muốn thu hút khán giả vào câu chuyện kể của mình. Nhưng ngay khi tôi thấy ai đó không chú ý và chỉ nhìn chăm chăm vào điện thoại của họ, tôi đã xem vấn đề bắt nguồn từ bài nói của mình. Có lẽ, tôi không phải là người duy nhất cá nhân hoá vấn đề của mình.

Hãy tưởng tượng bạn mời một người bạn đi xem phim và cô ấy trả lời: “Ồ xin lỗi, tôi phải đi làm thêm mất rồi.” Nhưng sau đó bạn nhìn thấy bài đăng trên mạng xã hội là cô ấy đang đi ăn cùng với bạn bè ngay tối hôm đó. Hoặc hãy thử tưởng tượng bạn đã làm việc chăm chỉ trong một dự án, bạn thực sự tự hào về kết quả cuối cùng, nhưng rồi phản hồi duy nhất bạn nhận được chỉ là những lời chỉ trích, phê bình. Vì lẽ đó, bạn trở về nhà với một tâm trạng ủ dột và rất muốn chia sẻ trải nghiệm khó chịu này với người yêu. Nhưng trong khi bạn đang kể câu chuyện của mình thì đối phương lại bỏ đi và bật TV lên xem.

Hầu hết chúng ta sẽ xem những tình huống này xảy là do bản thân mình. Chúng ta cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi, bị xúc phạm hoặc bị phản bội. Vào những lúc này, chúng ta tin rằng: “Những thứ khó chịu mà tôi đang phải gánh chịu bây giờ là do lỗi của người khác. Họ phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc này. Họ mới là người có lỗi.”

Cái tôi của chúng ta đang lên tiếng. 

Cái tôi của chúng ta cho rằng người khác nên quan tâm đến chúng ta. 

Cái tôi của chúng ta không muốn bị chỉ trích. 

Cái tôi của chúng ta muốn được thừa nhận và nói rằng chúng ta luôn đúng.

Khi cái tôi của chúng ta nắm quyền kiểm soát, điều đó thật mệt mỏi. Thay vào đó, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có thể ngừng cá nhân hoá mọi việc. Bằng cách đó, chúng ta sẽ được tự do. 

Vậy làm thế nào để chúng ta thực hiện điều đó?

Chiến lược số 1: Nhận ra rằng vấn đề không phải luôn hướng về phía bạn

Khi tôi nhìn nhận mọi việc theo hướng “cá nhân hoá”, tôi luôn tin rằng mọi hành động của ai đó là do tôi. Khi thấy ai đó nhìn vào điện thoại của họ khi tôi đang nói, tôi cảm thấy bị xúc phạm và nghĩ rằng, “Này, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian cho bài thuyết trình này. Tôi muốn được tôn trọng.”

Nhưng thực tế, điều đã xảy ra không thực sự là về tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cố gắng nhìn vấn đề từ góc nhìn của người khác và tự hỏi bản thân: “Tại sao anh ấy hoặc cô ấy lại nhìn vào điện thoại của mình nhỉ?” Có lẽ cô ấy vừa nhận được một tin nhắn quan trọng, một tin nhắn mà cô ấy đang chờ đợi. Có lẽ chủ đề bài thuyết trình của tôi không thực sự là điều mà anh ấy hứng thú, quan tâm, hoặc ngược lại, anh ấy thấy thú vị đến mức muốn ghi chú vào điện thoại của mình. Bằng cách chuyển sự tập trung của tôi từ “tôi” sang “chúng tôi”, tôi sẽ không xem đó là chuyện cá nhân nữa. Nếu tôi cố gắng hiểu ý định của người khác, tôi dành không gian để thấu hiểu họ hơn là cảm thấy bực tức.

Một ví dụ khác, khi bạn bế đứa con trai của mình lên giường vào giờ đi ngủ và đứa trẻ không muốn bạn làm vậy, nó nằm xuống sàn và hét lên, “Con ghét bố”. Bạn có nghĩ đó thật sự là điều mà đứa trẻ muốn nói không? Có lẽ là không, bởi vì bạn biết câu nói ấy không hướng về bạn. Đứa trẻ đang tức giận vì không được thức lâu hơn một chút. Tất cả chỉ có vậy.

Bất cứ khi nào bạn bắt đầu nhìn nhận mọi việc một cách cá nhân, hãy nhìn vào ý định của người khác. Tất nhiên, điều này có vẻ đơn giản… về mặt lý thuyết. Trong cuộc sống thực, hóa ra lại là một công việc khá khó khăn. Chẳng hạn, khi bạn nhìn thấy hai người đồng nghiệp đang đứng nói chuyện với nhau, nhìn bạn và bắt đầu cười, bạn có nghĩ: “Ồ, chắc họ chú ý đến đôi giày mới của mình và họ cũng muốn một đôi giống thế!”

Không, không. Thực tế thì bạn nghĩ: “Họ đang cười nhạo tôi” hoặc “Họ đang bàn tán về tôi”.

Phải mất rất nhiều nỗ lực mới có thể xoay chuyển được những suy nghĩ bên trong mình: “Đợi đã, tôi không biết gì cả. Họ có thể đang cười về điều gì đó không liên quan đến tôi”. Nhìn thấy những ý định tích cực của người khác đòi hỏi sự kỷ luật và rèn luyện. Tôi trở thành một người trọng tài rèn luyện trí não của mình để không cá nhân hoá mọi chuyện mà tôi gặp phải.

Khi chiến lược “Không phải về tôi” có vẻ không hiệu quả, điều đó thường có nghĩa là “Vấn đề có thể thật sự là về tôi”. Như vậy, đã đến lúc sử dụng chiến thuật tiếp theo.

Chiến lược số 2: Hãy thể hiện sự đồng cảm với bản thân hoặc lên tiếng 

Giả sử một người lái xe đang bóp còi phía sau tôi. Ngay cả khi tôi nghĩ đó là vì anh ấy đang vội, tôi cũng cần phải tự hỏi bản thân: “Có phải mình đã lái xe quá chậm không?” Và khi làm vậy, tôi có thể nhận ra rằng mình đã có lỗi, và thật sự là không thoải mái chút nào vì tôi không thích bản thân phạm phải sai lầm.

Đó là lúc bạn cần thể hiện sự cảm thông và hiểu cho những cảm xúc khó của mình: “Ồ, nó khá là đau đấy. Tôi rất khao khát được trở nên tốt hơn” hoặc “Tôi mong đợi rằng tôi sẽ hoàn thành được nhiệm vụ một cách xuất sắc và tôi cảm thấy rất buồn khi mình không thể thực hiện được những điều mà mình đã đề ra ban đầu”. Đôi khi, việc bạn lên tiếng có thể mang lại ý nghĩa. Nếu ai đó bỏ đi trong khi bạn đang nói chuyện với họ, hãy lên tiếng: “Em đang kể dở câu chuyện của mình thế mà anh lại bỏ đi để bật TV lên. Dường như, anh không để tâm đến những điều em nói.”

Bằng cách cởi mở, thẳng thắn chia sẻ về cảm giác của bạn mà không đổ lỗi cho người khác (phần “không đổ lỗi” này vô cùng quan trọng), cả bạn và đối phương sẽ có cơ hội để hiểu rõ về nhau hơn.

(Bài viết được dịch từ bài nói chuyện TEDxMechelen “How not to take things personally?” của Frederik Imbo)

Nguồn: https://ideas.ted.com/do-you-take-things-personally-and-who-doesnt-heres-how-to-stop/

#cá_nhân_hoá_vấn_đề #chiến_lược #nhìn_nhận #đồng_cảm #lên_tiếng

#takethingspersonally #strategy #realize #empathy #speakup

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/