BẠN CÓ ĐANG BỊ TRẦM CẢM ẨN?

Có một loại trầm cảm mà người ta ít khi phát hiện ra.
Loại trầm cảm này không dễ để phát hiện vì bạn đã che giấu nó cẩn thận để không ai nhận ra bạn đang có vấn đề.
Trong thâm tâm bạn biết rằng có điều gì đó không ổn. Và trong màn đêm tĩnh mịch, nỗi cô đơn từ đâu kéo đến bủa vây và khiến bạn rơi vào tuyệt vọng. Nhưng bạn nhanh chóng tắt đi tín hiệu cảnh báo. Bạn chinh phục sự thành công, mỉm cười rạng rỡ và làm ra vẻ như đang có một cuộc sống hoàn hảo, đó là cách đối phó mà bạn chọn từ lâu mà theo đó, bạn có vẻ chính là con người đó hoặc đã trở thành con người đó.


Thuật ngữ để gọi tên cơ chế này là trầm cảm ẩn, một hỗn hợp của những niềm tin và hành vi thường xuất hiện cùng nhau như muối và tiêu. Tiêu ở đâu, muối ở đó và ngược lại.
Nếu mắc loại trầm cảm này, bạn sẽ không có triệu chứng của trầm cảm nhẹ, trầm cảm chức năng cao hoặc trầm cảm mãn tính. Bạn biết mình bị trầm cảm, nhưng vẫn cố nở một nụ cười dù phải vật lộn mỗi ngày.
Bạn cũng không có đủ dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng bởi vì bạn không hề tự cô lập. Bạn không có vẻ u sầu hay kích động. Bạn không thiếu bạn bè và các hoạt động. Bạn không khóc. Nước mắt hay bất kỳ biểu hiện nào của nỗi đau tâm lý đều không hiện diện. Bạn không nói rằng bạn muốn chết. Trên thực tế, nếu một bác sĩ tâm thần hay một nhà trị liệu gặp bạn, họ sẽ chỉ kết luận là bạn đang làm việc quá sức, cần phải chậm lại, hoặc bạn chỉ đang lo âu mà thôi.
Nhưng đó chính là chứng trầm cảm, đằng sau tất cả những thành tựu đó. Dù không phải loại trầm cảm cổ điển, nhưng nó vẫn là trầm cảm. Nỗi đau của bạn không cất tiếng, vì sự tuyệt vọng và nỗi cô đơn tận cùng được che giấu bằng cả một cuộc đời đóng kịch vờ như mọi thứ đã và đang rất ổn. Bạn bám víu vào sự hoàn hảo của mình. Có lẽ bạn chỉ lo lắng và cố gắng kiểm soát, nhưng ai cũng thế mà? Đó không phải là cách sống bình thường sao?
Không. Không phải vậy đâu.
Vì nơi nào có bí mật, nơi đó có sự hổ thẹn.
Nơi nào không có sự tự trắc ẩn, nơi đó không có sự tự chấp nhận.
Nơi nào không có tự do, nơi đó có nô lệ.
Và nơi nào chỉ có sự im lặng, nơi đó không thể có sự mong manh và sự kết nối thật sự.
Dưới đây là bảng câu hỏi để kiểm tra trầm cảm toàn ẩn. Bảng câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định xem mình có đang mắc chứng trầm cảm này hay không và có thể cứu sống bạn. Với mỗi câu hỏi phía dưới, hãy trả lời “Có” hoặc” Không”. Hãy thành thật với chính mình. Cách tính điểm nằm cuối bảng.
1. Bạn gặp khó khăn khi tâm sự với người khác, đặc biệt là về những khó khăn và vấn đề trong cuộc sống thực? Có/Không
2. Bạn bị ám ảnh với việc muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo đối với bản thân và cả trong mắt người khác? Có/Không
3. Bạn tránh nói chuyện với đối tác (hoặc bạn bè) về việc cảm thấy bị tổn thương bởi họ hoặc về sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với họ? Có/Không
4. Bạn khó ngủ hoặc khó tĩnh tâm vào ban đêm? Có/Không
5. Bạn khó thừa nhận mỗi lần bản thân cảm thấy quá tải? Có/Không
6. Bạn thúc đẩy bản thân hoàn thành công việc với bất cứ giá nào? Có/Không
7. Bạn đáp ứng nhu cầu của bạn bè ngay cả khi bạn phải hy sinh nhu cầu của bạn? Có/Không
8. Bạn lớn lên trong một gia đình mà cảm giác buồn bã hay đau đớn không được thể hiện hoặc sẽ bị chỉ trích hoặc trừng phạt nếu thể hiện chúng? Có/Không
9. Bạn đã từng bị tổn thương về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tình dục mà không nói với ai? Hoặc nếu đã nói với ai đó, bạn không nhận được sự tin tưởng hay ủng hộ từ họ? Có/Không
10. Bạn lớn lên trong một gia đình (hoặc bạn đang có một gia đình) nơi bạn cảm thấy như phải đáp ứng những kỳ vọng nhất định thay vì được là chính mình? Có/Không
11. Bạn muốn kiểm soát một tình huống mà bạn tham gia vào không? Có/Không
12. Bạn ngày càng ý thức rõ ràng hơn rằng thật khó duy trì trật tự tổ chức trong cuộc sống của bạn? Có/Không
13. Nếu có, bạn có cảm thấy lo lắng hoặc thậm chí hoảng loạn? Có/Không
14. Bạn có xu hướng không khóc hoặc hiếm khi khóc? Có/Không
15. Bạn được coi là cực kỳ có trách nhiệm, người luôn được đồng nghiệp hoặc gia đình và bạn bè tin tưởng không? Có/Không
16. Bạn nghĩ rằng dành thời gian cho bản thân là ích kỷ? Có/Không
17. Bạn không thích những người tự coi mình là “nạn nhân” (không phải lỗi của họ ) khi có sự cố xảy ra? Có/Không
18. Bạn được nuôi dạy rằng phải tự mình xử lý những nỗi đau không? Rằng yêu cầu giúp đỡ là yếu đuối? Có/Không
19. Bạn tin tưởng mạnh mẽ rằng phải tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống hoặc biết ơn những điều may mắn đến với bạn không? Có/Không
20. Bạn nghe một giọng nói bên trong đầy gay gắt và dai dẳng nói rằng bạn không đủ tốt hoặc đáng lẽ phải cố gắng nhiều hơn dù bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình? Có/Không
21. Bề ngoài bạn tỏ ra đầy hy vọng và dồi dào năng lượng nhưng đôi khi bạn phải vật lộn với cảm giác bị mắc kẹt? Có/Không
22. Bạn lập danh sách các nhiệm vụ phải hoàn thành trong ngày và nếu chưa hoàn thành bạn thấy thất vọng hoặc thất bại không? Có/Không
Giờ là lúc đếm số câu trả lời “Có” của bạn.
Nếu 5-8 câu là “Có”: Bạn là một người rất có trách nhiệm mặc dù bạn cần cân nhắc dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.
Nếu 8-11 câu là “Có”: Cuộc sống của bạn đang bị chi phối bởi các tiêu chuẩn rất cầu toàn và cẩn thận.
Nếu từ 12 câu trở lên là “Có” : bạn đang bị trầm cảm ẩn.
Rất nhiều người thành đạt cũng có những đặc điểm này trong chừng mực nào đó để thành công, nhưng không phải là thành công bằng mọi giá. Đây chính là chủ nghĩa hoàn hảo tích cực.
Nhưng khi sự xấu hổ và sợ hãi là nhiên liệu cho sự hoàn hảo, điều đó sẽ là mối nguy hiểm thực sự khi bạn chỉ còn lại một mình. Hãy tìm sự hỗ trợ nếu bạn đang trong tình trạng như vậy.