5 CÁCH THỰC HÀNH TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN GIÚP BẠN CẢI THIỆN SỨC KHOẺ VÀ HẠNH PHÚC

Tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những bộn bề trong cuộc sống thường nhật mà quên mất đi điều gì thật sự quan trọng với bản thân mình. Tự chăm sóc là cách giúp bạn chậm lại một chút, dành thời gian để lắng nghe, chăm sóc sức khỏe, tạo ra lối sống cân bằng và đem lại sự hài lòng trong cuộc sống.

Tự chăm sóc là gì?

Tự chăm sóc được định nghĩa là “một quá trình đa chiều, nhiều mặt với sự tham gia có chủ đích vào các chiến lược thúc đẩy hoạt động lành mạnh và nâng cao sức khỏe.” Về cơ bản, tự chăm sóc là một hành động có ý thức nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Tự chăm sóc bản thân là điều quan trọng để xây dựng khả năng phục hồi trước những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Khi bạn thực hiện các bước chăm sóc tâm trí và cơ thể của mình, bạn đã có một sự chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với những thử thách. Bài viết này gợi ý đến bạn một vài khía cạnh lẫn cách thức thực hành chăm sóc bản thân nhằm nâng cao chất lượng đời sống, cũng như giúp bạn trang bị đầy đủ về mặt tinh thần, thể lý, cảm xúc… để đối phó với những thách thức trong đời sống.

1. Sức khỏe thể lý

Bạn cần phải chăm sóc cơ thể của mình nếu muốn nó hoạt động hiệu quả. Hãy nhớ rằng có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa cơ thể và tâm trí của bạn. Tự chăm sóc thể chất bao gồm cung cấp năng lượng cho cơ thể, thời gian ngủ, theo dõi tần suất hoạt động thể chất và những thói quen, nhu cầu của bản thân. Chẳng hạn như thăm khám sức khỏe định kỳ, tập thể dục đều đặn và quản lý chế độ dinh dưỡng của bạn đều là một phần của việc tự chăm sóc thể lý một cách lành mạnh.

Khi nói đến việc tự chăm sóc thể chất, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để đánh giá xem liệu bạn có cần cải thiện một số lĩnh vực nào không:

  • Bạn có ngủ đủ giấc không?
  • Chế độ ăn uống của bạn có cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể không?
  • Bạn có tập thể dục đầy đủ không?

 

2. Mối quan hệ xã hội

Xã hội hóa là chìa khóa trong khía cạnh chăm sóc bản thân. Gặp gỡ người thân, bạn bè, tham gia vào các hoạt động xã hội và tạo mối quan hệ với người khác là một cách tuyệt vời để tăng cường tình cảm và chất lượng mối quan hệ. Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và trò chuyện với người khác giúp giảm căng thẳng và đem lại cảm giác kết nối, thuộc về.

Không có số thời gian nhất định nào bạn nên dành cho bạn bè hoặc chăm sóc các mối quan hệ của mình. Mọi người đều có những nhu cầu xã hội khác nhau. Điều quan trọng là tìm ra nhu cầu trong các mối quan hệ của bạn là gì và sắp xếp đủ thời gian để tạo ra một đời sống xã hội tối ưu.

Để đánh giá khả năng tự chăm sóc mối quan hệ xã hội, bạn có thể thử tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Bạn có đủ thời gian gặp mặt trực tiếp với bạn bè không?
  • Bạn đang làm gì để nuôi dưỡng mối quan hệ với bạn bè và gia đình?

 

3. Sức khỏe tinh thần

Những suy nghĩ thường chiếm lấy phần lớn tâm trí của bạn cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần. Tự chăm sóc tinh thần bao gồm những việc giúp đầu óc bạn tỉnh táo, chẳng hạn như giải câu đố hoặc tìm hiểu về một chủ đề mà bạn thích thú. Đọc sách hoặc xem phim cũng có thể sẽ tiếp thêm năng lượng cho tâm trí của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hành những bài tập nâng cao lòng trắc ẩn với chính mình. Sự chấp nhận sẽ giúp bạn duy trì cuộc đối thoại nội tâm lành mạnh hơn.

Dưới đây là một số câu hỏi cần cân nhắc khi bạn nghĩ về việc tự chăm sóc tinh thần của mình:

  • Bạn có dành đủ thời gian cho các hoạt động kích thích tinh thần không?
  • Bạn có đang chủ động làm những việc để giúp bạn giữ được tinh thần khỏe mạnh không?

 

4. Đời sống tâm linh

Nghiên cứu cho thấy đời sống có liên quan đến tôn giáo hoặc tâm linh nói chung thường là lối sống lành mạnh, mang lại lợi ích. Việc nuôi dưỡng tinh thần của bạn không nhất thiết phải liên quan đến tôn giáo. Nó có thể liên quan đến bất cứ điều gì giúp bạn phát triển ý thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, sự hiểu biết hoặc mối liên hệ với vũ trụ. Cho dù bạn thích thiền, tham gia một buổi lễ tôn giáo hay cầu nguyện, việc chăm sóc bản thân về mặt tinh thần đều rất quan trọng.

Khi bạn xem xét đời sống tâm linh của mình, hãy tự hỏi:

  • Bạn có hay suy tư về cuộc sống và trải nghiệm của mình?
  • Bạn có đang tham gia vào các hoạt động tâm linh mà bạn thấy hài lòng không?

 

5. Cảm xúc

Điều quan trọng là phải có kỹ năng đối phó lành mạnh với những cảm xúc khó chịu, như tức giận, lo lắng và buồn bã. Tự chăm sóc cảm xúc có thể bao gồm các hoạt động giúp bạn chấp nhận và bày tỏ cảm xúc của mình một cách thường xuyên và an toàn. Cho dù bạn nói chuyện với người yêu hay bạn thân về cảm giác của mình hoặc dành thời gian cho các hoạt động giải trí giúp bạn xử lý cảm xúc… Điều quan trọng là bạn phải kết hợp việc tự chăm sóc cảm xúc vào cuộc sống của mình.

Khi đánh giá các chiến lược tự chăm sóc cảm xúc của bạn, hãy xem xét những câu hỏi sau:

 

  • Bạn có xử lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh không?
  • Bạn có kết hợp các hoạt động vào cuộc sống để giúp bạn cảm thấy được nạp lại năng lượng không?

 

Tại sao việc tự chăm sóc bản thân lại quan trọng?

Tự chăm sóc bản thân mang lại một số lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Một số trong số này bao gồm:

  • Giảm lo lắng và trầm cảm
  • Giảm căng thẳng và cải thiện khả năng phục hồi
  • Cải thiện hạnh phúc
  • Thúc đẩy năng lượng
  • Hạn chế bị kiệt quệ
  • Tăng cường những mối quan hệ liên cá nhân 

 

Phát triển kế hoạch tự chăm sóc của bạn

Một kế hoạch tự chăm sóc hiệu quả phải được điều chỉnh phù hợp với cuộc sống và nhu cầu của bạn. Nó cần phải là thứ gì đó do bạn tự tạo ra và dành riêng cho bạn. Việc tùy chỉnh kế hoạch chăm sóc bản thân có thể đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng bạn không bị choáng ngợp, căng thẳng quá mức và kiệt sức.

Khi bạn đang xây dựng kế hoạch tự chăm sóc của mình, bạn có thể tham khảo các bước sau:

  • Đánh giá nhu cầu của bạn: Lập danh sách các phần khác nhau trong cuộc sống và các hoạt động chính mà bạn tham gia mỗi ngày. Công việc, trường học, các mối quan hệ và gia đình là một số điều bạn có thể liệt kê.
  • Xem xét các yếu tố gây căng thẳng của bạn: Hãy suy nghĩ về các khía cạnh gây căng thẳng và xem xét một số cách bạn có thể giải quyết căng thẳng đó.
  • Đưa ra các chiến lược tự chăm sóc bản thân: Nghĩ về một số hoạt động bạn có thể thực hiện để giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ví dụ, dành thời gian với bạn bè hoặc phát triển các mối quan hệ mới có thể là một cách để xây dựng các kết nối xã hội lành mạnh.
  • Lên kế hoạch cho những thử thách: Khi bạn nhận ra rằng mình đang bỏ bê một khía cạnh nào đó trong cuộc sống, hãy lập kế hoạch để thay đổi.
  • Thực hiện từng bước nhỏ: Bạn không cần phải giải quyết mọi việc cùng một lúc. Xác định một bước nhỏ bạn có thể thực hiện để bắt đầu chăm sóc bản thân tốt hơn.
  • Sắp xếp thời gian để tập trung vào nhu cầu của bạn: Ngay cả khi bạn cảm thấy mình không còn thời gian để làm thêm một việc gì nữa, hãy ưu tiên việc chăm sóc bản thân. Khi bạn quan tâm đến mọi khía cạnh của bản thân, bạn sẽ thấy rằng mình có thể hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

Tự chăm sóc bản thân không chỉ là việc làm một lần mà là một quá trình liên tục. Điều quan trọng là tìm thấy cách tự chăm sóc phù hợp với bản thân mình và tạo ra thói quen làm điều đó. Khi bạn biết cách tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc và kết nối sâu sắc với mọi thứ xung quanh mình.

 

Nguồn tham khảo:

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/