20 ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN NÓI VỚI NGƯỜI MẮC TRẦM CẢM

Ai đó bị trầm cảm và bạn muốn giúp đỡ. Làm thế nào để bạn bày tỏ sự quan tâm hoặc lo lắng đến họ một cách thực sự hữu ích?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất: Họ có bị trầm cảm lâm sàng không?

Nỗi buồn, cũng giống như niềm vui, là một phản ứng và có thể là một trạng thái của tâm trí. Tuy nhiên, trầm cảm bắt đầu từ các khớp thần kinh của não và ảnh hưởng đến hormone.

Trầm cảm sẽ không dần nguôi ngoai. Nó vượt xa cảm giác buồn bã và không nhất thiết phải gắn liền với hoàn cảnh. Trầm cảm có những triệu chứng rõ ràng, gây ra những thay đổi về cơ thể và não bộ mà người khác đôi khi có thể nhìn thấy.

Dấu hiệu của trầm cảm

Để được chẩn đoán trầm cảm, chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ tìm kiếm năm triệu chứng trở lên trong danh sách sau đây. Những triệu chứng này cần phải xuất hiện trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần. Các triệu chứng trầm cảm nằm ngoài khuynh hướng “bình thường” của bạn và gây rối loạn cuộc sống của bạn:

  • Cảm thấy trống rỗng, vô vọng hoặc tràn ngập tuyệt vọng suốt cả ngày, hàng ngày, trong ít nhất 2 tuần*
  • Thiếu hứng thú một cách rõ ràng với hầu hết các hoạt động thường ngày, đặc biệt là các hoạt động hoặc sở thích từng yêu thích*
  • Giảm hoặc tăng cân mà không có chủ ý ăn kiêng hoặc tăng cân
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều hầu như mỗi ngày
  • Bồn chồn (đi đi lại lại, chọn lựa, v.v.) hoặc nói năng, xử lý suy nghĩ, hành động và phản ứng chậm đi một cách rõ rệt mà không sử dụng chất kích thích
  • Cực kì mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị xảy ra đột ngột
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc việc chết đi, có hoặc không nhất thiết có ham muốn chết
  • Vấn đề thiếu quyết đoán hoặc mất tập trung hàng ngày
  • Lập kế hoạch tự sát hoặc nỗ lực tự sát

*Những điều kiện cần để đưa ra chẩn đoán

Điều nên nói

1. ‘Dù lâu hay mau, bốn mùa đều thay đổi’

Therese J. Borchard, tác giả, người vận động về sức khỏe tâm thần, sáng lập cộng đồng trầm cảm trực tuyến Project Hope & Beyond cho biết: “’Bạn sẽ không cảm thấy thế này mãi mãi đâu.’ là câu nói hoàn hảo mà tôi có thể nghe 50 lần một ngày khi tôi muốn biến, biến, biến khỏi thế giới này”.

“Đó là những lời nói không phán xét, áp đặt hay thao túng. Những gì họ làm là truyền đạt hy vọng, và HY VỌNG là thứ giúp một người sống sót, hoặc ít nhất là động lực để sống tiếp đến ngày hôm sau và chờ xem liệu có ánh sáng cuối đường hầm hay không…” Borchard nói.

Lưu ý: Ở đây, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng, vì một câu nói như thế này có thể toát ra vẻ trịch thượng hoặc phủ nhận người nghe.

2. ‘Tôi có thể làm gì cho bạn không?’

Các tác giả có thể chứng thực: Một điều mà tất cả các sách hướng dẫn viết lách đều nói là hãy làm, đừng nói. Câu từ có thể không hữu ích với người bị trầm cảm.

Vì vậy, cách tốt nhất để thực sự hỗ trợ ai đó là đưa ra điều gì đó cụ thể và hữu hình, chẳng hạn như “Tôi đang đi mua hàng tạp hóa, tôi có thể mua gì cho bạn?”

Nếu ai đó cảm thấy xấu hổ hoặc từ chối lời đề nghị giúp đỡ, hãy diễn đạt lại sao cho có vẻ như họ đang giúp đỡ bạn. Ví dụ:

“Con chó của tôi chỉ có một mình. Có ổn không nếu tôi dắt theo chó của bạn đi dạo để nó có bạn chơi cùng?”

“Tôi đã hứa sẽ cho các con tôi một buổi đi chơi vào cuối tuần này. Tôi có thể đón bọn trẻ của bạn và đưa chúng đến công viên trong vài giờ được không?

3. ‘Bạn nghĩ điều gì có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn?’

Hãy lấy phần năng lượng bạn thường dành để giải quyết vấn đề để cởi mở với những ý tưởng từ người thân yêu của bạn, điều đó thể hiện sự tôn trọng.

Nó cũng giúp thể hiện rằng dù bạn không hiểu về cách hoạt động của trầm cảm nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ theo chỉ dẫn của họ.

4. ‘Tôi có thể chở bạn đi đâu đó không?’

Trầm cảm có thể làm hao mòn tất cả năng lượng của bạn. Sẽ không có hại gì nếu hỏi người thân bị trầm cảm của bạn xem họ có cần quá giang đi đâu đó không.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm có thể có hành vi lái xe nguy hiểm hơn và có thể có nguy cơ gặp tai nạn trên đường cao hơn. Khi bị trầm cảm, sự an toàn của người lái xe có thể bị đe dọa do thời gian phản ứng chậm.

5. ‘Tôi có thể ghé qua và chơi với bạn không?’

Một chuyến thăm ngẫu nhiên có thể giúp được nhiều điều.

Thứ nhất, người thân của bạn có thể không sẵn sàng tham gia trò chuyện nhóm, nhưng họ có thể tận hưởng khoảng thời gian trò chuyện riêng tư.

Thứ hai, bạn có thể giúp đỡ công việc nhà và dọn dẹp nhà cửa trong khi bạn ở đó và đồng hành cùng họ.

Giữ một không gian nhìn chung gọn gàng là một trong những hoạt động đời sống đầu tiên bị bỏ lỡ khi vấn đề trầm cảm hoặc lo âu trở nên trầm trọng hơn, có nghĩa là quần áo bẩn và bát đĩa có thể bị chất đống. Điều này sẽ càng đúng khi người bạn biết cũng là người chăm sóc trẻ em hoặc người khác.

Đừng tỏ ra giúp đỡ quá rõ ràng  và đừng bình luận về việc dọn dẹp sẽ khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn như thế nào. Chỉ cần làm những gì bạn có thể – với sự cho phép của họ – mà không cần nhận lại bất cứ điều gì.

Hãy nhớ hỏi và xác nhận thời gian trước khi bạn xuất hiện. Không ai thích một vị khách bất ngờ!

6. ‘Cảm ơn bạn đã tin tưởng và cho phép tôi hỗ trợ’

Cần phải có can đảm để cho ai đó biết rằng bạn bị trầm cảm và để họ ở cạnh vào thời điểm dễ bị tổn thương.

Hãy để người thân bị trầm cảm của bạn biết rằng sự dễ bị tổn thương của họ là dũng cảm. Hãy cảm ơn họ đã cởi mở về hoàn cảnh của họ với bạn.

Điều này có thể giúp xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau và mang đến sự an ủi cho họ. Nếu họ đang ở trong tình huống mà họ tạm thời cần sự giúp đỡ của bạn, việc bày tỏ lòng biết ơn vì được đặt trong vòng tin cậy của họ có thể hữu ích bởi nó thể hiện rằng đây là mối quan hệ 2 chiều.

7. ‘Bạn nghĩ xem điều gì đã góp phần vào những gì bạn đang trải nghiệm?’

Đây có thể là một cách hỏi rất nhẹ nhàng giúp người thân của bạn có được sự mặc khải về các điều kiện của mình mà không cần bất kỳ nhận xét mang tính dẫn dắt hoặc suy đoán nào về vấn đề trầm cảm.

Đây cũng có thể là thời điểm tốt để hỏi xem họ có muốn nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần hay không.

Hãy nhớ đừng thúc ép hoặc hỏi về những trải nghiệm nhạy cảm có nguy cơ khiến người thân của bạn cảm thấy bị ép phải bộc lộ quá nhiều hoặc lo lắng khi nghĩ đến điều gì đó.

Đối với hầu hết mọi người, nguyên nhân gây ra giai đoạn trầm cảm không chỉ có một. Có nhiều tác nhân hoặc lý do gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm. Và hãy nhớ rằng, đối với nhiều người, không có gì hữu hình để giải thích lý do tại sao họ lại cảm thấy như vậy, và điều đó hoàn toàn bình thường.

8. ‘Thời điểm nào trong ngày là khó khăn nhất đối với bạn?’

Câu hỏi này có thể giúp những người trong vòng tròn hỗ trợ của người bị trầm cảm biết khi nào nên kiểm tra tình hình.

Ví dụ, việc ra khỏi giường vào buổi sáng và bắt đầu ngày mới là điều khó khăn nhất đối với một số người. Đối với những người khác, đó là việc về nhà vào buổi tối, khi họ chỉ có một mình.

Một số người có thể không có thời gian cụ thể trong ngày, nhưng thứ Hai hoặc cuối tuần có thể là lúc giai đoạn trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Đối với những người khác, đó là những ngày lễ như Giáng sinh hoặc thậm chí là mùa hè.

Dù đó là lúc nào, bạn có thể căn cứ vào khung thời gian đó để gửi một tin nhắn ngắn, gọi điện cho họ hoặc mời họ đi chơi gì đó nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi dạo.

Trong trường hợp bạn phải liên lạc với chuyên gia sức khỏe tâm thần cho người thân của mình, bạn cũng sẽ có một số thông tin chi tiết về tiêu chí chẩn đoán để chia sẻ.

9. ‘Tôi ở đây vì bạn’

Câu nói này đơn giản và thật ngọt ngào. Và nó truyền đạt tất cả những gì bạn cần nói: Tôi quan tâm, tôi biết nó ở đó, có thể tôi không hiểu, nhưng tôi yêu bạn và ủng hộ bạn.

Điểm hay nhất của câu nói là bạn không phán xét hoặc đưa ra giải pháp. Bạn ở đó để họ được là chính mình, bất kể phiên bản nào của họ vào bất kể thời điểm nào. Điều đó còn nghĩa là bạn đồng ý điều chỉnh để khớp với mức năng lượng của họ và làm những gì họ cảm thấy thoải mái.

10. …

Đôi khi không nói gì chính là lời nói có sức mạnh nhất.

Có một câu tục ngữ như sau: “Im lặng là vàng”

Đây có thể là điều gây khó chịu nhất trong những “câu nói” vì nhiều người muốn lấp đầy sự im lặng bằng điều gì đó, dù cho chỉ là cuộc nói chuyện nhỏ. Nhưng không nói gì – và thay vào đó là lắng nghe – đôi khi là phản ứng thích hợp nhất.

Điều không nên nói

Vừa rồi là những câu nói hữu ích và chân thành để hỗ trợ người thân yêu khi họ bị trầm cảm. Bây giờ là lúc để đảm bảo rằng bạn biết những gì không nên nói. Nếu bất kỳ điều nào dưới đây nghe có vẻ quen thuộc, hãy học cách loại bỏ nó khỏi danh sách thường dùng của bạn.

1. ‘Tất cả đều ở trong đầu bạn thôi, bạn cần phải suy nghĩ tích cực’

Sự lạc quan và hy vọng chắc chắn là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cần nhớ là suy nghĩ tích cực không phải lúc nào cũng hiệu quả – đặc biệt là khi bị ép buộc.

Nói với một người thân yêu rằng “hãy tích cực lên” cũng giống như nói “bỏ qua nó đi”. Bạn đang ám chỉ rằng những gì họ đang cảm thấy không phải là thật hay không phải là vấn đề lớn, hoặc họ có thể “kiểm soát” chứng trầm cảm của mình.

Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe giống như bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không nghĩ đến việc nói với một người mắc bệnh tiểu đường rằng “tất cả chỉ ở trong đầu họ”.

2. ‘Tôi biết bạn cảm thấy thế nào mà’

Ngay cả khi bản thân bạn bị trầm cảm, bạn cũng không biết chính xác khi người khác bị trầm cảm thì họ cảm thấy thế nào.

Đúng, bạn có thể có ý định tốt và muốn tạo mối liên hệ với họ. Nhưng việc so sánh cảm xúc của bạn với cảm xúc của người khác có thể bị coi là thiếu tế nhị.

Trầm cảm và sức khỏe tâm thần nói chung mang tính cá nhân cao. Chúng biểu hiện khác nhau ở mỗi người.

3. ‘Đó chưa phải điều tệ nhất đâu’

Nếu người đó tâm sự hoặc nói với bạn rằng họ đang cảm thấy trầm cảm nghiêm trọng, đừng so sánh hoàn cảnh của họ với hoàn cảnh của người khác hoặc với một tình huống tưởng tượng “tệ hơn”.

Nói rằng, “Ít nhất bạn có cái này cái kìa”, “Bạn khá hơn là thế này thế kia” hoặc “Bạn nghĩ rằng mọi chuyện tồi tệ…” sẽ ám chỉ rằng tình trạng sức khỏe tâm thần của họ không hợp lí.

4. ‘Bạn nên vui mừng/biết ơn vì…’

Nói với người thân yêu của bạn là hãy biết ơn ngụ ý rằng họ đang bị trầm cảm hoặc lo âu vì họ không biết trân trọng theo một cách nào đó.

Bạn hoàn toàn có thể bị trầm cảm, lo âu hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào khác và hãy biết ơn những gì mình có.

5. ‘Đừng nghiêm trọng hóa mọi thứ quá!’

Lời nhận xét nông cạn này thể hiện ý tưởng rằng việc một người bị trầm cảm là do chính họ gây ra. Nói đùa về tình trạng của họ hoặc trêu chọc họ không mang lại sự hài hước hay nhẹ nhàng; nó vô ích và thể hiện sự vô cảm.

6. ‘Bạn thật tiêu cực’

Đối với một người bị trầm cảm, câu nói này là hết sức tàn nhẫn.

Đưa ra những nhận xét như “Đừng tiêu cực nữa”, “Bạn thật hay lo lắng” hoặc “Bạn thật khốn khổ” với người bị trầm cảm hoặc lo âu không chỉ là hành động thô lỗ mà nó còn thể hiện nhiều điều về bản thân bạn hơn là họ.

Những nhận xét này cho thấy rõ rằng bạn không hiểu những điều cơ bản về bệnh trầm cảm – hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào. Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp. Nó không chỉ là thứ bạn thấy bên ngoài đâu.

7. ‘Bạn chỉ đang ích kỷ thôi’

Trầm cảm không liên quan gì đến việc ích kỷ hay tự cho mình là trung tâm. Một người tốt bụng, hay cho đi hoàn toàn có thể bị trầm cảm.

Trầm cảm thường có thể là một tình trạng cô lập, với triệu chứng rút lui rõ ràng. Tính ích kỷ là đặt bản thân lên trên hết; rút lui là thu mình lại và từ đó chối bỏ bản thân khỏi tất cả những điều khác – đây là lý do tại sao can thiệp trầm cảm cần có sự hỗ trợ.

8. ‘Mạnh mẽ lên, đừng yếu đuối thế’

Câu này cũng giống những câu như “hãy ngẩng cao đầu” hoặc “Các chàng trai không khóc”.

Đánh đồng trầm cảm hoặc sức khỏe tâm thần với sự yếu đuối là điều thiếu hiểu biết. Nó cũng ngụ ý rằng ai đó có thể “thoát khỏi” trầm cảm bằng sức mạnh ý chí, hoặc họ có khiếm khuyết nào đó.

9. ‘Hãy vui lên, cười nhiều hơn’

Nói với người thân yêu của bạn rằng “hãy vui lên đi” hoặc “chỉ cần mỉm cười thôi” ngụ ý rằng họ có thể kiểm soát được tình trạng trầm cảm hoặc lo âu của mình. Tinh thần “Giả vờ cho đến khi bạn thành công” không giúp chữa lành sức khỏe tâm thần cũng như chữa trị vết thương thể chất.

Hãy nhớ rằng, trầm cảm là tình trạng liên quan đến chức năng não biểu hiện thành những thay đổi bên ngoài chứ không phải ngược lại.

10. ‘Nhưng trông bạn có vẻ hạnh phúc mà’

Trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác không phải lúc nào cũng “trông” giống nhau.

Người thân yêu của bạn có thể luôn vui vẻ và mỉm cười nhưng điều đó không có nghĩa đó là những gì họ đang trải qua bên trong. Họ không cần phải “trông chán nản” mới là bị trầm cảm.

Nếu người thân của bạn nói với bạn rằng họ đang cảm thấy chán nản hoặc trầm cảm, hãy tin họ và đừng yêu cầu họ chứng minh điều đó với bạn. Hãy thừa nhận rằng bạn không biết họ đang trải qua điều này và  bạn không cần phải hiểu nó một cách đầy đủ để sẵn lòng ở đó vì họ.

Kết

Chúng tôi đã cung cấp cho bạn một số công cụ, mẹo và kiến thức khoa học đằng sau việc giao tiếp với người thân bị trầm cảm. Mặc dù bạn không thể khắc phục hoàn cảnh của họ, nhưng bạn có thể bày tỏ – bằng hoặc không bằng lời nói – sự quan tâm và chăm sóc chân thành của bạn.

Sau khi bạn đã chân thành lắng nghe và bày tỏ sự ủng hộ của mình, hãy cho người thân yêu của bạn không gian để chấp nhận sự ủng hộ của bạn hay không. Hãy nhớ rằng, cách họ đón nhận lời đề nghị của bạn là tùy thuộc vào họ. Trao cho họ quyền tự quyết đó có thể tạo nên một thế giới khác biệt.

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/