Hôm trước chúng ta đã cùng tìm hiểu về những dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội, đồng thời cũng biết được rằng rối loạn này khá phổ biến. Vậy chúng ta cần làm và không nên làm gì khi mắc phải rối loạn này? Các bậc phụ huynh có thể làm gì để đồng hành cùng con em mình?
Hãy tránh những điều sau:
– Sử dụng cách thức ứng phó tiêu cực ví dụ như dùng rượu, bia, các chất kích thích để tránh né vấn đề.
– Đừng lảng tránh vấn đề của mình, ví dụ như vì sợ xã hội mà co mình lại không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đắm chìm vào mạng xã hội.
– Đừng tập trung vào sự hoàn hảo. Vì khi bạn quá cầu toàn thì bạn sẽ luôn cảm thấy mọi thứ không tốt như mình mong đợi.
– Đừng xem rối loạn lo âu xã hội là xu hướng tính cách của bản thân. Đây không phải là kiểu tính cách hướng nội hướng ngoại, không phải kiểu người dễ xấu hổ. Nó là vấn đề về sức khỏe tinh thần và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Điều chúng ta nên làm là gì?
Hãy chú ý và ghi lại những tình huống cụ thể kích hoạt sự lo lắng của bạn. Mỗi người sẽ có sự lo lắng riêng, có người lo lắng khi có ai đó đánh giá mình cho dù là thu ngân hay bất kỳ ai nhìn thấy bạn trên đường, có người lại sẽ luôn ổn cho đến khi có ai đó yêu cầu họ phải phát biểu hoặc trình bày ý kiến. Khi bạn phát hiện ra điều gì khiến bạn lo âu thì sẽ có cách ứng phó với nó hiệu quả hơn.
Hãy thử hành động từng bước nhỏ. Ví dụ khi bạn cảm thấy sợ hãi khi phải nói chuyện với người khác, hãy rủ một người bạn hay người thân đi cùng, rồi thử đi đến quầy tính tiền, trò chuyện một chút với người thu ngân. Hoặc thử khen ngợi một người bạn cùng lớp mà mình ít khi trò chuyện về bộ quần áo của họ.
Hãy thử diễn kịch/ đóng vai trước tình huống có thể xảy ra với người thân hoặc người bạn tin tưởng. Có thể bạn luôn lường trước rất nhiều tình huống tệ hại sẽ xảy đến. Vì thế bạn lo lắng vì không biết làm thế nào, vậy hãy thử thực hành trước. Ví dụ bạn lo lắng về việc phải thi vấn đáp với cô giáo của mình, hãy thử tình huống tồi tệ nhất là bạn không biết câu trả lời, bạn hãy đóng vai giả định với tình huống đó.
Hãy thử thực hành một số kỹ thuật thư giãn ví dụ như cách hít thở 4-7-8 (bạn hít vào thật chậm trong 4 giây, sau đó giữ hơi lại trong 7 giây và thở từ từ trong 8 giây), khi có căng thẳng hay lo âu xuất hiện, cách hít thở như vậy sẽ giúp bạn bình tĩnh lại.
Giúp đỡ người khác, trao đi sự tử tế. Theo nghiên cứu năm 2015 trên 115 sinh viên đại học có rối loạn lo âu, họ thực hành sống tử tế trong 4 tuần và kết quả cho thấy những dấu hiệu của rối loạn này giảm đi đáng kể. Thông thường sự lo âu xã hội này đến từ nỗi sợ bị chối bỏ, không được thừa nhận. Khi thực hành cho đi thì họ sẽ nhận lại sự cảm ơn, ghi nhận. Vì thế nó cũng là một cách hỗ trợ hiệu quả cho rối loạn này.
Tăng cường học tập những kỹ năng xã hội để giảm lo âu. Việc học các kỹ năng cần thiết như kỹ năng ra quyết định, sự quyết đoán, kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ… sẽ giúp ích trong việc ứng phó hiệu quả hơn khi đối mặt với các tình huống xã hội.
Khi chúng ta đã thử làm hết những biện pháp trên mà triệu chứng của mình vẫn không thuyên giảm, lúc này hãy tìm đến dịch vụ thăm khám tâm lý để được hỗ trợ.
————–
Tài liệu tham khảo:
- Arlin, C. (2023, November 1). Living with social anxiety disorder. Verywell Mind.
- Crystal, R. (2021, May 26). Ready to overcome social anxiety? These 9 tips can help. Healthline.
- Jade, S. (2021, August 23). Social anxiety in teenagers: How to recognize it and find appropriate support. National Social Anxiety Center.
- Maria, C. (2019, August 30). Four top tips to coping with social anxiety. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/326211
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com
Website: https://mindcare.vn