Gần đây, khá nhiều phụ huynh học sinh tâm sự với nhau, tâm sự với nhà tâm lý hoặc viết bài trên mạng xã hội nói về những vấn đề mà những đứa con mới lớn của mình đang gặp phải trong việc giao tiếp, thiết lập và duy trì mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người khác.
Những lo lắng của phụ huynh học sinh có một số đặc điểm chung như là con thường tự cô lập bản thân trong phòng riêng, sợ giao tiếp với người khác, tránh né những hoạt động tương tác. Những bậc phụ huynh thường tự đưa ra kết luận là có thể con mình bị trầm cảm hoặc không thích giao tiếp xã hội.
Nhưng sự thật có thể ngược lại, các bạn rất thích kết nối với người khác nhưng khi các bạn ấy cố gắng đối mặt với tình huống xã hội thì bản thân lại vô cùng lo lắng và sợ hãi, có thể sợ về kết quả tiêu cực hoặc lúng túng trong việc kết nối. Vì thế các bạn sẽ chọn cách né tránh.
Theo tạp chí Polaris Teen Center (2019) thì ở lứa tuổi từ 13 đến 18 này, cứ 3 người thì sẽ có 1 người mắc phải rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder – SAD). Đây là một rối loạn khá phổ biến và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các bạn học sinh.
Phát hiện sớm những dấu hiệu của rối loạn lo âu xã hội sẽ là bước đầu tiên trong việc hỗ trợ con em của mình qua những dấu hiệu sau:
– Sợ hãi khi phải tiếp xúc với người khác, đặc biệt là với những người mà mình không biết.
– Khó khăn trong việc thiết lập một cuộc giao tiếp thông thường với người khác.
– Cảm thấy không thoải mái hoặc tự ti khi xung quanh có người khác.
– Cảm thấy lúng túng, bối rối khi tương tác với người khác.
– Sợ xấu hổ.
– Tự chỉ trích, phán xét chính mình sau khi tham gia hoạt động tương tác nào đó.
– Lo lắng suốt ngày hoặc suốt tuần trước một sự kiện công cộng.
– Tránh những nơi công cộng hoặc hoạt động xã hội.
– Khó khăn trong việc kết bạn và duy trì mối quan hệ.
– Đỏ mặt, đổ mồ hôi, run rẩy, tim đập nhanh khi phải tham gia vào hoạt động xã hội.
– Đau dạ dày hoặc buồn nôn khi ở gần người khác (bao gồm một số triệu chứng thể lý khác như chóng mặt, tiêu chảy, căng cơ).
Hầu hết chúng ta đều có sự lo lắng nào đó khi tham gia vào hoạt động xã hội, đây là cơ chế hoạt động bình thường của cơ thể. Vì cơ thể của mỗi người luôn có sự phòng vệ với những điều bất ngờ, những điều mà mình không biết trước. Sự lo lắng, căng thẳng cũng góp phần thúc đẩy chúng ta đi tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề mình gặp phải.
Tuy nhiên, khi sự lo âu xã hội này diễn ra vượt quá mức, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc, và làm ảnh hưởng đến việc chúng ta trải nghiệm cuộc sống thì nó là yếu tố báo động. Vì vậy, nếu cha mẹ phát hiện ra những dấu hiệu có liên quan, hãy cố gắng bình tĩnh, trò chuyện cùng con và tìm đến dịch vụ thăm khám tâm lý để được hỗ trợ.
————–
Tài liệu tham khảo:
1. PTC (2019, February 27). Social anxiety in teens: Signs, symptoms, and how to help. Polars Teen Center.
2. Jade, S. (2021, August 23). Social anxiety in teenagers: How to recognize it and find appropriate support. National Social Anxiety Center.
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tùy theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com
Website: https://mindcare.vn.