“TÔI ĐANG GHÉT CHÍNH GIA ĐÌNH CỦA MÌNH!”: TÔI PHẢI LÀM GÌ KHI CÓ NHỮNG SUY NGHĨ NHƯ THẾ?

Không phải ai cũng cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình mình. Trong một số trường hợp, có người thậm chí có thể nhận thức rằng: “Tôi thực sự ghét gia đình mình”. Đơn giản, bởi vì các mối quan hệ gia đình thường được tạo ra từ những trải nghiệm, sự chia sẻ và gần gũi, nên không có gì ngạc nhiên khi đôi khi chúng có thể rơi vào trạng thái căng thẳng.

Joshua Coleman, Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả cuốn “Khi cha mẹ tổn thương: Chiến lược nhân ái khi bạn và đứa con lớn không hợp nhau” đã gợi ý rằng: Vì xã hội hiện nay đề cao sự tha thứ, vậy nên việc không thích hoặc xa lánh từ gia đình có thể dẫn đến cảm giác bị tổn thương, tội lỗi và xấu hổ. 

Vậy bạn nên làm gì nếu cảm thấy ghét gia đình mình? 

Việc đối điện và giải quyết những cảm xúc khó khăn này có thể liên quan đến việc:

  • Hàn gắn những mối quan hệ đã tan vỡ 
  • Thiết lập và thực thi các ranh giới với một số thành viên trong gia đình.

Lý do mọi người ghét gia đình của họ…

Các yếu tố khiến một người bắt đầu có cảm giác ghét gia đình hoặc các thành viên trong gia đình có thể khác nhau theo từng người. Những hành vi độc hại, lạm dụng, bỏ bê hoặc xung đột chỉ là một vài yếu tố có thể dẫn đến cảm giác thù địch và có thể khiến bạn cảm thấy không có mối liên kết nào với gia đình. Việc tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của những cảm giác đó có thể giúp bạn đối phó với tình huống tốt hơn. 

Trong một cuộc khảo sát năm 2015 đối với những người trưởng thành ở Anh bị cha mẹ ghẻ lạnh, một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự chia rẽ bao gồm:

  • Lạm dụng tình cảm
  • Bị sao nhãng / bỏ bê
  • Các giá trị hoặc tính cách xung đột với nhau
  • Những kỳ vọng khác nhau về vai trò của từng thành viên trong gia đình
  • Trải nghiệm sự kiện đau thương trong gia đình 
  • Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần

Mối quan hệ kết nối với nhau yếu kém:

Những tình huống khi cả 2 bên có sự kết nối với nhau kém thường rơi vào một trong ba loại. 

Trong thời thơ ấu, điều quan trọng là phát triển sự gắn bó với người chăm sóc vì nó cho phép chúng ta cảm thấy an toàn, được yêu thương và yên tâm về vị trí của mình trên thế giới. Nhưng không phải lúc nào mọi người cũng hình thành sự gắn bó lành mạnh với người chăm sóc của bản thân mình. Thay vào đó, họ có thể hình thành những mối gắn bó được đánh dấu bằng sự lo lắng/mâu thuẫn, né tránh hoặc vô tổ chức:

  • Nếu những người chăm sóc bạn không có tính nhất quán, bạn có thể phát triển tính cách lo lắng/mâu thuẫn trong bản thân mình, đặc trưng bởi sự thiếu tin tưởng, lo lắng cao độ và hình thành mối quan hệ giữa các cá nhân khác kém cỏi.
  • Nếu cha mẹ bạn từ chối hoặc bỏ bê bạn, bạn có thể hình thành tính cách gắn bó né tránh. Điều này có thể khiến bạn khó hình thành mối quan hệ thân mật/tin tưởng với người khác khi trưởng thành.
  • Nếu những người chăm sóc bạn cực kỳ mâu thuẫn, thường xen kẽ giữa yêu thương và ngược đãi, bạn có thể phát triển kiểu gắn bó vô tổ chức. Điều này có thể khiến bạn khó khăn trong việc quản lý cảm xúc và hình thành các mối quan hệ và dường như không thể đồng cảm với những người xung quanh. 

Lạm dụng hoặc bỏ bê:

Hận thù cũng có thể nảy sinh do bị lạm dụng hoặc sự bỏ bê mà bạn đã trải qua. Nó có thể khiến bạn ghét người gây ra hành vi lạm dụng, và dẫn đến việc bạn có thể không thích hoặc bực bội với những thành viên khác trong gia đình bạn, những người đã tham gia hoặc đóng vai trò là người ngoài cuộc.

Ngay cả khi các thành viên khác trong gia đình hành động vì sợ hãi hoặc vì ý thức bảo vệ bản thân, điều đó vẫn có thể dẫn đến cảm giác tức giận và căng thẳng. 

Không vạch rõ ranh giới:

Sự tức giận và hận thù cũng có thể xuất phát từ việc thiếu ranh giới thích hợp trong mối quan hệ với gia đình bạn. Ví dụ về việc không vạch rõ ranh giới trong các mối quan hệ gia đình bao gồm:

  • Không tôn trọng quyền cá nhân của các thành viên trong gia đình
  • Không tôn trọng sự riêng tư của các thành viên trong gia đình
  • Lạm dụng/thao túng thói quen hành vi hoặc cảm giác tội lỗi để kiểm soát
  • Không quan tâm đến cảm xúc 
  • Có những yêu cầu vô lý
  • Kiểm soát quá mức
  • Liên tục so sánh hoặc chỉ trích

Mọi người đều có quyền vạch ra ranh giới riêng của mình. Chúng rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn và giúp bạn xác định điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái, cách bạn muốn được người khác đối xử và điều bạn sẵn sàng chấp nhận trong một mối quan hệ.

Coleman lưu ý rằng xung đột và cảm giác không ưa đôi khi xuất hiện vì cha mẹ có những lúc dựa dẫm vào con cái vì nhu cầu xã hội của chúng. Thay vì dành thời gian cho vợ/chồng hoặc bạn bè, cha mẹ mong đợi mức độ gắn kết và thân mật cao từ con cái đã trưởng thành, điều này có thể xung đột với ranh giới, quyền riêng tư và tính độc lập của mỗi cá nhân. 

Giá trị khác nhau:

Mọi người cũng có thể nảy sinh cảm giác tức giận hoặc oán giận khi họ có những giá trị hoặc mục tiêu rất khác với những thành viên trong gia đình họ. Những bất đồng này có thể nảy sinh dựa trên những vấn đề về chính trị hoặc tôn giáo, nhưng chúng cũng có thể liên quan đến những yếu tố như cách bạn chọn sử dụng thời gian, mối quan hệ với ai, cách bạn nuôi dạy con cái hoặc thậm chí cách bạn tiêu tiền.

Bạn có thể thấy mình không thích những thành viên trong gia đình, những người không chấp nhận hoặc ủng hộ cuộc sống và lựa chọn của bạn.

Dấu hiệu của mối quan hệ gia đình độc hại:

Khi bạn có những mối quan hệ độc hại với những người trong gia đình, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy bị đe dọa về thể chất, tình cảm hoặc tâm lý. Những thành viên độc hại trong gia đình thường là nguồn gốc của những mối quan hệ không tốt đẹp, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ có thể khiến bạn không thích hoặc ghét họ.

Học cách nhận biết các dấu hiệu của mối quan hệ độc hại có thể giúp bạn hiểu rõ hơn lý do khiến bạn không thích gia đình mình. Những người độc hại có xu hướng để lại cho bạn cảm giác:

  • Không được tôn trọng : Bạn cảm thấy các thành viên trong gia đình không tôn trọng nhu cầu của bạn.
  • Bị lợi dụng : Những thành viên trong gia đình độc hại thường có kỳ vọng cao nhưng lại không đáp lại sự ưu ái đó.
  • Không nhận được sự ủng hộ/hỗ trợ khi bạn cần : Những mối quan hệ này khiến bạn có cảm giác như những người thân thiết nhất với bạn lại không biết về con người thật của bạn và không sẵn sàng hỗ trợ bạn khi bạn cần họ.
  • Bị hiểu lầm : Những người độc hại không mấy nỗ lực để hiểu bạn với tư cách cá nhân.
  • Tiêu cực : Những người này thường bộc lộ những phẩm chất tồi tệ nhất của bạn và khiến bạn cảm thấy tiêu cực về người khác hoặc thế giới nói chung.
  • Bị đổ lỗi : Khi mọi việc không diễn ra như kế hoạch, những thành viên độc hại trong gia đình có thể đổ lỗi cho bạn và từ chối chịu trách nhiệm về hành động của chính họ.

Hãy chú ý đến cảm giác của những hành vi này và thời điểm chúng xảy ra thường xuyên nhất. Học cách nhận biết chúng có thể giúp bạn tìm ra cách để đối phó.

Có ổn không khi không thích gia đình tôi?

Điều quan trọng cần nhớ là không có gì lạ khi không thích các thành viên trong gia đình bạn. Việc không thích gia đình mình không khiến bạn trở thành người xấu. Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể duy trì mối quan hệ với mọi người ngay cả khi bạn không nhất thiết phải thích họ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, tùy thuộc vào tình huống, những người liên quan và các yếu tố cơ bản đã gây ra căng thẳng trong mối quan hệ.

 

Cách đối phó khi bạn đang trong trạng thái ‘ghét gia đình’ của chính mình:

Làm thế nào bạn có thể đối phó với những cảm xúc này khi bạn ghét gia đình mình? 

Việc giải quyết tình huống khi bạn sống cùng hoặc tiếp xúc gần gũi với những thành viên trong gia đình mà bạn không thích có thể đặc biệt khó khăn.

Dù bạn vẫn sống cùng gia đình hay hạn chế tiếp xúc thì việc tìm cách bảo vệ không gian và sức khỏe tinh thần của mình là điều cần thiết.

  • Chấp nhận cảm xúc của bạn mà không đoán xét/có cái nhìn tiêu cực về chính bản thân:

Cố gắng chấp nhận cảm giác của bạn mà không phán xét bản thân về những cảm xúc bạn đang trải qua. Bạn không thể chọn gia đình của bạn. Đừng tự trách mình vì không cảm thấy gần gũi với những người mà bạn không thích. Thay vào đó, hãy tập luyện cách chấp nhận bản thân và sau đó xác định xem bạn có thể làm gì để quản lý những cảm xúc này hoặc cải thiện những mối quan hệ đang khiến bạn không vui.

Tìm cách chấp nhận cảm xúc của bạn theo cách không phán xét vì nó có thể hữu ích đối với bạn. Chấp nhận cảm xúc của bạn có nghĩa là cho phép bản thân cảm nhận mọi thứ mà không cố gắng kìm nén hoặc che giấu suy nghĩ đó, ngay cả khi điều đó khó khăn hoặc đau đớn. Bằng cách chấp nhận những ý nghĩ của bản thân, bạn có thể tìm ra những cách lành mạnh hơn để đối phó với chúng và giảm bớt lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và buồn bã thường đi kèm với những cảm xúc đó. 

  • Quyết định về cách mà bạn sẽ hành động để giải quyết những mẫu thuẫn trong mối quan hệ gia đình:

Không phải mọi mối quan hệ đều có thể cứu vãn được hoặc thậm chí đáng để bảo tồn. Đôi khi, cách hành xử của một thành viên trong gia đình có thể gây tổn hại trực tiếp, chẳng hạn như trong trường hợp có liên quan đến lạm dụng hoặc khi một thành viên trong gia đình có thái độ căm ghét bạn hoặc những người thân yêu khác do khuynh hướng tình dục, chủng tộc hoặc tôn giáo. Trong những trường hợp này, điều cần thiết là phải cắt đứt quan hệ tạm thời hoặc vĩnh viễn với cá nhân đó.

Nếu bạn vẫn đang sống cùng gia đình, bước này thường đòi hỏi phải lập kế hoạch và cân nhắc thực tế. Tài chính, nhà ở, việc di chuyển và các yếu tố khác là tất cả những điều bạn cần phải lên kế hoạch nếu muốn tạo ra sự xa cách về mặt vật chất cũng như có được sự riêng tư và độc lập cao hơn.

  • Hàn gắn mối quan hệ

Chữa lành mối quan hệ không lành mạnh với các thành viên trong gia đình cũng là một lựa chọn. Đây là bước bạn có thể thực hiện nếu mối quan hệ này quan trọng đối với bạn và bạn cảm thấy rằng sự tin tưởng, giao tiếp và cảm xúc tích cực có thể được thiết lập lại. 

Đây là bước đòi hỏi sự tham gia của tất cả những người có liên quan. Đừng để bản thân cảm thấy bị áp lực phải chôn vùi cảm xúc hoặc làm hòa với mọi người nếu bạn chưa sẵn sàng. 

Theo nghiên cứu của Stand Alone, một tổ chức ở Anh hỗ trợ những người trưởng thành bị gia đình ghẻ lạnh, việc có thời gian để xử lý những cảm xúc đau khổ là điều cần thiết. Thay vì gây áp lực cho những người có thể đang bị ghẻ lạnh, có lẽ tốt nhất là hãy để họ có thời gian và không gian để hàn gắn vết thương trước khi cố gắng hòa giải. 

Nếu bạn muốn cảm thấy tốt hơn về mối quan hệ của mình với các thành viên trong gia đình, hãy cân nhắc việc yêu cầu họ thử liệu pháp gia đình . Bằng cách làm việc với nhà trị liệu, bạn có thể cải thiện khả năng giao tiếp và hiểu rõ hơn, điều này có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn về mối quan hệ của mình với họ. 

 

💌Source: verywellmind

💌Biên dịch và biên tập: Mindcare

#gia_đình #bạn_cần_phải_làm_gì_nếu_thấy_ghét_gia_đình_mình

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

————–

Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia: 

https://www.facebook.com/groups/908586050050211

Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📬Mail: tamlymindcare@gmail.com

📥Website: https://mindcare.vn/