Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Dạng trầm cảm này có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài, thậm chí có thể không tự hết nếu không có biện pháp can thiệp.
Nguyên nhân
– Cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hoóc môn tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Bên cạnh đó, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi, dẫn đến những bất ổn về cảm xúc.
– Ngoài ra, nhiều người còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng càng trở lên trầm trọng nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính.
– Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì sau khi sinh, phụ nữ cũng có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm sau sinh là người phụ nữ bị suy nhược cơ thể. Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Căng thẳng thường xuyên khiến họ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ trường kỳ, mất đi ham muốn “chuyện ấy” và thường né tránh quan hệ tình dục với chồng.
Các ám ảnh tiêu cực này dẫn đến việc các bà mẹ có nhiều hành động dại dột như tự tử hay thậm chí ra tay sát hại cả chính đứa con dứt ruột đẻ ra.
Phòng chống trầm cảm sau sinh
Tiến sĩ Sarah Allen, chuyên gia tâm lý trị liệu đứng đầu Hiệp hội trầm cảm sau sinh Illinois (Mỹ) cảnh báo, bệnh nhân trầm cảm sau sinh ở dạng nặng cần được chữa trị kịp thời bằng thuốc đặc trị kết hợp vật lý trị liệu.
Chìa khóa chống bệnh trầm cảm sau sinh thành công là phải biết khi nào người phụ nữ cần được giúp đỡ
– Bà Allen nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị, để phòng chống trầm cảm sau sinh, ngay từ khi mang thai, cả vợ và chồng cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngoài ra, người phụ nữ cũng cần học cách thư giãn và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi trước và sau sinh. Khi thấy quá sức, họ cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, tránh tình trạng kiệt sức vì gồng mình.
Về phía gia đình, không chỉ chồng mà những người thân xung quanh cần động viên, gần gũi và chia sẻ với người phụ nữ về quá trình sinh nở cũng như chăm sóc em bé.
Những người thân cũng cần tạo điều kiện để các bà mẹ có thể tham gia lao động, làm những việc vừa sức để tinh thần được thư thái. Phụ nữ cũng cần cho con bú mẹ sau sinh vì việc đó sẽ làm tăng sợi dây liên kết giữa mẹ và con, khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn.
Khi phát hiện người mẹ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa họ tới khám bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm bằng thuốc chuyên khoa và tâm lý liệu pháp sẽ càng đạt được hiệu quả cao.
Nguồn: S/t