Sự khác nhau giữa trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ

“Con tôi bị chậm nói so với các bạn cùng tuổi, vậy có phải nó cũng mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ không?”

“Tự kỷ và chậm nói có phải là một không?”

Đây là những câu hỏi thường gặp của các cha mẹ có con đang gặp các vấn đề về ngôn ngữ. Nhìn chung, chậm nói và tự kỷ sẽ có một vài đặc điểm tương đồng chẳng hạn như gặp khó khăn trong việc sử dụng lời nói để giao tiếp, chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu của người lớn,…Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Vậy bố mẹ có thể phân biệt chậm nói và tự kỷ qua những điểm khác nhau nào? 

1️⃣ Về kĩ năng giao tiếp:

  • Trẻ chậm nói thường gặp khó khăn khi phát âm và có vốn từ vựng hạn chế, có mốc phát âm chậm hơn so với bạn bè cùng tuổi
  • Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong cả giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ như thường sử dụng những từ ngữ không có ý nghĩa hoặc lặp đi lặp lại một cụm từ và không biết sử dụng các cử chỉ, nét mặt phù hợp khi giao tiếp

2️⃣ Về sự tương tác xã hội:

  • Trẻ chậm nói vẫn có động lực cao từ các phản ứng xã hội như muốn được cha mẹ bế, chạm vào và ôm; phản ứng tích cực với sự chú ý, bắt chước hành động của mọi người xung quanh và có thể trở nên buồn chán, khó chịu hoặc cô đơn khi bị bỏ lại một mình
  • Trẻ tự kỷ thường thích được tự do theo đuổi sở thích của mình, thường quan tâm đến “đồ vật” hơn là “con người” và hiếm khi bắt chước hành động của người khác

3️⃣ Về hành vi:

  • Trẻ chậm nói có thể thất vọng khi không thể diễn đạt bằng lời, nhưng vẫn sẽ có những hành vi phù hợp với các chuẩn mực lứa tuổi
  • Trẻ tự kỷ thường có những thói quen, hành vi rập khuôn như đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, thích mặc đúng một bộ quần áo, luôn làm một việc theo một trình tự,…

4️⃣ Về các hiệu quả can thiệp:

  • Trẻ chậm nói thường tiến bộ khi được trị liệu ngôn ngữ, đáp ứng tốt với các kỹ thuật phát triển ngôn ngữ
  • Trẻ tự kỷ sẽ yêu cầu cách tiếp cận rộng hơn, bao gồm trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hành vi, đào tạo kỹ năng xã hội và có thể có những phản ứng khác nhau đối với sự can thiệp 

Bên cạnh đó, dưới đây cũng sẽ là 1 số biểu hiện điển hình của chậm nói và tự kỷ mà bố mẹ cần nắm được để có thể dễ dàng phân biệt khi nghi ngờ con mình gặp một trong hai vấn đề kể trên:

Các dấu hiệu của chậm nói:

  • Không bập bẹ bất kỳ từ nào (bố, mẹ,…) khi 12 tháng tuổi. 
  • Không biết ra dấu bằng cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay, lắc đầu,… khi 12 tháng tuổi. 
  • Không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi, không tự nói được câu 2 từ khi 24 tháng tuổi. 
  • Ít hoặc không bắt chước âm thanh, cử chỉ của người khác khi 18 tháng tuổi. 
  • Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp dù trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. 
  • Không có phản ứng khi được gọi tên. 

Các dấu hiệu tự kỷ:

  • Không hứng thú kết bạn với người khác và cũng không nhìn hay chú ý vào người khác. 
  • Không có sự liên hệ mắt với người khác, hoặc chỉ có rất ít. 
  • Có các cảm xúc quá mức như hét lên khi giận dữ, bứt tóc, tự gây tổn thương…
  • Không thích việc người khác tiếp xúc với mình. 
  • Có những hành vi lặp đi lặp lại, ưa thích sự trật tự và thường chống đối mạnh mẽ khi những thứ quen thuộc thay đổi.
  • Rất nhạy cảm với âm thanh hoặc mùi vị nào đó.

Bố mẹ nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều là duy nhất, và hành trình phát triển ngôn ngữ và lời nói của chúng cũng không ngoại lệ. Nếu bố mẹ lo lắng rằng con mình có thể bị chậm nói hoặc tự kỷ, hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn để họ có thể thực hiện sàng lọc và đánh giá sự phát triển của trẻ, từ đó có được sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

————–

Tài liệu tham khảo:

  1. Admin. (2023, November 7). 9 dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần điển hình | Cách dạy hiệu quả. Trung Tâm Nhân Hòa. https://trungtamnhanhoa.vn/tre-cham-noi-don-thuan/
  2. Larrazabal, M. (2023, October 24). The difference between speech delay and autism. Better Speech. https://www.betterspeech.com/post/the-difference-between-speech-delay-and-autism 
  3. M, P. (2024, January 4). Is It Speech Delay or Autism? Understanding Your Child’s Communication Development. WellnessHub. https://www.mywellnesshub.in/blog/is-it-speech-delay-or-autism-understanding-your-childs-communication-development/ 

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist

Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 Mail: tamlymindcare@gmail.com

🌐 Website: https://mindcare.vn/