So sánh bản thân với người khác là một hành vi tự nhiên của con người, giúp thúc đẩy sự phát triển của một tập thể, nâng cao quá trình học hỏi lẫn nhau, và đảm bảo chúng ta không bị tụt hậu quá nhiều so với tiềm năng của mình. Nó giúp chúng ta xác định, đánh giá mức độ hiệu quả trong những việc chúng ta đang làm. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra căng thẳng không cần thiết và thúc đẩy sự cạnh tranh quá mức.
Hành vi so sánh bản thân với người khác xuất hiện từ thời thơ ấu
Trẻ con thường cảm thấy ghen tị hoặc buồn bã khi thấy bạn của chúng có một món đồ chơi mới mà chúng không có. Hoặc so sánh xã hội ở trường tiểu học được “nhen nhóm” khi trẻ chạy theo “mốt” nhất thời. Để được coi là “ngầu”, chúng phải xem chương trình truyền hình mới nhất hoặc mặc quần áo đẹp nhất.
Sau đó, ở trường trung học là thế giới của hàng hiệu, âm nhạc đại chúng, bè phái và FOMO (The fear of missing out – nỗi lo sợ bỏ lỡ) là lúc sự so sánh xã hội thực sự chiếm ưu thế. Và nó không bao giờ biến mất khi mọi người tập trung vào những trường đại học danh tiếng, tìm được công việc tuyệt vời nhất, kết hôn với một ai đó xứng đáng và cùng họ xây dựng một cuộc sống hoàn hảo như tranh vẽ. Người trưởng thành cũng không tránh khỏi áp lực so sánh xã hội, bao gồm ngoại hình, địa vị xã hội, tài chính và thậm chí cả mối quan hệ cá nhân.
Có hai loại so sánh xã hội
Theo các nhà nghiên cứu, so sánh xã hội được chia thành hai loại:
So sánh xã hội theo hướng đi lên: Ở đây chúng ta nhìn vào những người mà chúng ta cho là thành công hơn và chúng ta tìm kiếm cảm hứng, hy vọng từ họ. Ví dụ, bạn được truyền cảm hứng từ sếp của mình. Họ đã có một sự nghiệp lẫy lừng và bạn ngưỡng mộ cả phong cách lãnh đạo lẫn thành tích của họ. Bằng cách so sánh bản thân với họ, bạn hy vọng rút ra những bài học và thực hiện những thay đổi để một ngày nào đó bạn có thể đạt được trình độ tương tự. Đôi khi, điều này có thể dẫn đến cảm giác ghen tị về thành công của họ.
So sánh xã hội theo hướng đi xuống: Ở đây chúng ta nhìn vào những người mà chúng ta nghĩ rằng họ không giỏi bằng chúng ta, để cảm thấy thoải mái phần nào về bản thân và tình trạng của mình. Mặc dù có thể nghe có vẻ hơi ác ý, nhưng mọi người đôi khi thực hiện hành động này để nâng cao tâm trạng của họ. Ví dụ, khi bạn đang lo lắng về tình hình tài chính và bạn không thể tham gia một sự kiện giải trí với bạn bè vào cuối tuần. Sau đó vô tình bạn gặp một người vô gia cư, bạn có thể cảm thấy tốt hơn một chút về tình hình tài chính của mình bằng cách so sánh bản thân với cuộc sống của họ.
Mức độ lòng tự trọng có ảnh hưởng đến cách chúng ta đối phó với sự so sánh xã hội.
Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc so sánh xã hội, trong đó lòng tự trọng là một trong các yếu tố quan trọng. Ngoài ra, áp lực và căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể là các nhân tố cần được nhắc đến, và cách chúng ta so sánh xã hội có thể ‘hướng lên’ hoặc ‘hướng xuống’ cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và tư duy của chúng ta.
Những người có lòng tự trọng cao và ít áp lực trong cuộc sống thường có khả năng ít phụ thuộc vào so sánh xã hội. Họ ít so sánh bản thân với người khác và thường tập trung vào phát triển cá nhân.
Trong khi đó, những người có lòng tự trọng thấp hơn hoặc phải đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng trong cuộc sống thường sử dụng ‘so sánh xã hội theo hướng đi xuống’ một cách thường xuyên hơn. Điều này có thể giúp cải thiện tâm trạng của họ, tuy nhiên, hiệu quả của việc này thường không cao bằng với những người đã xây dựng một tâm trạng vững vàng trước đó.
So sánh xã hội hướng lên, tức là so sánh với những người có thành công hoặc phong cách sống tốt hơn, có thể thúc đẩy động lực và cảm hứng. Nó có thể giúp những người đang theo đuổi mục tiêu sự nghiệp có thêm động lực khi theo dõi những người mà họ ngưỡng mộ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram. Tuy nhiên, những người có tự trọng thấp hoặc đã gặp thất bại trong sự nghiệp có thể cảm thấy tệ hơn khi sử dụng ‘so sánh xã hội theo hướng đi lên’, điều này khiến tâm trạng họ trở nên bất ổn và gia tăng thêm áp lực.
So sánh tạo ra căng thẳng
So sánh xã hội tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Về cơ bản, mỗi khi một đám đông tụ họp, chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với người khác và thường xây dựng một loại thứ bậc nào đó, có thể là rõ ràng hoặc ngấm ngầm.
Ví dụ, các câu lạc bộ thường có vị trí và giải thưởng cho những người xuất sắc, và thường có những người được biết đến nhiều cũng bởi sức ảnh hưởng của họ trong nhóm.
Các nhóm bà mẹ thường so sánh các thành tựu và mối quan hệ của con cái họ để đảm bảo rằng con cái đang phát triển, đồng thời đo lường sự thành công của chính họ trong vai trò là người mẹ. Từ những người có thành tựu cao đến những người đang tìm kiếm sự kết nối và niềm vui, việc so sánh là phổ biến trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc so sánh
Nhiều người nhận thấy rằng mạng xã hội đang đẩy mạnh hiện tượng so sánh xã hội, đôi khi đưa chúng ta vào những tình huống tồi tệ nhất, khiến cho nhiều người trong chúng ta cảm thấy tự ti hơn về bản thân.
Chúng ta thường theo dõi cuộc sống của những người khác và cảm thấy áp lực khi nhận thấy họ đang thực hiện những điều mà chúng ta không làm. Chúng ta tự hỏi liệu mình có đủ thành công, kiếm đủ tiền, và trải nghiệm cuộc sống đủ tốt hay không. Chúng ta thường so sánh cuộc sống hàng ngày của mình với những hình ảnh đẹp nhất mà người khác chia sẻ, mà thường là những khoảnh khắc tươi đẹp nhất mà họ đã chọn để chia sẻ. Chúng ta thường không biết liệu họ chỉ chia sẻ những bức ảnh nổi bật và đẹp nhất từ hàng tá những bức ảnh khác, hay họ thực sự chia sẻ các sự kiện tự nhiên và ngẫu hứng trong cuộc sống hàng.
Dù bằng cách nào, nhiều người nhận thấy rằng mạng xã hội làm trầm trọng thêm sự so sánh xã hội, khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy tệ hơn về bản thân và hạ thấp lòng tự trọng của mình.
Mặc dù những cảm giác này đôi khi có thể là tự động, nhưng chúng ta không cần phải để bản năng so sánh xã hội trở thành một phần quan trọng trong con người chúng ta. Chúng ta có thể giảm thiểu những khuynh hướng này và dần dần chống lại chúng. Quan trọng hơn cả, bước đầu tiên là bắt đầu nhận thức được sự so sánh xã hội ở bản thân và ở người khác.
So sánh bản thân với người khác có phải luôn là một điều xấu? Không phải lúc nào cũng thế!
Mặc dù hơi ngạc nhiên nhưng khả năng cạnh tranh và so sánh xã hội có thể có khía cạnh tích cực. Ví dụ, khi bạn bè của chúng ta đang làm tốt, họ cũng truyền cảm hứng để chúng ta cố gắng hết sức. Và khi so sánh bản thân với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chúng ta có xu hướng trân trọng những gì mình có và thể hiện lòng biết ơn cũng như sự đồng cảm nhiều hơn. Chúng ta thường làm tốt hơn nếu cố gắng theo kịp hình mẫu hoặc người bạn thành công và chúng ta có thể cải thiện bản thân bằng cách hỗ trợ người khác.
Làm thế nào để giải phóng bản thân khỏi sự so sánh xã hội
Nếu bạn thấy mình rơi vào bẫy so sánh xã hội, cảm thấy bị cuốn vào cảm giác vượt trội khi ‘so sánh xã hội theo hướng đi xuống’ hoặc tự trách móc bản thân khi đưa ra những ‘so sánh xã hội theo hướng đi lên’, điều quan trọng là hãy giữ tinh thần tỉnh táo để tìm cách thoát khỏi cái bẫy so sánh này.
Dưới đây là một số cách đơn giản để bạn có thể rèn luyện trí não của mình ít quan tâm hơn đến những gì người khác đang làm hoặc suy nghĩ.
Tìm hình mẫu
Nếu bạn đang nỗ lực để học hỏi từ các hình mẫu, động lực cá nhân của bạn có thể được thúc đẩy thông qua những việc làm truyền cảm hứng từ người “idol” đó. Điều quan trọng là bạn không cần phải biến mọi thứ thành một cuộc cạnh tranh trong các mối quan hệ cá nhân của bạn. Do đó, thường thì hãy theo dõi một người có sức ảnh hưởng hoặc người nổi tiếng có thể là lựa chọn tốt hơn so với chọn người bạn thân nhất của bạn làm hình mẫu. Điều này có thể giúp bạn tận dụng các cơ hội học hỏi mà không đặt áp lực thêm cho mối quan hệ cá nhân của bạn.
Tạo vòng tròn kết nối
Để tránh những so sánh không lành mạnh, bạn có thể xây dựng một nhóm hỗ trợ – nơi mọi người tập trung vào việc ủng hộ nhau và chia sẻ chung một mục tiêu hoặc sở thích. Có thể bắt đầu từ việc thành lập một nhóm tập thể dục, hoặc một nhóm khác mà mục tiêu chính có thể là chia sẻ, học hỏi, và thúc đẩy một sở thích chung.
Nếu bạn có đam mê viết lách hoặc sáng tạo phim ảnh, bạn có thể tìm kiếm một nhóm người có cùng đam mê và thường xuyên gặp gỡ để cùng thảo luận và trao đổi về những tác phẩm nghệ thuật. Điều này có thể giúp tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển cá nhân.
Tìm một người đồng hành có trách nhiệm
Bạn cũng có thể tìm một người đồng hành có trách nhiệm để cùng hỗ trợ nhau. Thay vì là một nhóm, bạn và đối phương có thể xem xét và theo dõi các mục tiêu của nhau. Cả hai bạn có thể cùng nhau ăn mừng và giúp thúc đẩy nhau bám sát kế hoạch.
Ghi nhận bản thân
Khi bạn thấy mình đang so sánh, hãy cố gắng “ghi điểm” bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy ghen tị với chiến thắng của người khác, hãy nhắc nhở bản thân về những điều bạn đã đạt được và điểm mạnh của chính bạn. Nếu bạn hay phê phán người khác, hãy nhắc nhở bản thân về điểm mạnh của họ và những điều đặc biệt mà họ đã mang lại.
Nuôi dưỡng lòng vị tha
Nuôi dưỡng lòng vị tha mang lại nhiều lợi ích, và việc biến nó thành một thói quen có thể mang lại lợi ích lớn hơn cả cho cá nhân bạn, ngoài việc góp phần vào hạnh phúc của người khác. Hãy xem xét việc bạn có thể thực hiện những hành động nhỏ, bất kể đó là với bạn bè hoặc người xa lạ. Hãy tập trung vào việc thực hành thiền định về lòng trắc ẩn. Hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn, và điều này sẽ giúp bạn hạn chế những so sánh không cần thiết với người khác.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-stress-of-social-comparison-4154076
#so_sánh_xã_hội #hai_kiểu_so_sánh #lòng_tự_trọng #căng_thẳng #phương_tiện_truyền_thông #giải_phóng_khỏi_so_sánh
#socialcomparison #twotypesofcomparison #selfesteem #stress #mediainfluence #overcomingcomparison
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/