Phải làm gì khi nghe con nói “CHA MẸ LÀ NHỮNG PHỤ HUYNH TỆ NHẤT!”

Câu nói “Cha mẹ là những phụ huynh tệ nhất từ trước đến nay” của một đứa trẻ có thể khiến bất kỳ cha mẹ nào cũng cảm thấy tổn thương sâu sắc. Đây có thể cách phản ứng theo bản năng của trẻ để tự vệ, đáp trả hoặc chấm dứt việc trò chuyện. Tuy nhiên, với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải nhìn xa hơn, tìm hiểu lý do thật sự đằng sau câu nói ấy của trẻ.
Trước hết chúng ta hãy hiểu rằng những cơn bộc phát này của trẻ thường xuất phát từ nỗi đau và sự thất vọng. Trẻ không hề có ý muốn đánh giá hay chê tránh gì cách dạy dỗ của cha mẹ. Những đứa trẻ sẽ thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình bằng các câu nói tiêu cực vì chúng thiếu kỹ năng hoặc vốn từ vựng để diễn đạt một cách lành mạnh hơn. Vậy cha mẹ nên làm gì trong những tình huống này:

1. Nhận ra nỗi đau và sự tích cực trong cách biểu hiện của trẻ

Khi nghe con nói rằng bạn là người cha hoặc người mẹ tệ nhất, hãy nhận ra rằng con bạn đang đau khổ. Trẻ có thể cảm thấy bị hiểu lầm hoặc quá tức giận. Hãy giữ bình tĩnh, hít thở sâu và lắng nghe con với tâm thế thấu hiểu thay vì tranh cãi. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy con cảm thấy thoải mái khi thể hiện cảm xúc với bạn, kể cả sự tức giận. Trẻ có sự tin tưởng trong mối quan hệ với bạn. Đây cũng là cơ hội để bạn xem xét và điều chỉnh lại cách đối xử của mình với con.

2. Giao tiếp chất lượng

Giao tiếp chất lượng là chìa khóa để duy trì mối quan hệ ngay cả khi gặp phải những lời nói gây tổn thương. Phản ứng bằng sự đồng cảm và khuyến khích con cái chia sẻ cảm xúc, như “Mẹ thấy con đang buồn, con có thể giúp mẹ hiểu chuyện gì đang xảy ra không?” sẽ giúp con cảm thấy được lắng nghe và xác nhận cảm xúc.
Đôi khi, trẻ cần thời gian để sẵn sàng nói chuyện, hãy cho trẻ không gian riêng và trấn an rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe khi trẻ muốn chia sẻ, ví dụ “Mẹ luôn ở đây khi con sẵn sàng chia sẻ những điều đang làm con khó chịu”.

3. Chuyển từ “cha mẹ bị tổn thương” sang “người giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc”

Vai trò của bạn không chỉ là quản lý hành vi của con mà còn dạy chúng cách quản lý cảm xúc. Những câu nói giúp xoa dịu đứa trẻ 4 tuổi cũng có thể hiệu quả tương tự với người 44 tuổi khi mất kiểm soát cảm xúc. Ngay cả ở tuổi 63, việc tự nhắc nhở bản thân giữ bình tĩnh và trò chuyện mang tính xây dựng (thay vì tranh cãi vô ích) là rất quan trọng. Bạn hãy làm gương và hướng dẫn con cách điều chỉnh những cảm xúc mãnh liệt một cách bình tĩnh và mang tính xây dựng.

4. Giữ bình tĩnh

Thay vì phản ứng phòng thủ hoặc tức giận, hãy thể hiện việc điều chỉnh cảm xúc bằng cách giữ bình tĩnh và điềm đạm. Điều này không có nghĩa là kìm nén cảm xúc mà là thể hiện chúng một cách phù hợp với tình huống. Bạn có thể nói rằng “Cha/mẹ cũng rất buồn khi nghe con nói như vậy nhưng cha/mẹ buốn biết có điều gì đã khiến con cảm thấy như thế”.
Nếu bạn không thể giữ bình tĩnh, hãy coi đó là cơ hội để rèn luyện cảm xúc bằng cách chia sẻ với con rằng “Cha/mẹ cũng đang rất tức giận nhưng cha/mẹ hiểu rằng điều đó không có ích gì cả. Cha/mẹ cần nghỉ ngơi để không bị cảm xúc lấn át”. Hãy dạy con về cảm xúc của chúng và giúp chúng gọi tên cảm xúc của mình, ví dụ như “Có phải con đang cảm thấy thất vọng hoặc tức giận không?” Điều này giúp trẻ giảm cường độ cảm xúc và dễ kiểm soát hơn.

5. Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề

Sau khi giúp con nhận diện và đặt tên cho cảm xúc, hãy hướng dẫn trẻ tìm giải pháp bằng cách khuyến khích trẻ bày tỏ nhu cầu, những cách ứng xử khác. Cả bạn và con cùng làm việc để tìm cách xử lý tốt hơn cho các tình huống tương tự trong tương lai. Việc hỏi trẻ: “Con nghĩ chúng ta có thể làm gì khác ở lần tới để tránh xung đột như thế này?” giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm.

6. Cùng nhau suy ngẫm và học hỏi

Khi cảm xúc lắng xuống, cùng trẻ suy ngẫm về sự việc vừa xảy ra. Thảo luận với con nguyên nhân và cách xử lý tốt hơn cho những lần sau. Điều này giúp củng cố kỹ năng điều chỉnh cảm xúc và làm sâu sắc thêm mối quan hệ.
❤️❤️❤️
Việc phản ứng với những lời nói gây tổn thương như “Cha/mẹ là người cha/người mẹ tệ nhất từ ​​trước đến nay” bằng sự đồng cảm và kiên nhẫn sẽ biến khoảnh khắc khó khăn thành cơ hội phát triển tình cảm với con. Bằng cách giữ bình tĩnh, xác nhận và dạy trẻ cách điều chỉnh cảm xúc để giúp trẻ biết ứng phó với các tình huống tương tự sau này hoặc có những cuộc trò chuyện lành mạnh.
Ai trong chúng ta thì cũng đều là lần đầu làm cha mẹ, sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ hoặc sai sót. Quan trọng là chúng ta biết nhìn nhận những sai lầm của mình để từ đó rút ra được bài học, kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Đừng vì một vài sai lầm mà tự nhận xét hay đánh giá mình là một người làm cha làm mẹ không tốt!
Source: psychologytoday
Biên dịch và biên tập: Mindcare
_________
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com