Việc bố mẹ có thể giao tiếp cởi mở và hiệu quả với con cái là vô cùng quan trọng. Trẻ em bắt đầu hình thành niềm tin về bản thân dựa trên cách bố mẹ giao tiếp với mình. Khi bố mẹ giao tiếp hiệu quả với con cái, đồng nghĩa với việc họ đang thể hiện sự tôn trọng đối với con. Từ đó, trẻ em bắt đầu cảm thấy rằng mình được bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu, điều này góp phần thúc đẩy lòng tự trọng ở mỗi đứa trẻ. Trái lại, giao tiếp giữa bố mẹ và con cái không hiệu quả hoặc tiêu cực có thể khiến trẻ em tin rằng chúng không quan trọng, không được lắng nghe hoặc bị hiểu lầm.
Giao tiếp cởi mở và hiệu quả không chỉ có lợi cho trẻ em mà còn cho mọi thành viên trong gia đình. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái được cải thiện đáng kể khi có sự giao tiếp hiệu quả. Nhìn chung, nếu giao tiếp giữa bố mẹ và con cái tốt thì mối quan hệ của các thành viên trong gia đình cũng sẽ tốt.
Trẻ em học cách giao tiếp bằng cách quan sát bố mẹ. Nếu bố mẹ giao tiếp cởi mở và hiệu quả, con cái họ cũng sẽ học hỏi được rất nhiều từ điều đó và kỹ năng giao tiếp tốt sẽ có lợi cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 1 số mẹo giúp bố mẹ giao tiếp hiệu quả với con
1. Chấp nhận trẻ
Bố mẹ dành cho con cái nhiều tình yêu thương, sự hiểu biết và chấp nhận sẽ tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở. Trẻ em cảm thấy được bố mẹ yêu thương và chấp nhận có nhiều khả năng cởi mở và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và mối quan tâm của mình với bố mẹ.
Bố mẹ phải chứng minh với con cái rằng họ yêu thương và chấp nhận trẻ. bố mẹ có thể làm điều này bằng cả lời nói và hành động. Bằng lời nói, bố mẹ có thể cho con biết rằng họ chấp nhận con thông qua những gì con nói, con làm. Ví dụ như khi một đứa trẻ nhặt đồ chơi của mình sau khi chơi xong, bố mẹ có thể cho con biết rằng họ đánh giá cao điều đó bằng cách nói “Mẹ rất vui vì con đã tự dọn đồ chơi mà không cần ai nhắc nhở”. Về mặt phi ngôn ngữ, bố mẹ có thể cho con cái thấy họ chấp nhận chúng thông qua cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt và các hành vi phi ngôn ngữ khác. bố mẹ nên cố gắng loại bỏ các hành vi như la hét và không chú ý đến con cái.
2. Học cách lắng nghe thật sự
Lắng nghe là một kỹ năng cần phải học và thực hành, nó là một phần quan trọng của giao tiếp hiệu quả. Khi bố mẹ lắng nghe con cái, họ đang cho chúng thấy rằng họ quan tâm đến những gì con cái họ nói. Bố mẹ có thể thể hiện sự lắng nghe theo các bước như sau:
- Tạo và duy trì giao tiếp bằng mắt
- Loại bỏ sự xao nhãng: Khi trẻ em thể hiện mong muốn được nói chuyện, bố mẹ nên gác lại những gì đang làm và dành cho trẻ sự chú ý hoàn toàn
- Không chen vào lời trẻ: bố mẹ nên cố gắng hạn chế tối đa sự gián đoạn khi trẻ đang nói. Bố mẹ có thể động viên, ví dụ như bằng một nụ cười hoặc một cái chạm, mà không cần ngắt lời.
- Nhắc lại những gì trẻ nói: bố mẹ có thể cho trẻ thấy rằng họ đã lắng nghe bằng cách nhắc lại những gì đã nói, chỉ bằng những từ ngữ hơi khác một chút.
3. Đặt câu hỏi mở
Một số câu hỏi giúp cuộc trò chuyện tiếp tục, trong khi một số câu hỏi có thể dừng cuộc trò chuyện ngay lập tức. Bố mẹ nên cố gắng đặt những câu hỏi mở khi trò chuyện với con cái. Chẳng hạn như việc đặt những câu hỏi về “ai”, “như thế nào”, “ở đâu”, “khi nào”,… sẽ có thể giúp trẻ cởi mở và chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn là câu hỏi “có hay không”.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần cẩn thận không nên đặt quá nhiều câu hỏi khi trò chuyện với con cái. Khi điều này xảy ra, cuộc trò chuyện có thể nhanh chóng biến thành cuộc thẩm vấn và trẻ em sẽ ít có khả năng cởi mở hơn.
4. Bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân
Để giao tiếp có hiệu quả, nó phải là con đường hai chiều. Bố mẹ không chỉ phải sẵn sàng lắng nghe con mình để giao tiếp hiệu quả; mà cũng phải sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình với con mình.
5. Thường xuyên lên lịch họp gia đình hoặc thời gian trò chuyện
Một công cụ giao tiếp rất hữu ích cho các gia đình có con lớn là thời gian được lên lịch thường xuyên để nói chuyện. Các cuộc họp gia đình có thể được lên lịch, ví dụ, một lần một tuần và/hoặc bất cứ khi nào có điều gì đó mà gia đình cần thảo luận. Các gia đình có thể sử dụng thời gian họp gia đình để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như việc nhà, giờ giới nghiêm và giờ đi ngủ. Thời gian họp gia đình cũng có thể được sử dụng để bày tỏ sự bất bình và nói về các vấn đề. Những thời điểm này cũng có thể được sử dụng để nói về những điều tích cực đã xảy ra trong tuần qua. Điều quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình đều có thời gian để nói chuyện và được các thành viên khác trong gia đình lắng nghe.
6. Sử dụng chủ ngữ “Bố/mẹ”
Khi thảo luận về xung đột với con cái, bố mẹ nên luôn cố gắng nêu vấn đề theo cảm nhận của mình. Ví dụ, thay vì nói “Con không bao giờ vứt vỏ bánh kẹo đã ăn”, bố mẹ hãy thử nói “Mẹ cảm thấy rất tức giận khi con không bao giờ vứt vỏ bánh kẹo đã ăn”
Giao tiếp hiệu quả và cởi mở đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thực hành. Bố mẹ nên nhớ rằng mình sẽ không thể hoàn hảo. Bố mẹ vẫn có lúc mắc lỗi, nhưng điều quan trọng là bố mẹ phải nỗ lực giao tiếp hiệu quả với con cái ngay từ khi con còn rất nhỏ. Kết quả sẽ là mối quan hệ tích cực, gần gũi hơn nhiều giữa bố mẹ và con cái.
————–
Tài liệu tham khảo:
Kristin Zolten, M.A. & Nicholas Long, Ph.D (1997). PARENT/CHILDCOMMUNICATION. https://parenting-ed.org/wp-content/themes/parenting-ed/files/handouts/communication-parent-to-child.pdf
Biên tập và biên dịch: Mindcare
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 Mail: tamlymindcare@gmail.com
🌐 Website: https://mindcare.vn/