Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ dễ gặp phải tình trạng căng thẳng và lo lắng do sự điều chỉnh của các hormone dẫn đến những thay đổi về cơ thể và tâm lý. Trẻ bộc lộ sự lo âu theo nhiều cách khác nhau, có thể biểu hiện qua cơ thể, qua hành vi, qua cảm xúc,… khiến cha mẹ đôi khi khó nhận ra để hỗ trợ kịp thời. Một cách vô tình, điều này có thể khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trở nên căng thẳng và xa cách.
Tình trạng lo âu ở tuổi dậy thì có thể biểu hiện theo nhiều cách, hãy cùng “check” với chúng tôi nhé!
Triệu chứng về thể chất:
Các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, căng cơ, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc đổ mồ hôi không rõ nguyên nhân là phản ứng của cơ thể đối với sự lo lắng và cũng là triệu chứng của căng thẳng bên trong mà thanh thiếu niên mắc chứng lo lắng gặp phải.
Sự cáu kỉnh và dễ thay đổi tâm trạng:
Một bạn trẻ trước đó rất vui vẻ, hòa đồng nhưng giai đoạn này bỗng trở nên cáu kỉnh một cách thường xuyên hoặc tâm trạng thay đổi thất thường có thể là dấu hiệu của sự lo lắng tiềm ẩn, biểu hiện dưới dạng sự thất vọng và bất ổn về mặt cảm xúc. Đây thường là một trong những cách chính mà thanh thiếu niên, đặc biệt là các bé trai, thể hiện sự lo lắng của mình.
Né tránh các tình huống xã hội:
Nỗi lo lắng sợ bản thân sẽ bị phán xét hoặc lo lắng về các khuyết điểm của bản thân có thể là lí do khiến trẻ né tránh các tình huống xã hội như đến lớp học thêm, tham dự tiệc sinh nhật của bạn cùng lớp, tham gia câu lạc bộ,…
Theo đuổi sự hoàn hảo một cách quá mức:
Mặc dù nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình là điều tuyệt vời, nhưng việc quá bận tâm đến sự hoàn hảo có thể chỉ ra sự lo lắng tiềm ẩn của thanh thiếu niên. Việc trẻ thường cố gắng đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối ở tất cả khía cạnh trong ngoại hình, trường học, thể thao hoặc sở thích là một trong các dấu hiệu mà cha mẹ cần xem xét.
Suy nghĩ quá mức về các sự kiện trong tương lai:
Việc chúng ta suy nghĩ và lên kế hoạch cho các sự kiện trong tương lai là một điều cần thiết để mang đến kết quả tối ưu nhất. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục suy nghĩ đến những việc chưa xảy ra một cách dai dẳng và quá mức cũng là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng cần chú ý ở trẻ.
Khó tập trung:
Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung ở lớp học, hoàn thành bài tập hay tham gia các hoạt động đòi hỏi sự chú ý cao thì có khả năng trẻ đang gặp phải tình trạng lo lắng, bởi các nghiên cứu đã chỉ ra lo lắng có thể làm mất khả năng tập trung của thanh thiếu niên.
Sự ám ảnh liên quan đến mạng xã hội:
Tuy mạng xã hội là một công cụ để thanh thiếu niên có thể kết nối và mở rộng thêm kiến thức cũng như mạng lưới quan hệ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được việc nó cũng mang đến những ảnh hưởng không tốt đối với trẻ mà đặc biệt là ở giai đoạn dậy thì. Sử dụng mạng xã hội là một trong những cách mà thanh thiếu niên thường sử dụng để xoa dịu cảm giác khó chịu và lo lắng của mình, vậy nên việc trẻ lạm dụng mạng xã hội cũng là dấu hiệu cho tình trạng lo lắng ở trẻ.
Thay đổi thói quen ăn uống:
Lo lắng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn ở thanh thiếu niên, dẫn đến những thay đổi như ăn quá nhiều hoặc chán ăn. Một số trẻ có thể tìm đến đồ ăn để an ủi bản thân, trong khi đó, một số trẻ khác có thể giảm cảm giác thèm ăn do buồn nôn hoặc lo lắng.
Xuất hiện một số thói quen thể hiện sự lo lắng:
Cắn móng tay, xoắn tóc hoặc các hành vi lặp đi lặp lại khác có thể đóng vai trò là cơ chế đối phó cho thanh thiếu niên muốn giảm căng thẳng và lo lắng. Những thói quen làm giảm lo lắng này mang lại cảm giác thoải mái và kiểm soát khi trẻ đối mặt với những tình huống mà trẻ không chắc chắn hoặc không thể đoán trước.
————–
Tài liệu tham khảo:
- Bài viết online Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và những điều bố mẹ cần biết. Bệnh Viện Đa Khoa Medlatec.
- Roberts-Meese, L. (2024, April 18). Subtle signs of anxiety to look out for in teenagers. Laurel Therapy Collective.
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tùy theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com
Website: https://mindcare.vn/