NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ THAM VẤN TRỊ LIỆU TÂM LÝ
Hiện tại ở Việt Nam chưa có bộ Quy điều đạo đức cụ thể dành cho các nhà tham vấn, trị liệu. Vì vậy, MindCare chỉ đưa ra các nguyên tắc mà MindCare áp dụng và đồng thời cũng là giá trị mà chúng tôi theo đuổi khi cung cấp dịch vụ tham vấn trị liệu tâm lý.
Cộng tác viên khi đồng ý cộng tác với MindCare bắt buộc phải tuân thủ và đảm bảo theo các nguyên tắc được nêu dưới đây.
Các nguyên tắc này được trích dẫn tham khảo từ “Giáo trình Tham vấn tâm lý” của GS.TS Trần Thị Minh Đức.
1. BẢO MẬT
Việc giữ bí mật các thông tin của thân chủ thể hiện sự tôn trọng tính riêng tư, sự bảo vệ và ủng hộ thân chủ. Sự bảo mật khuyến khích thân chủ tin tưởng vào mối quan hệ tham vấn, đo đó sẽ chia sẻ nhiều hơn câu chuyện của mình.
Việc giữ bí mật các thông tin của thân chủ được cụ thể bằng một số việc như:
– Cuộc tham vấn được bố trí ở nơi kín đáo, người khác không nghe thấy, không quấy rầy.
– Lưu giữ hồ sơ của thân chủ an toàn, tránh để mất dữ liệu hoặc lộ thông tin. Những thông tin không liên quan đến mục đích tham vấn thì không lưu.
– Giải thích cho thân chủ ngay từ đầu cuộc tham vấn những thủ tục và quy trình làm việc, vấn đề bảo mật thông tin và những ngoại lệ liên quan đến tính bảo mật.
Việc bảo mật thông tin là một trách nhiệm đạo đức của người làm công tác tham vấn. Nhà tham vấn chỉ được tiết lộ bí mật khi:
– Thân chủ cho phép nói ra vấn đề của mình.
– Khi vấn đề của thân chủ đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người khác.
– Khi nhà tham vấn bị gọi ra tòa chất vất về chính vấn đề này.
Tại MindCare, các cộng tác viên cần thông báo trước với thân chủ về hoạt động giám sát chuyên môn, vì vậy cần thảo luận với thân chủ về những thông tin nào được/không được tiết lộ trong buổi giám sát.
2. TẬP TRUNG VÀO THÂN CHỦ
Nhà tham vấn không được công thức hóa vấn đề của bất kì thân chủ nào. Không thể có một cách thức chung, kĩ thuật chung cho thân chủ khi đến làm tham vấn, vì mỗi một thân chủ là một trường hợp đặc biệt. Tiến trình tham vấn phụ thuộc và mức độ thân chủ ý thức về vấn đề của mình và khả năng thân chủ làm chủ cảm xúc.
Nguyên tắc tập trung vào thân chủ không cho phép nhà tham vấn để các cảm xúc của mình bị cuốn theo sự kiện của thân chủ. Nhà tham vấn phải đủ mạnh để biệt lập được với con người và vấn đề của thân chủ, cũng như đủ làm cho thân chủ an tâm để tránh lệ thuộc vào nhà tham vấn.
3. CHẤP NHẬN THÂN CHỦ
Nhà tham vấn chấp nhận thân chủ với những giá trị tự tại, khác biệt hay đối ngược với nhà tham vấn, với những điểm tốt, điểm mạnh hay điểm xấu, điểm yếu. Chấp nhận không có nghĩa là đồng tình ủng hộ, mà là nhìn nhận thân chủ dưới góc độ tổng thể, chấp nhận sự tổn tại vốn có những gì thuộc về thân chủ.
Chấp nhận không chỉ biểu lộ ra thái độ bên ngoài không phê phán mà phải ngay ở cả trong chính cảm xúc, suy nghĩ của nhà tham vấn.
4. TÔN TRỌNG THÂN CHỦ
Mỗi người đều có quyền được tôn trọng nhân cách như một con người độc lập. Tôn trọng là nhiệt tình tin tưởng người kia như một con người có giá trị bất kể địa vị, đạo đức, hành vi, tình cảm tích cực hay tiêu cực nơi người ấy, kính trọng người ấy vì nhân phẩm, vì cốt cách riêng biệt của họ.
Tôn trọng là cho mọi người quyền là chính bản thân họ và có các quan điểm, ý nghĩ và những cảm giác riêng và tiếp cận các dịch vụ tham vấn không bị định kiến về con người, tính cách, tôn giáo hoặc phong tục.
5. TIN TƯỞNG VÀO KHẢ NĂNG TỰ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA THÂN CHỦ
Mỗi người đều có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Nhà tham vấn luôn ý thức rằng mỗi thân chủ có hoàn cảnh riêng biệt, không lặp lại ở người khác. Quá trình khám phá những nguyên nhân tạo nên vấn đề của thân chủ phục thuộc rất nhiều ở kinh nghiệm và sự hiểu biết vấn đề của thân chủ và duy nhất chỉ có thân chủ mới làm được việc này.
Nhà tham vấn có thể có uy tín và giàu kinh nghiệm cũng không đủ khả năng giải quyết được vấn đề của thân chủ. Mặt khác, thân chủ cần được trao quyền tự quyết để đảm bảo sự trưởng thành và độc lập.
6. KHÔNG GẮN MÌNH VÀO MỐI QUAN HỆ CÁ NHÂN VỚI THÂN CHỦ
Nhà tham vấn cần tránh mọi quan hệ ngoài hợp đồng làm việc với thân chủ, tránh đưa các quan hệ xã hội (anh em, bạn bè, đồng nghiệp) vào mối quan hệ tham vấn.
Quan hệ hai chiều với thân chủ có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan của nhà tham vấn khi được thực hiện hành vi tham vấn. Vì vậy, nhà tham vấn cần tránh hoặc kết thúc mối quan hệ tham vấn này bằng cách giới thiệu thân chủ đến nhà tham vấn có khả năng phù hợp hơn.
Tại MindCare, nếu cộng tác viên cảm thấy mối quan hệ của mình và thân chủ vượt ra khỏi ranh giới công việc, cần thông báo lại với MindCare sớm nhất có thể để tìm ra hướng giải quyết phù hợp.
7. BẢO VỆ PHÚC LỢI CỦA THÂN CHỦ
Nhà tham vấn phải luôn dự đoán trước được những tác động của quá tình tham vấn lên thân chủ và những người có liên quan khác, vì họ vừa có thể là người hưởng lợi hoặc là nạn nhân của dịch vụ tham vấn.
Những quyền lợi cơ bản của thân chủ cần phải được tính đến đối với một dịch vụ tham vấn là: có quyền biết về danh tính, bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của nhà tham vấn và được lựa chọn người trợ giúp cho mình; quyền được biết về tiến tình và cách thức tiếp cận đối với vấn đề của thân chủ; được nhà tham vấn thông báo về những hạn chế và nguy cơ có thể xảy ra trong quá tình tham vấn; quyền được biết về việc lưu trữ thông tin, ghi âm hay sự đảm bảo về bí mật về thông tin khi chia sẻ với nhà tham vấn và họ có quyền được thông báo trước trong những trường hợp thông tin về họ buộc phải chia sẻ với những đối tượng khác và thân chủ có quyền tiếp tục hay từ chối dịch vụ tham vấn.
Khi nhận thấy quá trình tham vấn không đem lại hiệu quả cho thân chủ, nhà tham vấn bắt buộc phải thông báo lại với MindCare hoặc người giám sát sớm nhất có thể để tìm ra hướng giải quyết phù hợp.
ĐĂNG KÝ/ĐẶT LỊCH THAM VẤN TRỊ LIỆU TÂM LÝ
ĐĂNG KÝ ĐẶT LỊCH THAM VẤN/TRỊ LIỆU
MindCare sẽ liên lạc ngay để tìm hiểu vấn đề mà bạn gặp phải và xếp lịch với nhà tham vấn phù hợp. Chúng tôi cam kết thông tin của bạn được bảo mật hoàn toàn!
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ: 0828 77 22 33
Xin chân thành cảm ơn!