MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI VÀ TRẦM CẢM Ở THANH THIẾU NIÊN

Alexandra Hamlet – nhà tâm lý học lâm sàng đã chia sẻ rằng “Bạn càng ít kết nối với con người theo cách sâu sắc và đồng cảm, thì bạn càng ít thực sự nhận được lợi ích từ tương tác xã hội”. Những tương tác ảo trên không gian mạng dường như ảnh hưởng đến cảm nhận của con người nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ, đặc biệt đối với thanh thiếu niên.

Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên dành nhiều thời gian nhất trên các nền tảng mạng xã hội có tỷ lệ mắc chứng trầm cảm cao hơn từ 13% đến 66%. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu do nhà tâm lý học Jean Twenge tại Đại học bang San Diego thực hiện, tỷ lệ mắc chứng trầm cảm và tần suất sử dụng điện thoại thông minh có mối tương quan thuận với nhau.

Sự ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội đến rối loạn trầm cảm được minh hoạ rõ nét thông qua các yếu tố sau:

Ảnh hưởng chất lượng kết nối:

Việc thanh thiếu niên dành nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội và tương tác với mọi người một cách gián tiếp đã phần nào làm gián đoạn hoặc hạn chế sự tương tác trực tiếp của họ với mọi người xung quanh.

Mặc dù việc tương tác online từ mạng xã hội sẽ có lợi cho những thanh thiếu niên bị cô lập về mặt địa lý hoặc không thể thiết lập các mối quan hệ xã hội mạnh mẽ trực tiếp, nhưng ý kiến ​​của các chuyên gia cho rằng những kết nối ảo này ít thỏa mãn về mặt cảm xúc hơn, khiến thanh thiếu niên cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội và dễ bị trầm cảm.

Tác động đến lòng tự trọng:

Tiến sĩ Thames cho biết: “Một phần lớn của sự đau khổ về mặt tinh thần là do áp lực phải hoàn hảo“. “Khi bạn thấy mọi người trên các nền tảng này liên tục đăng tải những bài viết về chuyến đi tuyệt vời và những bức ảnh đẹp được lọc kỹ của họ, điều đó tạo ra một chuẩn mực sai lầm cho những người trẻ tuổi, những người vẫn đang cố gắng tìm ra bản sắc của mình và vị trí của mình”.

Hành động so sánh bản thân một cách tiêu cực với những hình ảnh được biên tập khéo léo của những người có vẻ giàu có và xinh đẹp hơn trên mạng xã hội góp phần làm suy giảm lòng tự trọng ở thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó, việc thanh thiếu niên thường dành rất nhiều thời gian trên mạng xã hội để cố gắng đăng những gì họ cho rằng sẽ làm mọi người nghĩ họ đang có một cuộc sống hoàn hảo có thể tác động đến niềm tin đối với bản thân, từ đó ảnh hưởng đến lòng tự trọng – một trong những yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên.

Ít dành thời gian cho những hoạt động lành mạnh:

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tham gia hoạt động thể chất thường xuyên có thể tăng lòng tự trọng của chúng ta và có thể giảm căng thẳng và lo lắng. Nó cũng đóng vai trò trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề sức khỏe tâm thần và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, với việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội, thanh thiếu niên có xu hướng bỏ qua các hoạt động thể chất và thời gian để học kỹ năng mới, cũng như phát triển bản thân. Điều này khiến họ ít có lý do để thực hành việc tự chấp nhận và hài lòng với bản thân, gia tăng nguy cơ trầm cảm.

Thiếu ngủ:

Nghiên cứu cho thấy 60% thanh thiếu niên có thói quen lướt mạng xã hội vào giờ cuối cùng trước khi ngủ có thời gian ngủ trung bình ít hơn một giờ so với những người bạn không sử dụng mạng xã hội trước khi ngủ và tình trạng thiếu ngủ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên

Sự tập trung bị gián đoạn:

Thay vì tập trung hoàn toàn trong một khoảng thời gian để hoàn thành công việc thì một số thanh thiếu niên có xu hướng vừa làm việc vừa kiểm tra tin nhắn và các nền tảng mạng xã hội của mình.

Việc tương tác với bạn bè trên mạng xã hội trong khi học tập và thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung đã được chứng minh là ảnh hưởng đến việc học và năng suất.

Do khả năng tập trung kém và liên tục bị gián đoạn, việc làm bài tập về nhà sẽ mất nhiều thời gian hơn, làm giảm thời gian rảnh rỗi và gây thêm căng thẳng.

Như vậy, bên cạnh sự tiện lợi và hữu ích, việc dùng mạng xã hội cũng có thể dẫn đến những hệ quả ngầm ẩn về sức khỏe tinh thần. Thanh thiếu niên cần học cách cân bằng giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và đời sống thực, dành thời gian chăm sóc bản thân và phát triển các kỹ năng xã hội. Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cũng là một lựa chọn hữu ích khi  thanh thiếu niên cần cân bằng và giải tỏa cảm xúc. Hãy liên hệ đến chúng tôi khi bạn cần hỗ trợ! 

————–

Tài liệu tham khảo:

  1. How to look after your mental health using exercise. (n.d.). Mental Health Foundation.
  2. Selchan, K. (2023, March 23). Is social media a leading cause of depression in teenagers?
  3. Is social media causing psychological harm to youth and young adults? (2023, January 18). UCLA Health.

————–

(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:

https://www.facebook.com/groups/908586050050211

Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist

Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

Mail: tamlymindcare@gmail.com

Website: https://mindcare.vn/