#LumosBox18 #MindCareConnection #Confession
Bạn kể:
Năm lớp 6 em thi vào lớp thí điểm của trường và đậu, em cũng vào học bình thường thôi nhưng khoảng thời gian đó em cứ khóc liên tục, không thể ngủ một mình và đến trường em cũng không làm quen với ai, chỉ ngồi một mình đọc truyện, giờ nghĩ lại em cũng không hiểu tại sao khi đó em lại như vậy em. Sau đó thì đỡ hơn. Tới năm lớp 8, lớp 9 thì mọi vấn đề lặp lại lần nữa và nặng hơn kéo dài đến bây giờ. Em cảm thấy rất áp lực về việc học và điểm số mặc dù cha mẹ không hề ép em. Khoảng thời gian thi tuyển sinh em cứ thấy mỗi ngày trôi qua rất lâu, em khóc ngay trong phòng thi luôn. Cấp 3 thì em chọn thi vào trường chuyên nhưng thiếu 0,25đ nên phải học lớp không chuyên ở ngôi trường. Lúc em biết điểm thi em khóc nhiều lắm, cảm thấy có lỗi vì cha mẹ bỏ tiền, bỏ thời gian ra để cho em ôn thi chuyên mà chỉ nhiêu đó thôi em cũng không làm được, đề chuyên tỉnh em năm nay dễ hơn mấy năm trước cũng dễ hơn nơi khác nên em thấy mình vô dụng và thất bại, tăm tối từ tháng 6 cho đến giờ em luôn trong tình trạng ức chế, tăm tối. Em nhạy cảm đến nỗi bạn bè ai nhắc đến học thêm, học này nọ là em lại ngồi không yên, ăn uống không ngon, ban đêm thì suy nghĩ tới chuyện cũ và bứt rứt ngủ không được. Gần đây thì việc nhận lớp rồi học online đã dần bắt đầu nhưng mỗi ngày trôi qua em đều cảm thấy bất an, lo lắng, bồn chồn. Em thấy sợ việc học, sợ đến trường mới, sợ gặp thầy cô, bạn bè mới trong khi ai cũng hào hứng. Em sợ mình học dở rồi tốn tiền cha mẹ cho đi học thêm, tốn tiền ở trọ nữa (vì nhà xa trường). Em khóc mỗi ngày, và thấy rất khó khăn 🙁 mẹ em biết và nói là em đừng có khóc rồi vác cái mặt chù ụ đó ra nữa, có đứa con như em thà không có thì hơn, lên cấp 3 rồi ở chỗ khác thì mẹ không thấy thì mẹ bỏ cho làm gì thì làm. Em mới 15 tuổi, cuộc sống đơn giản, không phải đi làm kiếm tiền, ở tỉnh nhỏ nên có lẽ việc học cũng không có bằng mấy bạn ở thành phố, vậy mà em cũng không chịu được. Nhà cũng không phải giàu có gì nên em luôn muốn nhiều hơn để cha mẹ về hưu thì không phải cực khổ nữa nhưng mà em yếu đuối như vậy thì chắc sau này chắc không làm được gì đâu, sống vô dụng:(
====
Lumos Box hồi âm:
Lumos Box chào bạn,
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi gắm tâm sự của mình cho Hòm thư Soi sáng. Việc bạn chủ động viết thư chia sẻ những khó khăn của mình để tìm cách giải quyết là rất đáng trân trọng. Điều đó có thể cho thấy sự can đảm và có trách nhiệm của bạn với bản thân. Lumos Box rất sẵn sàng cùng bạn trò chuyện để hiểu rõ hơn vấn đề bạn đang trải qua, với mong muốn bạn sớm đưa ra những lựa chọn và giải pháp phù hợp nhất.
Qua thư bạn có tâm sự về những cảm xúc và lo lắng hiện tại, khi bạn chuẩn bị bắt đầu năm học đầu tiên của cấp 3. Bạn cũng chia sẻ rằng bạn đã từng trải qua những áp lực và lo lắng tương tự khi chuyển cấp lên lớp 6 và vào giai đoạn lớp 8, lớp 9 khi chuẩn bị kết thúc cấp 2 mà theo bạn thì các biểu hiện đó đã lặp lại và kéo dài cho đến nay.
🌱🌱
Bạn thân mến,
Với hầu hết các bạn học sinh, việc cảm thấy áp lực học tập và thi cử cũng thường xuyên xảy ra và đôi khi áp lực này sẽ tăng cao hơn trong một số giai đoạn. Những thời điểm có sự thay đổi như giai đoạn chuyển cấp, chuyển lớp, chuyển trường cũng có thể góp phần gia tăng tâm trạng bồn chồn, căng thẳng trong mỗi bạn học sinh. Theo lời kể của bạn thì đây không phải là lần đầu tiên bạn trải qua những áp lực học tập hay thích nghi với môi trường học tập mới. Chắc hẳn phải có trong mình sự mạnh mẽ nhất định và rất nhiều nỗ lực thì bạn mới có thể vượt qua được mỗi thời điểm khủng hoảng về cảm xúc ấy và dần lấy lại sự bình tâm để tiếp tục việc học tập của mình.
Qua lời kể của bạn, trước và sau mỗi kỳ thi, bạn thường thấy mình khóc liên tục và khó ngủ dù bạn không biết tại sao. Nhiều người khi trải qua một áp lực, căng thẳng tâm lý lớn cũng có thể trải nghiệm một hoặc một vài những biểu hiện tương tự như bạn. Thế nhưng, một mặt, những lo lắng, căng thẳng này cũng phần nào cho thấy những phẩm chất tích cực ở bạn, đó là tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc trong học tập của bạn. Dường như trước mỗi kỳ thi bạn đã xác định một mục tiêu và nghiêm túc cố gắng để đạt tới mục tiêu của mình (như việc thi vào lớp thí điểm, lớp chuyên). Phải là một người có lòng tự trọng cao và trách nhiệm với bản thân thì mới đặt ra các mục tiêu cao, cam kết với mục tiêu và rồi sau đó, suy tâm rất nhiều về kết quả của cuộc thi. Thậm chí, bạn cảm giác “thất bại” khi chưa đạt được mục tiêu mong muốn, đồng thời, nhận toàn bộ trách nhiệm về bản thân mình. Và có lẽ, cũng nhờ tinh thần trách nhiệm với bản thân nên bạn đã quyết định kể câu chuyện của mình với Lumos Box. Mình tin đằng sau lá thư này là một tâm hồn đầy can đảm và khao khát trở lên tốt hơn. Đó là những điều rất đáng trân trọng ở bạn!
Bên cạnh đó, qua những chi tiết bạn nhắc tới cha mẹ trong thư, có thể thấy bạn không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn là người con có trách nhiệm với gia đình. Cụ thể, bạn biết suy nghĩ cho người khác, luôn để tâm đến những gì cha mẹ đã dành cho mình và mong muốn đền đáp cha mẹ bằng chính nỗ lực của mình, sao cho trong tương lai khi cha mẹ về hưu thì sẽ không còn phải khổ cực nữa. Không phải ai ở độ tuổi của bạn cũng có được những suy nghĩ chững chạc và có trách nhiệm với người thân của mình như bạn.
Bạn thân mến,
Đôi khi việc cố gắng cùng lúc duy trì tất cả những giá trị và những mục tiêu cần đạt được khiến chúng ta khó tránh khỏi cảm giác áp lực cho bản thân. Không ít người trưởng thành cũng trải qua tình trạng như vậy chứ chưa nói đến bạn, một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vậy, bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy các áp lực trở thành những gánh nặng, bạn hoàn toàn có quyền được trợ giúp bởi cha mẹ, người thân hay những người mình tin tưởng, với điều kiện bạn giúp họ hiểu được những gì bạn đang thực sự trải qua.
🌱🌱🌱
Đọc thư bạn có thể thấy những trạng thái bất an, lo lắng và bồn chồn đã nhiều lần xảy ra và làm phiền tới cuộc sống, việc học tập của bạn, tuy nhiên, chỉ qua trao đổi của một lá thư, mình chắc chắn chưa thể hiểu hết được những khó khăn của bạn, cũng như chưa thể giúp bạn giải quyết được vấn đề của bản thân. Bởi vậy, một trong những điều mình khuyến khích bạn có thể làm khi cảm thấy sẵn sàng đó là tìm tới những sự trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp, nơi mà bạn có thể trao đổi trực tiếp, cụ thể hơn câu chuyện của mình. Đó có thể là tham vấn tâm lý trực tiếp hoặc qua các hình thức online, qua điện thoại với các nhà tâm lý chuyên nghiệp. Các nhà tâm lý sau khi trò chuyện kỹ lưỡng hơn với bạn có thể cùng bạn thực hiện các đánh giá về tình trạng sức khỏe tâm thần và lên kế hoạch cải thiện phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý có lẽ sẽ thích hợp với trường hợp của bạn lúc này:
- Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111
Nếu bạn dưới 16 tuổi, bạn đang ở trong độ tuổi là trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và có thể gọi điện thoại đến tổng đài 111 để được trợ giúp về tâm lý. Đây là tổng đài hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ 24/7, thông tin thêm: http://tongdai111.vn/sites/gioi-thieu
- Dịch vụ hỗ trợ tâm lý miễn phí hoặc được tài trợ chi phí.
Bạn sẽ có cơ hội làm việc cùng các nhà tâm lý chuyên nghiệp, tuy nhiên hình thức thường là online và có giới hạn thời gian.
Tham khảo thêm: https://fb.me/e/1LRJVsqvH
- Dịch vụ tham vấn tâm lý đầy đủ với mức phí thông thường. Ưu điểm của lựa chọn này là có cả hình thức trực tiếp và online, thời gian cũng có thể kéo dài hơn tùy theo nhu cầu của bạn (có tính phí khi gi tăng thời gian) … Điều mà bạn có thể phải cân nhắc là việc chi trả phí tham vấn. Nếu trong trường hợp bạn chưa thể tự chi trả chi phí này, hãy thử nghĩ xem bạn có những cách nào, hoặc những ai khác có thể giúp đỡ bạn về mặt chi phí nhé? Tham khảo thêm:
- Trực tiếp hoặc online: https://bookingcare.vn/cam-nang/5-dia-chi-tu-van-tam-ly-uy-tin-tai-ha-noi-p2203.html
- Online: http://carota.org/
- Trong thời gian cân nhắc lựa chọn các sự trợ giúp trên đây, bạn cũng có thể thử một số bài tập giúp thư giãn để giảm các triệu chứng lo lắng, cải thiện khả năng tập trung và các sinh hoạt (ăn, ngủ) của bạn. Nếu bạn thấy mình phù hợp với việc viết, hãy viết ra những suy nghĩ của mình mỗi khi cảm thấy cơn lo âu xuất hiện. Nếu bạn thích đối thoại hơn, bạn có thể tự nói chuyện với mình, dùng lời nói để diễn tả những suy nghĩ, cảm xúc bên trong. Một cách khác bạn cũng có thể thử mỗi khi thấy lo lắng, mất tập trung đó là nhắm mắt lại và hít thở sâu nhịp nhàng, vừa hít thở vừa nhận biết các suy nghĩ xuất hiện trong đầu; cũng giống như việc viết ra hoặc nói ra, bạn chỉ cần nhận biết và chấp nhận những gì mình suy nghĩ thôi, rồi chúng sẽ rời đi sau khi đã được bạn để ý tới, cùng với đó cơn căng thẳng sẽ từ từ trôi qua. Xin gửi tặng bạn một số từ khóa bạn có thể tìm kiếm thêm về các bài tập thư giãn nhé: “chánh niệm”/ “Mindfulness”, “thiền quan sát hơi thở”, “morning page”, “wiki how: làm thế nào để thư giãn”.
🌱🌱
Bạn thân mến,
Đọc thư bạn, điểm khiến mình thực sự tò mò đó là không biết trong mỗi lần khủng hoảng, có điều gì đã truyền cho bạn sức mạnh bên trong và giúp cho một học sinh cấp 2 như bạn có thể tự đương đầu với những áp lực, những căng thẳng tâm lý không hề nhỏ chút nào. Nói cách khác, có điều gì thực sự quan trọng với bạn đã thôi thúc bạn tiếp tục tiến lên, giúp cho bạn mạnh mẽ hơn tất cả những tâm trạng tiêu cực kia? Mỗi lần nhận thấy mình đang trải qua cảm giác lo lắng, bứt rứt, bạn luôn có thể nhắc mình nhớ tới những điều có ý nghĩa với bản thân bởi vì từ kinh nghiệm của mình bạn biết rằng: cảm giác lo lắng rồi cũng sẽ qua, chỉ những điều ý nghĩa là sẽ còn ở lại.
Hi vọng những câu hỏi và chia sẻ trên đây của tôi đã giúp bạn phần nào hiểu thêm về bản thân, về những gì bạn đã và đang trải qua, tiếp thêm cho bạn động lực để bạn tiếp tục làm việc với các vấn đề của mình. Khả năng quan sát, nhận biết và ghi nhớ khá rõ ràng các cảm xúc, suy nghĩ, trạng thái cơ thể là một điểm mạnh sẽ giúp ích cho bạn. Mình cũng tin rằng, bạn có khả năng tìm được những sự trợ giúp và sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Hi vọng rằng bạn sẽ giữ vững tinh thần can đảm và nỗ lực sẵn có, sớm thích nghi được với môi trường học tập mới và tận hưởng tất cả những niềm vui cũng như những thử thách của những năm cấp 3.
Cuối cùng, chúc bạn bình an và hạnh phúc với những lựa chọn của mình!
Thân mến,
Ad. Phoenix
========