#LumosBox09 #MindCareConnection #Confession
Bạn kể:
Mình năm nay 25 tuổi, đang là nhân viên văn phòng.
Mình biết là mình không ổn nhưng trước đây mình luôn cảm thấy bình thường với nó và mình cảm thấy mình có thể kiểm soát được tâm trạng của mình. Nhưng có lẽ bây giờ nó sắp vượt qua sự kiểm soát của mình rồi.
Tầm 1 năm đổ lại đây mình bắt đầu cảm nhận được tâm trạng của mình ngày càng khó được bình tĩnh hơn. Nó lúc nào cũng thấy bất an, cáu gắt dường như luôn trong tình trạng hay lo nghĩ về những thứ tiêu cực. Mình biết mình có tính lo xa, mình hay lo cái này cái kia nhiều khi nó không đáng. Gần đây cái tính đó càng ngày càng mạnh mẽ, mình lo sợ mất việc rồi sẽ không có tiền, không có ai lo cho gia đình mình, mình lo rằng những người xung quanh mình sẽ bỏ mình đi, mình lo trong nhà trong cửa không đủ cái này thiếu cái kia, nói chung trong lòng mình lúc nào cũng chực chờ những mối lo, không này thì kia. Thậm chí mình đã mua bảo hiểm cho bản thân để phòng hờ mình bệnh tật hay không may qua đời thì người nhà mình cũng sẽ có tiền trang trải. Mình không thể nào nói những nỗi lo lắng này cho người nhà hay người quen của mình biết được vì chính bản thân mình còn thấy nó rất vô lý nhưng mình không ngăn được những suy nghĩ lo âu mệt mỏi đó.
Đôi khi mình thấy cô độc trong chính cuộc sống của mình, mình muốn có một người đồng hành cùng mình, làm điểm tựa cho mình. Trong những ngày tháng chênh vênh đó mình nghĩ là mình đã tìm được một tri kỷ nhưng có lẽ mình quá vội vàng khẳng định qua những quan tâm ban đầu người đó dành cho mình, rồi mình quên mất rằng người ta cũng có những mối quan hệ khác thậm chí là còn thân thiết hơn với mình. Khi người đó bắt đầu lợt lạt với mình, mình đã nổi giận, như một đứa trẻ con khi biết mình sắp mất đi tình thương của ai đó thì cố gắng làm mọi cách để níu giữ, mình đã chọn cách ngu ngốc nhất là nổi giận với người đó. Đương nhiên kết quả là mối quan hệ này đã bị mình phá vỡ, mình tổn thương, người đó cũng tổn thương.
Từ những tổn thương trong mối quan hệ đó mình dường như bị gục ngã, mình yếu đuối hơn, mình dễ cáu gắt, mình dễ khóc, lúc nào mình cũng thấy tủi thân, mình luôn tự hỏi tại sao lúc nào cũng là mình phải chịu những uất ức mà không thể chia sẻ cùng ai, đến người mà trước đó có thể vô tư trò chuyện cũng chẳng còn. Mình đã cố thử nói chuyện cùng bạn bè của mình nhưng mình không tìm được cảm giác thân thiết khi nói chuyện cùng người đó. Mình quyết định không nói với ai nữa cả và tình trạng của mình ngày càng tồi tệ hơn. Mình đã tìm đến những buổi trị liệu tâm lý và sau những buổi nói chuyện thì mình thấy khá hơn, nhưng chỉ vài ngày sau mình lại rơi vào tình trạng bế tắc với những suy nghĩ lo âu và tự trách. Đã hơn 3 lần mình nghĩ đến cái chết nhưng mình không dám tự sát vì mình lo cho người nhà mình, nếu không có mình thì họ sẽ thế nào.
Những ngày giãn cách này, mình không thể tìm tới những buổi trị liệu vì không gian nhà mình không có sự riêng tư nào, nó khiến mình khó chịu lắm, mình cũng cố thử viết nhật ký, nhưng mình hay thấy bản thân trống rỗng mình không biết phải viết gì. Mình cảm nhận được cả người mình bao trùm bởi lo lắng, mệt mỏi, hoài nghi, cảm giác như mình nếu có thể chết đi được thì tốt biết bao nhiêu. Mình sống chỉ để gắng gượng cho mọi người xem là mình vẫn ổn. Đôi lúc mình muốn hét lên rằng mình rất mệt mỏi, mình kiệt sức rồi, mình chỉ muốn nhảy xuống lầu chết thôi.
Mình không hiểu tại làm sao một đứa con gái mới 25t như mình lại rơi vào tình trạng thế này, trong ký ức của mình, bản thân mình là một đứa không biết sợ, cứ thế mà lao vào đời, vậy mà bây giờ mình cứ lo lắng thiệt hơn, u uất, mệt mỏi.
Mình rất sợ tình trạng như thế này sẽ đeo bám mình suốt đời, rồi đến một ngày không còn mối bận tâm nào nữa có lẽ mình cũng sẽ kết thúc cuộc sống mệt mỏi này.
====
Lumos Box hồi âm:
Lumos Box chào bạn,
Đọc thư bạn thật dài và nhiều cảm xúc, mình hiểu rằng thời gian vừa rồi thực sự rất khó khăn với bạn với những mối lo âu về tài chính cho bản thân và gia đình, với nỗi buồn và tổn thương khi đổ vỡ một mối quan hệ quan trọng, và dường như điều được bạn nhắc đến nhiều nhất là sự cô độc của mình trong cuộc đời này, không có ai để sẻ chia nỗi lòng. Bạn cũng đã nhận ra những điều không ổn của bản thân như dễ cáu gắt, dễ khóc, thấy mình đầy lo âu, mệt mỏi và đã thử viết nhật kí, đã tìm đến sự giúp đỡ của nhà tâm lý, bản thân bạn thậm chí rất sợ và không muốn tình trạng này đeo bám mình nữa. Điều đó cho thấy bạn đã kiên cường và nỗ lực biết mấy trong suốt chặng đường vừa rồi, và nó cũng cho thấy cuộc sống này với bạn vẫn còn ý nghĩa gì đó, bạn có thấy thế không?
Bạn có chia sẻ là những điều này diễn ra nhiều trong 1 năm trở lại đây. Liệu ở thời điểm đó, có điều gì đã diễn ra trong cuộc sống của bạn có khả năng ảnh hưởng hoặc khiến bạn thay đổi, khi trước đó bạn là một cô gái không biết sợ, cứ thế lao vào đời? Trong gần 2 năm trở lại đây, Covid-19 không chỉ tác động sâu rộng đến mọi thành phần của nền kinh tế, khiến cho hàng triệu người mất việc hoặc giảm thu nhập, mà nó cũng gieo rắc một mối lo âu chung cho người dân về sức khỏe, về cái chết bất ngờ, về sự bất định không đoán trước của tương lai. Không biết rằng trong những điều vừa nêu, có điều nào bạn cảm thấy có mối liên hệ với bản thân mình chăng?
Mình cũng thấy bạn nhắc nhiều đến mối lo về gia đình, rằng không có bạn thì không có ai lo cho gia đình mình, và rằng gia đình cũng là lí do níu kéo bạn ở lại cuộc sống này những khi bạn nghĩ đến cái chết. Mình hiểu rằng những người trong gia đình rất quan trọng với bạn. Mình không rõ tình trạng cụ thể của mọi người, nhưng có vẻ như bạn là người gánh vác trách nhiệm tài chính chủ yếu cho cả nhà, và điều này dường như đóng góp phần lớn vào sự lo âu, mệt mỏi của bạn. Vậy điều gì khiến bạn có xu hướng nghĩ rằng mình là người chịu trách nhiệm cho vấn đề tài chính của cả gia đình? Có nguồn lực nào (từ gia đình bạn hoặc từ ngoài xã hội) mà bạn có thể huy động để san sẻ bớt gánh nặng tài chính của mình trong trường hợp này?
Bên cạnh đó, đối với việc bạn lo lắng cho những rủi ro trong tương lai, một số người cũng có tâm trạng lo lắng giống như bạn khi nghĩ đến những khả năng có thể xảy ra mà chúng ta không đoán định được trước. Nếu như những suy nghĩ lo âu này làm phiền và khiến bạn khó chịu, bạn cũng có thể cân nhắc một số bài tập giúp làm giảm các nỗi lo lắng đó trong ngắn hạn như trong bài viết này có hướng dẫn nhé https://www.wikihow.vn/Ng%E1%BB%ABng-Lo-l%E1%BA%AFng. Ngoài ra, bạn nghĩ sao nếu thay vì kiểm soát những nỗi lo âu thì chúng ta chấp nhận và sống chung với những mối lo âu của mình? Điều gì khiến bạn suy nghĩ rằng mình ở độ tuổi trẻ như vậy thì không nên có những mối lo âu đó?
Việc đã lâu không thể sẻ chia cùng ai và rồi đổ vỡ mối quan hệ mà mình đã ngỡ là tri kỉ dường như đã đánh gục bạn, khiến bạn cảm thấy thật đau khổ, tuyệt vọng, sao ngoài kia không có ai lắng nghe, không có ai hiểu cho những tiếng lòng của tôi, và rồi điều đó khiến bạn mất niềm tin vào các mối quan hệ xung quanh và dần đóng cửa bản thân mình. Điều này chắc hẳn càng tồi tệ hơn cho bạn trong bối cảnh giãn cách xã hội vì mỗi người đều buộc phải hạn chế các tiếp xúc với người khác đến mức tối thiểu. Liệu có điều gì khiến bạn vui thích mà đã lâu rồi bạn không làm? Ví như học vẽ online, trồng một cái cây hay nghe một bản nhạc yêu thích chẳng hạn. Bạn có chia sẻ rằng mình đã thử viết nhật kí nhưng cảm thấy trống rỗng, không biết phải viết gì. Bạn thử cách này xem sao nhé: Bạn đặt trước một vài câu hỏi để bắt đầu viết, vị dụ như Hôm nay mình đã làm những gì? Mình đã gặp những ai? Đã nhìn thấy gì? Mình cảm thấy gì?… Hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khi thấy bất kỳ cảm xúc, suy nghĩ nào nổi lên, nếu có thể hãy ghi chép lại vào nhật ký. Bạn cũng có thể cân nhắc nghe các bài nói của các sư thầy như thầy Thích Nhất Hạnh, thầy Minh Niệm hoặc các linh mục (tùy theo niềm tin tôn giáo của bạn), hi vọng rằng chúng sẽ giúp xua đi phần nào những gánh nặng lo toan, mệt mỏi của bạn, cho bạn thêm động lực vào mỗi sáng mai thức giấc.
Trong các trường hợp khẩn cấp, khi bạn cảm thấy không thể tự mình chống đỡ nổi các cảm xúc tiêu cực hoặc có ý định tự tử, dẫu biết rằng bạn không có được điều kiện riêng tư để nói chuyện, nhưng mình vẫn mong bạn sẽ gọi điện cho các đường dây hỗ trợ tâm lý khẩn cấp để được lắng nghe, trợ giúp kịp thời nhé, ví dụ như hotline Ngày mai 096 306 1414 hoặc liên hệ với nhà trị liệu mà bạn đang làm việc.
Bạn thân mến, mình không dám chắc mình đã “nghe” và hiểu đúng được tất cả tâm tư của bạn hay chưa, nhưng nếu để nói một lời nữa thì mình muốn nói rằng mình ở đây, Lumos Box ở đây để lắng nghe bạn, vì chúng mình thực sự quan tâm đến những tâm tư của bạn. Và một người chưa phù hợp bước ra khỏi cuộc sống của bạn biết đâu là để nhường chỗ cho một người phù hợp hơn. Hành trình tìm kiếm bạn thân hay bạn đời có thể là một hành trình dài, bạn hãy cho mình thêm cơ hội để kết nối với người khác và có khả năng là trong 7 tỷ người ở thế giới ngoài kia sẽ có người như vậy, sẽ có người lắng nghe bạn, khi bạn cần.
Chúc bạn những điều an lành trong cuộc sống.
Ad. Pansy
========