Khi người thân hay bạn bè bị trầm cảm, chúng ta thường rơi vào trạng thái là không biết phải nói và làm gì để giúp họ. Một số cách mà chúng ta nghĩ đang giúp họ nhưng thực tế có thể gây tác dụng ngược, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.
Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, để giúp bạn bè hay người thân bị trầm cảm hồi phục, mọi người cần chú ý những điều sau:
1. Chỉ nên lắng nghe.
Khi bạn bè hoặc một thành viên trong gia đình đang gặp chuyện buồn, phản ứng tự nhiên của chúng ta thường là muốn có hành động giúp đỡ và cho họ lời khuyên hữu ích.
Tuy nhiên, với một người trầm cảm thì lại khác. Thay vì đưa ra lời khuyên hay làm gì đấy, chúng ta chỉ nên ngồi đó và lắng nghe họ.
“Lắng nghe bằng sự yêu thương sẽ giúp người trầm cảm có thể giải bày những đau đớn cả về thể xác lẫn cảm xúc của họ”, The Healthy dẫn lời giáo sư tâm lý học Deborah Serani tại Đại học Adelphi (Mỹ).
Mọi người có thể nói với người trầm cảm những điều như bạn muốn biết họ đang cảm thấy thế nào, hãy hỏi họ bạn cần phải làm gì để họ cảm thấy tốt hơn hay cho họ biết bạn đang ở đây để nói chuyện và giúp họ, giáo sư Serani nói thêm.
2. Luôn bên cạnh họ.
Những cử chỉ đôi khi rất nhỏ nhưng có thể mang lại hiệu quả lớn. Hãy cho bạn bè, người thân bị trầm cảm biết rằng họ không bị cô lập, không bị bỏ lại một mình.
Một ghi chú viết tay trên tờ giấy hay tấm thiệp cũng có thể làm ấm lòng, khiến người trầm cảm cảm thấy lạc quan, dễ chịu hơn. Ngoài ra, hãy thường xuyên cười với họ. Nụ cười là thông điệp của tình yêu, niềm hy vọng và sự khẳng định vai trò của họ trong cuộc sống của bạn.
Một cách khác là có thể gọi điện, đến thăm hoặc cùng ăn một bữa chung với người bị trầm cảm. Những điều này có thể không giúp trị được trầm cảm nhưng lại giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực ngay lúc đó.
3. Khuyên họ nên tập thể dục.
Các triệu chứng thể chất thường thấy của trầm cảm gồm mệt mỏi, cơ thể cảm giác như cạn kiệt năng lượng. Nhiều nghiên cứu phát hiện tập thể dục có thể sự khởi đầu quan trọng trong quá trình hồi phục tâm lý ở người trầm cảm.
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cơ thể tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui vẻ, từ đó giúp người bị lo âu, căng thẳng hay trầm cảm cảm thấy dễ chịu hơn, các chuyên gia cho biết.
4. Tránh những cách làm quyết liệt.
Một số người nghĩ rằng có thể giúp những người bị trầm cảm mau hồi phục bằng cách nói hay làm những điều cứng rắn, mạnh mẽ với họ. Trên thực tế, hiệu quả có thể ngược lại.
Những lời khuyên, hành động quyết liệt chỉ có thể hiệu quả với một điểm yếu nào đó trong tính cách, thái độ sống không đúng hoặc sự lười nhác, không cố gắng hết sức. Trong khi đó, trầm cảm lại rất khác những thứ trên. Đó là một căn bệnh, một dạng rối loạn tâm lý cần được phát hiện kịp thời.
Vì thế, chúng ta không nên dùng những cách cứng rắn với người đang bị trầm cảm vì như vậy có thể dẫn đến tác dụng ngược, hãy giúp họ một cách nhẹ nhàng và phù hợp, các chuyên gia khuyến cáo.
Nếu cảm thấy vấn đề của người thân nằm ngoài khả năng giúp đỡ của bạn, hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý có uy tín và kinh nghiệm nhé!
-St-
————–
#tham_vấn_tâm_lý
#lo_âu
#stress
#trầm_cảm
#mindcare
#KNG