Mất đi một người thân yêu là nỗi đau không gì có thể diễn tả hết. Chúng ta đều nghĩ rằng khi mất đi ai đó, cảm giác buồn bã, tiếc thương là điều tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng phản ứng giống nhau. Có người lại cảm thấy trống rỗng như thể không có cảm giác gì, có người thì chìm đắm trong đau khổ suốt một thời gian dài. Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?
Cùng Tâm lý MindCare tìm hiểu về những cảm xúc thường gặp khi mất người thân qua mô hình 5 giai đoạn đau buồn của nhà tâm lý Elisabeth Kubler-Ross, được gọi là mô hình DABDA. Tuy nhiên, Kubler-Ross có lưu ý rằng không phải ai cũng sẽ trải qua tất cả giai đoạn này, có những người chỉ trải qua một, hai hoặc ba giai đoạn trong đó. Việc hiểu về từng giai đoạn cũng giúp chúng ta hiểu chính mình đang ở đâu và tìm hướng để vượt qua.
- Chối bỏ (Denial)
Đối diện với mất mát, bạn có thể cảm thấy như không thể tin nổi. Bạn phủ nhận sự thật rằng người thân đã ra đi. Có thể bạn tự nói với mình rằng: “Chắc chắn là có sự nhầm lẫn.” Đây là cơ chế tự bảo vệ giúp bạn tạm thời “tê liệt” trước cú sốc quá lớn, giúp bạn sống sót qua giai đoạn đầu tiên của nỗi đau.
- Phẫn nộ (Anger)
Khi bắt đầu nhận thức được sự thật, cảm giác tức giận có thể trỗi dậy. Bạn có thể tự hỏi: “Tại sao lại là tôi?” hoặc “Cuộc đời sao lại bất công đến vậy?” Cơn giận có thể trút lên người thân, bạn bè hoặc ngay cả lên chính bản thân mình. Nhưng đừng lo, giận dữ là phản ứng tự nhiên và cần thiết để bạn vượt qua giai đoạn này. Hãy cho phép mình cảm nhận sự tức giận, vì nó sẽ qua đi và giúp bạn nhanh chóng lành lại.
- Mặc cả (Bargaining)
Giai đoạn này, bạn sẽ có xu hướng mặc cả với một đối tượng nào đó, thường sẽ là ông trời, thần phật, ví dụ “Ông trời ơi, nếu như có thể cho bà con sống lại, con nguyện ăn chay đến hết đời”.
Đây là giai đoạn có những hy vọng hão huyền. Bạn sẽ có xu hướng ảo tưởng rằng mình có thể tránh né đau khổ, thông qua sự mặc cả này. Bạn sẽ có cảm giác tội lỗi với những suy nghĩ lặp đi lặp lại “Nếu như”.
- Chán nản (Depression)
Cảm giác chán nản, tuyệt vọng xuất hiện xuất hiện bạn nhận ra mọi việc mình làm hay chống cự trước đó đều vô ích, bạn quay trở lại với hiện thực và chấp nhận rằng người thân của mình đã mãi mãi rời đi. Bạn sẽ có xu hướng chạy trốn khỏi cuộc sống, tê liệt, như đi trong sương mù, không muốn ra khỏi giường. Cuộc sống dường như trở nên quá mệt mỏi, sự tuyệt vọng và suy nghĩ không muốn sống nữa sẽ xuất hiện.
- Chấp nhận (Acceptance)
Đây là giai đoạn cuối cùng, khi bạn đã chấp nhận sự mất mát và hiểu rằng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Không phải là “Người đi rồi cũng không sao cả” mà là “Người đi rồi nhưng tôi cũng sẽ ổn.”
Lúc này, bạn sẽ chấp nhận sự thật rằng người thân của mình đã rời đi mãi mãi. Nó không phải điều tốt đẹp gì nhưng ít nhất bạn có thể vượt qua được. Đây là thời điểm để bạn điều chỉnh, có thể ra khỏi vùng sương mù, bắt đầu kết nối với bạn bè và tìm kiếm những mối quan hệ mới. Bạn hiểu rằng người đã đi rồi không có cách nào thay thế, nhưng bạn cần phải tiếp tục tiến về phía trước.
Ai cũng sẽ phải đối mặt với nỗi mất mát trong đời, nhưng mỗi người sẽ có cách đối phó khác nhau. Đừng ép buộc bản thân phải vượt qua ngay lập tức, hãy cho mình thời gian. Đôi khi, việc chấp nhận cảm xúc của mình chính là bước đầu tiên để tiến về phía trước.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu hơn về những cảm xúc tự nhiên khi đối diện với mất mát. Hãy nhớ rằng, mỗi cảm xúc bạn đang trải qua đều có lý do và nó sẽ giúp bạn chữa lành.
————–
Tài liệu tham khảo:
- Tomasic, M., Mc. (2022, June 7). The five stages of grief. Health Central.
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 Mail: tamlymindcare@gmail.com
🌐 Website: https://mindcare.vn/