Trong quá trình phát triển, tất cả mọi người đều trải qua giai đoạn dậy thì. Đây là thời điểm bé trai hoặc bé gái có sự trưởng thành về mặt tình dục. Quá trình này thường diễn ra trong độ tuổi từ 10 đến 14 đối với bé gái và từ 12 đến 16 đối với bé trai, sự xuất hiện của những thay đổi về thể chất và những biến động về tâm lý trong một vài trường hợp có thể gây ra những vấn đề liên quan đến lo âu.
Tại Mỹ, theo Viện Y tế Quốc gia, gần 1/3 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 18 mắc chứng rối loạn lo âu. Từ năm 2007 đến năm 2012, con số này đã tăng đều đặn, chứng rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng 20% .
Tại Việt Nam, trong một báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, kết quả cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Mới đây, Bộ Y tế công bố con số có khoảng 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn, gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng lo âu tuổi dậy thì ngày càng phổ biến ở trẻ được lý giải như sau:
– Biến đổi hormone: Sự biến đổi về hormone là yếu tố chính góp phần vào rối loạn cảm xúc ở tuổi dậy thì. Các hormone như estrogen, progesterone và testosterone trong giai đoạn này bị mất cân bằng khiến trẻ có cảm xúc tiêu cực, căng thẳng hoặc trầm cảm.
– Phát triển não bộ: Trong tuổi dậy thì, não bộ của trẻ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các khu vực như thalamus, amygdala, và prefrontal cortex. Sự phát triển và thay đổi này có thể dẫn đến sự mất ổn định trong việc quản lý cảm xúc của con.
– Kỳ vọng cao và áp lực phải thành công: Tuổi dậy thì là giai đoạn trẻ bắt đầu có sự so sánh bản thân mình với bạn bè xung quanh, chính sự tự so sánh này đã tạo nên cho trẻ áp lực về việc phải thành công. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng từ bố mẹ, thầy cô, những người thân quen cũng góp phần vào sự hình thành lo âu trong trẻ.
– Sự phát triển của mạng xã hội: Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay liên tục kết nối trên mạng xã hội. Thật khó để trẻ không so sánh cuộc sống và các mối quan hệ bạn bè của mình với những gì trẻ thấy người khác đăng trên trang cá nhân của họ. Trong khi sự thật là mọi người chỉ thường đăng tải những điều tốt đẹp mà họ muốn người khác biết về họ.
Vậy cha mẹ, giáo viên hay bất kỳ ai tương tác với trẻ đang trong giai đoạn dậy thì cần chú ý những gì?:
Hãy lưu ý đến các dấu hiệu lo lắng
Đôi khi trẻ có thể thể hiện sự lo lắng, nhưng đôi khi lại không rõ ràng – đặc biệt là khi chúng thậm chí có thể không nhận thức được điều đó. Chính vì vậy, người lớn cần lưu ý phát hiện các dấu hiệu ở trẻ, để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
– Những nỗi sợ hãi và lo lắng thường xuyên về những việc thường ngày của cuộc sống
– Thay đổi hành vi, chẳng hạn như cáu kỉnh
– Tránh các hoạt động chung, trường học hoặc tương tác xã hội
– Bỏ học hoặc trốn học
– Khó ngủ hoặc khó tập trung
– Sử dụng chất gây nghiện hoặc các hành vi nguy hiểm khác
– Các vấn đề sức khỏe mãn tính như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau bụng.
Chia sẻ với trẻ về những tác nhân gây căng thẳng tiềm ẩn:
– Cố gắng nhìn thế giới theo cách của trẻ và giúp trẻ giữ vững quan điểm và tìm cách đối phó với vấn đề mà trẻ đang gặp phải.
– Lưu ý đến những kỳ vọng mà người lớn đặt ra cho trẻ em và thanh thiếu niên
Những kỳ vọng cao có thể giúp trẻ em khai phá được tiềm năng của mình, nhưng chúng cần phải thực tế. Không chỉ vậy, hãy nhớ rằng trẻ em cần thời gian để thư giãn, vui chơi và ở bên bạn bè, tất cả những điều này đều rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Và điều quan trọng là chúng ta phải nhớ rằng cuộc sống không chỉ có thành tích, chính vì vậy, người lớn nên có những kỳ vọng thực tế phù hợp với khả năng của từng trẻ.
– Nói chuyện với trẻ về việc sử dụng mạng xã hội của chúng
Trò chuyện và giúp trẻ nhận thức được các tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với cuộc sống của trẻ, giáo dục trẻ về sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh.
– Tìm đến nguồn hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp khi cần thiết
Nếu người lớn nhận thấy trẻ có những dấu hiệu lo âu kéo dài và gây ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng cũng như cuộc sống của trẻ thì đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia có kiến thức về tâm lý để nhận được sự trợ giúp kịp thời.
————–
Tài liệu tham khảo:
- Anxiety in Teens is Rising: What’s Going On? (n.d.). HealthyChildren.org.
- Hạnh, M. (2023, August 30). Không chủ quan với bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Báo điện tử VTV.
- Lam T. (2022, May 24). Cô đơn và rối loạn tâm lý tuổi vị thành niên. Báo Nhân Dân điện tử.
- National Library of Medicine. (n.d.-b). Puberty.
- Phước B. V. Đ. K. T. B. (2024, May 3). Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì: 3 Dấu hiệu và cách can thiệp. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tùy theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com
Website: https://mindcare.vn/