Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một loại rối loạn phát triển thần kinh, bao gồm sự kết hợp của các vấn đề như khó chú ý, hiếu động thái quá và hành vi bốc đồng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn có thể đã biểu hiện từ lúc bé và tiếp diễn đến tuổi trưởng thành. Hệ quả của rối loạn này là các mối quan hệ không ổn định, hiệu suất làm việc kém do bồn chồn và khó chú ý, lòng tự trọng thấp và các vấn đề khác.
Khi tìm hiểu về nguyên nhân của ADHD, có một yếu tố mà ngày nay đang được khá nhiều nhà khoa học quan tâm và tiến hành nghiên cứu là mối liên hệ giữa ADHD và dopamine.
Dopamine (hay còn gọi là “hormone hạnh phúc”) là một hóa chất hữu cơ được tạo ra từ Tyrosine, vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Khi dopamine trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng. Ngược lại, mức độ dopamine thấp sẽ làm giảm động lực, giảm sự nhiệt tình, giảm khả năng tập trung và hạn chế điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.
Một người có ADHD có khả năng do não có lượng dopamine thấp nhưng lại có lượng chất vận chuyển dopamine cao. Chất vận chuyển dopamine có nhiệm vụ loại dopamine khỏi tế bào não. Điều đó có nghĩa là khi não có nhiều chất vận chuyển dopamine, nó sẽ thực hiện nhiệm vụ là loại dopamine ra khỏi não rất nhanh, khiến cho hormone hạnh phúc không có nhiều thời gian để phát huy tác dụng của nó.
Vì vòng lặp tăng giảm dopamine ngay lập tức như vậy nên người có ADHD thường liên tục làm một hành động gì đó hoặc thực hiện một hoạt động gì đó dù họ không thực sự thích và giảm khả năng tập trung vì thiếu hụt dopamine trong não.
Những chiến lược sau có thể sẽ giúp tăng dopamine trong não của người có ADHD một cách lành mạnh:
Thiết kế một “Dopamenu”:
Lập ra một danh sách các hoạt động lành mạnh mà người có ADHD có thể làm để tăng dopamine cho não như:
– Các hoạt động nhanh chóng và không khiến họ bị cuốn hút nhưng vẫn cung cấp một lượng dopamine lớn
Ví dụ: một phút nhảy bật cóc, nghe một bài hát yêu thích, thực hiện một vài động tác kéo giãn hoặc tư thế yoga, tắm nước ấm,…
– Các hoạt động mà họ yêu thích và cần nhiều thời gian để thực hiện
Ví dụ: chơi một nhạc cụ, dắt chó đi dạo, tập thể dục, ghi nhật ký, nấu ăn hoặc nướng bánh,…
– Các hoạt động cần nhiều sự đầu tư về thời gian và chi phí
Ví dụ: tham dự buổi hoà nhạc, đi ăn nhà hàng cùng gia đình, đi nghỉ mát, đi massage,…
Thay đổi về chế độ ăn uống:
– Ưu tiên rau, trái cây, các loại đậu và chất béo không bão hòa và tránh ăn quá nhiều đường hoặc chất béo bão hòa.
Thiền chánh niệm:
– Các phương pháp thực hành chánh niệm bao gồm tập trung vào khoảnh khắc hiện tại bằng cách thở có ý thức và các kỹ thuật tập trung có chủ đích khác. Những hoạt động này có thể giúp người có ADHD nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc của mình và cảm thấy dễ chịu hoặc thư giãn đủ để kích thích giải phóng dopamine.
Ngủ đủ giấc và đúng giờ:
– Ngủ đủ giấc hỗ trợ chức năng não tối ưu và cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, cho phép tổng hợp và giải phóng dopamine thích hợp. Thiết lập lịch trình ngủ nhất quán, tạo thói quen đi ngủ thư giãn và giảm thiểu tiếp xúc với màn hình và thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon và tăng cường sự điều hòa dopamine.
Sử dụng thuốc:
– Dược phẩm có thể là một chiến lược quản lý hiệu quả đối với các triệu chứng của ADHD. Đặc biệt, thuốc kích thích đôi khi được kê đơn để tăng dopamine ở vỏ não trước trán. Tuy nhiên, hãy tham khảo lời khuyên y tế trước khi bắt đầu, điều chỉnh hoặc dừng sử dụng thuốc.
————–
Tài liệu tham khảo:
Benisek, A. (2024, June 14). ADHD and dopamine: what’s the link? WebMD. https://www.webmd.com/add-adhd/childhood-adhd/adhd-dopamine
BetterHelp Editorial Team. (2024, July 29). The link between ADHD and dopamine | BetterHelp. https://www.betterhelp.com/…/the-link-between-dopamine…/
Medlatec B. V. Đ. K. (n.d.). Bạn có biết về hormone “hạnh phúc” Dopamine. Bệnh Viện Đa Khoa MEDLATEC. https://medlatec.vn/…/ban-co-biet-ve-hormone-hanh-phuc…
Vinmec.com. (2024, July . Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD). Vinmec International Hospital. https://www.vinmec.com/…/roi-loan-tang-dong-giam-chu-y…
Wachsman, M. W. (2024, July 30). Using a dopamine menu to stimulate your ADHD brain. ADDitude. https://www.additudemag.com/dopamenu-dopamine-menu-adhd…/
————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia:
https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Chương trình tham vấn tâm lý trả phí tuỳ theo điều kiện tài chính: MindCare’s Trainee Psychologist
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý, Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
Mail: tamlymindcare@gmail.com
Website: https://mindcare.vn/