Bí mật gia đình gọi dậy cảm giác tội lỗi và hổ thẹn

Hầu hết, tất cả mọi người đều gắng sức để duy trì sự cân bằng và ổn định trong gia đình. Không chỉ nỗ lực, mọi người còn nghĩ rằng cuộc sống cảu bản thân đang ổn định. Thế nhưng, nhiều trường hợp suy nghĩ này là một sự lầm tưởng. Có không ít mối quan hệ gia đình đằng sau sự bình yên là những bất an và căng thẳng đang được che giấu. Rõ ràng là có chuyện gì đó và mọi người cảm thấy căng thẳng, bất an vì điều đó, nhưng có một điều khiến họ không thể tự do thể hiện cảm xúc đang tồn tại trong gia đình, và Tâm lý học gọi điều này là “bí mật gia đình” (family secret).

Serge Tisseron – nhà Phân tâm học người Pháp, là học giả nổi tiếng thế giới về những thành tựu nghiên cứu liên quan đến bí mật gia đình. Serge Tisseron nói rằng: “Bí mật gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và bí mật được chuyển giao gây ra nhiều vấn đề ở thế hệ sau hơn thế hệ ban đầu.” Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phân tích của Tisseron, xem bí mật gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào.

Càng cố che giấu bí mật về những vấn đề hay sự kiện đau khổ, những bí mật ấy càng ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo, trái ngược với mục đích che giấu. Bí mật gia đình của thế hệ trước không được truyền lại như những gì vốn có cho thế hệ sau. Thế hệ đầu giữ bí mật về sự kiện đau khổ thường bị giằng xé trong tâm lý hai chiều, một nửa muốn giữ bí mật và một nửa muốn được tự do bằng cách thổ lộ bí mật. Trong vòng xoáy mâu thuẫn này, mặc dù người trong cuộc một mực phủ nhận sự tồn tại của bí mật, nhưng một phần bí mật vẫn vô tình bị tiết lộ. Vì phần vô tình bị tiết lộ ấy, thế hệ con cháu bắt đầu có linh cảm rằng có vấn đề gì đó. Thế nhưng, chúng không thể nào biết được toàn bộ nội dung vụ việc và cũng không có dũng khí để hỏi. Nói cách khác, với thế hệ đầu, bí mật ấy là “điều không thể diễn tả thành lời”, còn với thế hệ tiếp theo, bí mật ấy lại là “điều không thể gọi tên”. Sang đến thế hệ tiếp theo, nội dung của bí mật bị lãng quên, chỉ có sự tồn tại của bí mật ấy được biết đến và khơi dậy hàng loạt câu hỏi. Người trong cuộc muốn che giấu bí mật, nhưng vì họ che giấu mà bí mật ấy thổi bùng ngọn lửa bất an tương tự trong lòng con cháu. Đây là kết quả quan sát của Serge Tisseron.

…Gia đình tồn tại bí mật không thể nào lành mạnh. COn cái thường lờ mờ đoán được gia đình có bí mật che giấu, nhưng bầu không khí trong nhà âm thầm ép buộc chúng phủ nhận hoặc vờ như không biết. Điều này không khác gì bị cưỡng chế phải làm tê liệt cảm xúc. Khi bị mắc bệnh hủi, cho dù bị cắt bỏ các ngón tay, chúng ta cũng không thấy đau vì các dây thần kinh đã chết và cảm giác đau đã bị tê liệt. Bí mật gia đình khơi dậy những cảm xúc tiêu cực như nghi ngờ, bất an, phẫn nộ, đau buồn, bất lực,… nhưng lại không được phép thể hiện những cảm xúc ấy, vậy nên bọn trẻ rất dễ mắc bệnh hủi về mặt tình cảm. Dần dần cảm giác về cảm xúc của chúng bị tê liệt khi bị yêu cầu phủ nhận những cảm xíc hoang mang và không thể nào chịu đựng được. Thế nhưng, bí mật gia đình vẫn ở đó, chỉ là chúng tồn tại trong gia đình dưới hình dáng của sự hổ thẹn và cảm giác tội lỗi.

Một đứa trẻ nhìn thấy bố ra ngoài uống rượu về, ngã gục ở hiên nhà rồi ngủ luôn ở đó, liền hỏi mẹ.

“Mẹ ơi, sao bố lại ngủ ở đây?”

Người bố vốn dĩ là người nghiện rượu nặng, thế nhưng, người mẹ không thể nói thẳng như thế với con.

“Bố mệt mỏi với vất vả quá nên vậy đó con.”

Đứa tre lớn lên trong những câu chuyện như thế này học cách suy nghĩ và cảm nhận đúng như yêu cầu của bố mẹ. Hành vi bóp méo thực tế là ngược đãi ép buộc một cách khôn ngoan. Đứa trẻ bị ngược đãi theo cách như thế này rất dễ bất an, lo lắng trước mọi quyết định bản thân phải tự đưa ra khi trưởng thành. Vì thường xuyên phủ định suy nghĩ và cảm xúc nên chúng không chắc chắn về suy nghĩ của bản thân.

Trích “Hai mặt của gia đình” – Choi Kwanghyun (Minh Thùy dịch)
Ảnh: Pinterest
————-
#Bí_mật_gia_đình
#Hổ_thẹn
#Tội_lỗi
#Làm_cha_mẹ
#Con_cái
#Tổn_thương
#Tham_vấn_trị_liệu_tâm_lý
#MindCare