BẪY THAO TÚNG TRONG MỐI QUAN HỆ: 6 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Bị thao túng trong mối quan hệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của bạn. Một số chiến thuật thao túng có thể tinh vi đến mức bạn chỉ liên tục kiểm tra hành vi của chính mình thay vì của người khác. Tuy nhiên, bằng cách nhận diện các dấu hiệu, bạn có thể tự bảo vệ bản thân và đưa ra các biện pháp phù hợp khi đối mặt với tình huống tương tự.

Thao túng trong mối quan hệ là gì?

Thao túng trong mối quan hệ là hành vi nhằm kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ, và hành động của người khác thông qua việc sử dụng lời nói, hành động. Điều này có thể tác động đến quan điểm của đối phương về chính bản thân, mối quan hệ, và góc nhìn về thế giới nói chung.
Thao túng trong mối quan hệ có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tự trọng và đôi khi dẫn đến triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm. Không chỉ xuất hiện trong các mối quan hệ gia đình và lãng mạn, thao túng cũng có thể xuất hiện trong mối quan hệ bạn bè và thậm chí trong bối cảnh công việc.

6 dấu hiệu thao túng trong mối quan hệ

1. Bạn cố gắng phớt lờ cảm giác của mình

Dấu hiệu đầu tiên có thể là cảm giác sâu xa rằng có điều gì đó không ổn hoặc bạn liên tục làm những việc mình không muốn. Có thể, bạn lờ đi cảm giác này và cố gắng thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều ổn.
Cụm từ “hãy tin vào trực giác của bạn” đặc biệt hữu ích khi bạn nghĩ rằng bạn có thể đang bị thao túng.
Giả sử bạn đang buồn vì người bạn trai luôn nghe điện thoại trong suốt buổi hẹn hò. Bạn đề cập với anh ta về vấn đề này nhưng thứ bạn nhận lại được là cơn thịnh nộ của anh ấy.
Sau đó, cuộc trò chuyện chuyển sang việc bạn đã phá hỏng buổi hẹn hò đặc biệt bằng cách gây ra một cuộc tranh cãi. Cuối cùng, bạn quên đi những gì bạn muốn nói và thay vào đó bạn cố gắng xoa dịu anh ta.
“Chuyện gì vừa xảy ra vậy?” bạn tự hỏi bản thân nhưng rồi gạt nó đi vì bạn không muốn tạo thêm xích mích.

2. Bạn thắc mắc: Vấn đề nằm ở bạn?

Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân và động cơ của chính mình trong mối quan hệ, đây cũng có thể là một dấu hiệu.
Chẳng hạn, trước kia bạn đã từng tự tin vào khả năng xử lý tình huống của mình và giờ bạn bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của mình. Bạn thậm chí đặt câu hỏi liệu mình có phải là “vấn đề” trong mối quan hệ hay không.
Ví dụ: Bạn chia sẻ với đối phương về cảm giác của bạn khi họ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại. Nhưng họ nói rằng bạn cũng đã làm điều tương tự như vậy và rằng bạn luôn cố tình tạo ra những cuộc cãi vã. Bạn không nghĩ thực tế là như vậy, nhưng sau lần thứ ba nghe lý lẽ này, bạn tự hỏi liệu vấn đề có phải là do bạn không buông bỏ những điều nhỏ nhặt hay không. Có lẽ bạn chỉ cần “thư giãn” và tận hưởng buổi tối thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại.

3. Bạn cảm thấy tội lỗi

Một dấu hiệu phổ biến cho thấy ai đó có thể đang thao túng cảm xúc của bạn là bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ vì hành động theo một số cách nhất định trong mối quan hệ.
Ví dụ, bạn làm hai công việc cùng một lúc và hầu như không có thời gian cho bản thân. Vào ngày nghỉ đầu tiên sau nhiều tháng, bạn quyết định dành thời gian ở nhà, trong bộ đồ ngủ và tận hưởng bộ phim hay trên TV một mình.
Khi bạn chia sẻ trải nghiệm này với mẹ, thay vì nhận được sự hiểu thấu, bạn phát hiện ra rằng mẹ có vẻ buồn bã và bày tỏ sự không hài lòng vì bạn không ghé thăm bà ấy vào ngày nghỉ. Cảm giác tội lỗi bùng lên, và bạn dành cả ngày để giúp đỡ bà ấy trong ngôi nhà của bà.
Mặc dù tình huống này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nếu bạn liên tục phải đối mặt với cảm giác tội lỗi khi không thể nói hoặc làm theo ý muốn của mình.
Người thao túng thường thể hiện sự không hài lòng về hành động hoặc lời nói của bạn, đặc biệt khi bạn cố gắng thiết lập ranh giới. Khi đó, để làm cho người khác hạnh phúc và giảm bớt cảm giác tội lỗi, bạn có thể bị buộc phải nhượng bộ.

4. Ý thức về bản thân bị mờ nhạt

Ý thức về bản thân bắt đầu mờ nhạt dần là một biểu hiện phổ biến khi bạn thực hiện theo những yêu cầu, cả công khai và âm thầm, từ người khác về việc từ bỏ ý kiến và sở thích cá nhân của mình.
Chẳng hạn, trong mối quan hệ lãng mạn, một trong hai người có thể thuận theo lối sống và sở thích của đối phương để tránh xung đột. Đối phương có thể luôn tránh những hoạt động bạn yêu thích hoặc hạn chế thời gian gặp gỡ bạn bè và gia đình của bạn. Trong trường hợp bạn muốn dành thời gian với họ, bạn thường phải làm theo ý muốn của họ.
Trong mối quan hệ gia đình, có thể bạn cảm thấy khó để bộc lộ bản thân một cách trọn vẹn cũng như những lựa chọn cuộc sống, và bạn hành động khác đi khi ở gần họ.

5. Bạn như đang “bước đi trên những vỏ trứng”

Có lẽ bạn nghĩ nỗi sợ hãi là một cảm xúc hoặc phản ứng mãnh liệt trước một mối đe dọa. Nhưng nỗi sợ hãi cũng có thể biểu hiện dưới dạng sự do dự trước khi hành động hoặc nói điều gì đó nhằm tránh xung đột hoặc xích mích.
Bạn thậm chí không nhận thức được cảm giác này, chỉ đơn giản là bạn tự động tránh né các chủ đề hoặc hành động cụ thể. Một số người có thể sử dụng cơn giận như một cách thức thao túng, khiến người khác phải thay đổi hành vi hoặc lùi bước để tránh phản ứng tiêu cực.
Chẳng hạn, khi muốn tham gia tiệc sinh nhật của một người bạn nhưng lo rằng người yêu không thích người bạn đó, bạn phải suy nghĩ kỹ về quyết định của mình, và bạn đoán rằng người yêu sẽ không hài lòng nếu bạn tham gia bữa tiệc.

6. Bạn bắt đầu đặt câu hỏi về sức khỏe tinh thần của mình

Thao túng không chỉ tạo ra căng thẳng và lo lắng, mà còn khiến bạn cảm thấy bối rối và bất an về cảm xúc và hành vi của mình.
Có thể, bạn đã tự hỏi liệu phản ứng của mình có phải là triệu chứng của vấn đề sức khỏe tâm thần hay không, là một tình huống không khó xảy ra, đặc biệt là khi đối phương sử dụng các chiến thuật thao túng như gaslight (ai đó sử dụng thông tin bị bóp méo, không đúng sự thật khiến bạn lo lắng, bối rối dẫn đến nghi ngờ về suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình)
Ví dụ, khi cả hai đang thảo luận về kế hoạch du lịch tiếp theo, cô ấy đề cập đến thành phố Cancun (Mexico). Bạn nhắc cô ấy nhớ về lời phàn nàn trước đây và cô ta phủ nhận đã từng nói như vậy. Sự mâu thuẫn giữa những ký ức của bạn và đối phương khiến bạn bắt đầu tự đặt câu hỏi về trí nhớ và sức khỏe tinh thần của mình.
Khi bị gaslight liên tục, bạn có thể cảm thấy mất tự tin đến mức bắt đầu nghi ngờ về khả năng nhận thức và gợi nhớ lại sự kiện. Điều này có thể tạo ra sự bối rối và không an tâm, đặc biệt khi những tình huống này chỉ xuất hiện lúc bạn ở gần người nào đó.

Vậy làm thế nào để bảo vệ chính mình?

Nắm bắt các dấu hiệu của sự thao túng trong mối quan hệ là bước quan trọng để bảo vệ chính bản thân. Dưới đây là một cách mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ chính mình

1. Nhận biết cảm xúc của bạn khi bạn tương tác với ai đó

Chú ý đến cảm giác của bạn trong quá trình tương tác với họ. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, nghi ngờ về bản thân, hoặc trải qua các cảm xúc tiêu cực khác như sợ hãi hoặc tội lỗi, hãy cân nhắc dành thời gian riêng tư cho chính mình để có không gian suy ngẫm rõ ràng về tình huống.

2. Giữ cuộc trò chuyện theo đúng chủ đề

Người thao túng thường cố gắng chuyển hướng cuộc trò chuyện để kiểm soát tình huống. Điều này có thể khiến bạn mất tập trung khỏi vấn đề thực sự cần bàn luận. Hãy tiếp tục quay trở lại với chủ đề ban đầu để tránh việc bị dẫn dắt ra khỏi cuộc trò chuyện theo hướng không mong muốn.

3. Thiết lập ranh giới

Những ranh giới không rõ ràng trong các mối quan hệ có thể khiến việc thao túng dễ xảy ra hơn. Sẽ rất hữu ích nếu bạn xác định những ranh giới mà bạn muốn thiết lập trong mối quan hệ này và nỗ lực thực hiện chúng.
Nguồn: Psychcentral
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com