#LumosBox12 #MindCareConnection #Confession
Bạn kể:
Em chào các anh chị. Em năm nay là sinh viên năm 3 rồi và càng ngày em càng thấy tâm lý mình có vấn đề. Em rất hay cảm thấy hoảng loạn, nhàm chán với mọi thứ xung quanh. Em không thể nói chuyện với người khác lâu vì em chỉ nghe và không biết đáp lại, cảm thấy chán nản, và em cũng không thể chia sẻ rằng mình đang thực sự rất cô độc vì em luôn cảm thấy không ai thực sự lắng nghe mình cả. Em luôn có cảm giác em lắng nghe họ thì được còn mình thì không thể làm phiền đến ai, họ sẽ ghét mình.
Gần đây càng ngày em càng suy nghĩ tiêu cực, cứ nhắm mắt đi ngủ là em lại nghĩ về cái chết, hoặc những lúc em rảnh thời gian em cũng nghĩ tới. Em liên tục nghĩ làm cách nào để chết thanh thản nhất, vì hôm nào em cũng cảm thấy rất áp lực. Em cảm thấy em luôn sống cho người thân, và nếu em sống cho chính mình thì đổi lại họ sẽ buồn phiền vì em. Dần dà hiện tại dù cho có nghĩ nát óc em cũng không biết mình thích gì muốn gì nữa, chỉ sống để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành ước muốn gia đình.
Em mệt mỏi chán ăn, cảm thấy cuộc sống chẳng có gì tốt đẹp, nhưng trước mặt gia đình bạn bè vẫn phải cười tươi, về đêm hay những khi một mình thì em cảm thấy nghẹt thở bởi những suy nghĩ của chính mình, không khi nào thực sự vui vẻ trọn vẹn, em thực sự rất muốn giải thoát, nhưng lại nghĩ tới trách nhiệm mình phải mang không ai hoàn thành thì có chết cũng không thể thanh thản.
Em phải làm sao ạ?
====
Lumos Box hồi âm:
Xin chào em. Cảm ơn em đã chia sẻ với Lumos những khó khăn và mệt mỏi của mình. Qua những dòng thư của em, mình có thể phần nào hiểu được cảm giác mệt mỏi, chán nản cũng như cô đơn trước những áp lực em đang phải đối mặt. Hy vọng những dòng chia sẻ dưới đây có thể giúp em chia sẻ phần nào những cảm xúc này cũng như giúp em tìm được hướng giải quyết riêng cho mình nhé.
Qua những dòng thư của em, mình có thể thấy rằng em đang nhận thức rất rõ chất lượng sức khỏe tinh thần của em đang không tốt. Bên cạnh đó, em cũng là một người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Thái độ này thể hiện trong cả mối quan hệ của em với bạn bè, người thân, thậm chí cả trong suy nghĩ của em với chính sự sống (cái chết) của em. Hy vọng, qua những phản hồi sau đây, em có thể phần nào cải thiện được sức khoẻ tinh thần của bản thân nhé.
Đầu tiên, em có chia sẻ mình đang gặp những vấn đề trong tâm lý mà đang ảnh hưởng đến cả đời sống sinh hoạt và xã hội của em. Điển hình là việc em không cảm thấy được niềm vui trong cuộc sống, cảm giác vừa hoảng loạn và rối bời trong những suy nghĩ của bản thân nhưng bên cạnh đó cũng cảm thấy chán nản và đang gặp vấn đề kết nối với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, những vấn đề cũng đang ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của em bao gồm mất khẩu vị (chán ăn), khó ngủ, phải cố tỏ ra vui vẻ. Những biểu hiện trên cho thấy có thể em đang trải qua trạng thái kiệt sức do căng thẳng kéo dài. Thứ hai, những dấu hiệu tâm lý này kết hợp với thiên hướng hiện tại về trách nhiệm cũng như cảm giác ‘phiền’ tạo ra những rào cản cho em trong việc tìm sự hỗ trợ về mặt tinh thần, khiến cho em càng cô đơn, tự cảm thấy áp lực hơn và mong muốn được giải toả bằng cái chết.Cuối cùng em có chia sẻ rằng mình không thể nghĩ ra được bản thân thích gì và cảm thấy việc sống là để hoàn thành nghĩa vụ cho người khác. Lần lượt, lá thư này sẽ giúp em tìm hiểu mỗi khó khăn này nhé.
Đối với các tình trạng tinh thần và sinh hoạt em đã chia sẻ ở trên, có khả năng cao em đang phải bị căng thẳng và kiệt sức do chịu một áp lực lớn trong một thời gian dài.Trạng thái này thường xảy ra khi em phải làm việc dưới một cường độ lớn hoặc chịu đựng một áp lực lớn trong thời gian quá dài, dẫn tới những cảm xúc tiêu cực và suy giảm chức năng sinh hoạt hiệu quả trong đời sống hàng ngày. Vậy em hãy thử nghĩ xem tình trạng em miêu tả ở trong thư đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng bao lâu rồi? Bên cạnh yếu tố cá nhân, những sự kiện mang tính áp lực kéo dài (từ 2 đến 3 tháng) thường là yếu tố tác động trực tiếp đến các biểu hiện này. Từ 2 đến 3 tháng gần đây, em có đang trải nghiệm một số lượng, khối lượng hay tần suất công việc cao hơn bình thường không? Nếu những căng thẳng này không hiện ra rõ ràng trong em thì một cách khác để tiếp cận những lo lắng đang làm phiền mình là vào buổi tối, em hãy viết những suy nghĩ này ra một cách tự nhiên, không gò bó nhất có thể. Hoạt động sẽ vừa giúp em giải tỏa những khó khăn mình đang gặp phải, vừa cho phép tự nhận diện, sắp xếp lại các suy nghĩ, lo âu khiến em bận tâm. Tuy nhiên nếu em không nhận diện được một trải nghiệm áp lực nào cụ thể thì có thể thử một vài cách sau đây để cải thiện các khó khăn tinh thần hiện tại hoặc tìm đến dịch vụ tham vấn tâm lý để được hỗ trợ nhé.
Nhìn chung, để đối mặt và vượt qua được những giai đoạn căng thẳng trong cuộc sống, chúng ta cần, thứ nhất, hiểu và xác định được các yếu tố trong cuộc sống đang gây ra căng thẳng và thứ hai, xây dựng một lối sống phù hợp để cho chúng ta đối mặt với căng thẳng. Qua những câu hỏi trên, hy vọng em đã có thể hiểu rõ những sự kiện nào trong cuộc sống đang tạo ra căng thẳng cho mình. Ngoài ra, mình cũng muốn đưa cho em một vài gợi ý sau đây để có thể bắt đầu xây dựng một lối sống phù hợp để giúp em ứng phó với căng thẳng nhé. Về mặt này, em có thể bắt đầu chú ý đến bốn yếu tố chính là giấc ngủ – dinh dưỡng – thể dục – thư giãn. Đây là những yếu tố được nhắc đi nhắc lại là quan trọng đối với sức khỏe tinh thân nhưng ít người chú ý tới vì chúng thường tạo ra sự khác biệt rõ rệt nhất khi một người phải đối mặt với những áp lực về tinh thần.
Đầu tiên là về giấc ngủ, em cần duy trì một giấc ngủ từ 6-8 tiếng một ngày tùy vào nhu cầu cá nhân của em. Việc thiếu ngủ sẽ khiến em mệt mỏi về thể chất và trở nên dễ bị tác động bởi các yếu tố gây căng thẳng [stressors] ngoài môi trường. Đây là yếu tố cơ bản mà em nên đảm bảo để có được chất lượng tinh thần ổn định và năng lượng để hoạt động hiệu quả. Thứ hai là về dinh dưỡng, em cần tránh ăn những thức ăn có nhiều mỡ và các chất kích thích gần giờ đi ngủ (ví dụ: caffeine trong cà phê hoặc ethanol trong rượu bia). Việc này sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ và khiến em mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Tiếp theo là tập thể dục. Trong thời kỳ giãn cách xã hội như thế này, đúng là sẽ khó khăn hơn để tìm được hoạt động thể chất phù hợp. Tuy nhiên, các nguồn lực miễn phí trên mạng (YouTube chẳng hạn) sẽ cho phép em thử những hoạt động mới với chỉ 10-15 phút mỗi ngày. Khi nào không ngủ được, hãy thử tìm các video nhỏ thử thách bản thân như xoạc thẳng trong vòng 30 ngày chẳng hạn. Đây sẽ là cách gián tiếp để giải toả tâm trí của em và cho phép em thêm một hoạt động thể chất vào trong ngày của mình. Cuối cùng là hoạt động thư giãn. Sự vắng mặt của một hoạt động thư giãn hiệu quả và phù hợp có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ về cái chết của em. Hiện tại trong một ngày hay một tuần, em đang dành bao nhiêu phần trăm thời gian cho việc thư giãn và nghỉ ngơi, những hoạt động em làm trong thời gian đó là gì? Nếu không nghĩ ra được câu trả lời cho câu hỏi này, em hãy dành khoảng 10 phút để nghĩ và viết ra một trải nghiệm gần đây nhất mà em có thể nhớ được làm cho em cảm thấy vui và thoải mái. Nếu bây giờ em muốn làm việc hay đi đến nơi thư giãn đó thì sẽ gặp phải những cản trở hay khó khăn gì để thực hiện? Nếu em gặp khó khăn trong việc trả lời hai câu hỏi trên thì có khả năng cái chết xuất hiện trong tâm trí em như một sự giải thoát cho những gánh nặng mà em đang phải đối mặt. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và tìm hiểu xem những hoạt động đem lại niềm vui cho em là gì hay thậm chí có việc gì đem lại cảm giác hứng thú mà em muốn thử không và dành thời gian bắt đầu nó nhé.
Đúng là trong thời kỳ sinh viên, để duy trì được một lối sống hiệu quả không phải ai cũng làm được.Tuy nhiên trong những lúc em đang gặp phải những sự mệt mỏi về tinh thần thì nên ưu tiên đảm bảo ít nhất hai trong những yếu tố trên để đảm bảo chất lượng sức khỏe tinh thần nhé. Nếu việc thay đổi những lối sống khó khăn với em hay nếu suy nghĩ về cái chết vẫn còn tiếp tục với tần suất và cường độ cao hơn, hãy liên hệ với trung tâm tâm lý gần nhất để được hỗ trợ em nhé.
Yếu tố thứ hai, em có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi chất lượng sức khỏe tinh thần là sự mất kết nối với môi trường xã hội xung quanh, khiến cho khó khăn tâm lý của em khó được giải toả. Sự mất kết nối này đang diễn ra từ hai phía: em không thể phản hồi với những chia sẻ của người khác và em cũng không thể chia sẻ với ai vì sợ phiền người khác.
Nhu cầu xã hội là một nhu cầu đóng vai trò khá quan trọng trong việc duy trì một chất lượng sức khỏe tinh thần ổn định với mỗi người. Tuy với mỗi người, nhu cầu này có thể nhiều hoặc ít nhưng việc thiếu vắng nó trong nhiều trường hợp sẽ là ‘giọt nước tràn ly’ làm tăng các vấn đề tâm lý đang hiện hữu.
Việc em không có khả năng phản hồi như hiện tại đã diễn ra bao lâu rồi? Em có luôn là một người như vậy không hay chỉ thời gian này em mới nhận thấy mình đang có những biểu hiện như vậy?
Nếu mới chỉ gần đây thì việc này là hoàn toàn bình thường nhé. Với những áp lực và khó khăn em đang trải qua, việc tiếp nhận và phản hồi với những chia sẻ của người khác là việc rất khó. Giống như khi mình có một cái chân đau thì rất khó để bảo họ rằng đừng đau nữa mà hãy chú ý đến nỗi đau của người đối diện. Nếu mới chỉ là gần đây, điều này có thể là do đang chịu quá nhiều áp lực về mặt tâm lý khiến cho bản thân em không thể nghĩ về hay chia sẻ với những người bạn xung quanh em. Còn nếu em cảm thấy mình luôn là một người gặp khó khăn trong việc phản hồi với những lo lắng của người khác thì em có thể tham khảo bài viết về kỹ năng giao tiếp cơ bản hoặc kỹ năng lắng nghe thấu cảm này nhé.
Mặt khác, khi đề cập đến những nhu cầu của bản thân, em thường đề cập đến cảm giác phiền. Đã bao giờ em thử chia sẻ vấn đề với bạn mình và nhận lại được những phản hồi hay biểu hiện khiến mình cảm thấy mình đang làm phiền người khác chưa? Em nghĩ sự chia sẻ của mình có thể gây phiền cho người khác như thế nào? Hãy thử tưởng tượng nếu bạn em có thể cũng đang trải qua những khó khăn riêng nhưng cũng tự cảm thấy phiền phức và không chia sẻ, khiến cho sức khỏe tinh thần đi xuống thì em sẽ cảm thấy như thế nào? Việc không hiểu rõ những áp lực hay khó khăn của bản thân đôi khi cũng là một rào cản với việc bắt đầu chia sẻ đó em. Nếu như em có nhu cầu chia sẻ nhưng khi bắt đầu lại không biết nói gì hay bắt đầu từ đầu thì đôi khi việc thực hành những phương pháp ở trên để hiểu rõ những khó khăn của mình có thể tiền đề tốt để em tìm kiếm và yêu cầu sự hỗ trợ cần thiết em nhé.
Cuối cùng, em có nhắc đến từ trách nhiệm trong mối quan hệ với gia đình và cũng trong mối quan hệ của em với cái chết (có thể biểu tượng của sự nghỉ ngơi). Đối với em, trách nhiệm mà bản thân mình đang phải chịu này là gì? Nếu bản thân em tạm thời gác chúng qua một bên hay ngừng tiếp nhận những trách nhiệm này thì sẽ có chuyện gì xảy ra? Có dấu hiệu về ngôn ngữ hay hành động nào tự người khác (gia đình hoặc người ngoài) khiến em tin rằng em phải thực hiện những trách nhiệm này không?Có thể sau khi trả lời được những câu hỏi này, em sẽ tự nhận ra được rằng không phải tất cả những trách nhiệm em đang đặt lên mình đều là bắt buộc hoặc thực sự được yêu cầu từ người khác. Vì vậy, việc nhận diện được những trách nhiệm có thể giúp em hiểu và tìm cách giảm những áp lực này lên bản thân đó.
Ngoài ra, em cũng nói việc em đang thực hiện những trách nhiệm này có liên quan đến việc em không biết mình thích gì. Em có luôn biết mình muốn gì không hay đơn giản là gần đây em mới nghĩ tới việc này? Việc em nhận thức được ‘em không biết mình muốn gì’ có phải là hệ quả mất đi (em không còn biết mình muốn gì) hay em chưa thực sự nghĩ xem mình muốn gì? Đối bất cứ đáp án nào trong câu hỏi trên thì việc em không rõ mình muốn gì là điều bình thường bởi lẽ đây là thời kỳ cho phép em khám phá thêm về những sở thích mới hoặc đang thay đổi của bản thân. Nhiều người lầm tưởng rằng một câu hỏi đơn giản, như ‘tôi thích gì’, sẽ đi kèm với một đáp án đơn giản. Tuy nhiên sự thực thì đây là câu hỏi nhiều người phải dành cả đời để trả lời.
Em mới chỉ có năm 3 đại học thôi mà. Đây là thời gian để em khám phá và trải nghiệm cuộc sống để tìm kiếm đáp án cho mình. Hãy kiên nhẫn và đừng ép bản thân phải nghĩa ra một sở thích nào đó chỉ để trả lời một câu hỏi. Hãy bắt đầu nhỏ thôi. Sáng mai khi tỉnh dậy, em thích ăn gì? Nếu ngày mai được nghỉ, em thích làm gì? Thậm chí ta có thể dùng phương pháp loại trừ (em không thích làm gì) rồi, dần dà câu trả lời sẽ tới thôi! Vì vậy, nếu có thể, hãy tạm gác lại những trách nhiệm của bản thân đối với người khác và dành thời gian cho thấu hiểu, chăm sóc và nhận trách nhiệm với bản thân mình một chút nhé.
Ngoài ra, nếu em muốn thử khám phá và thấu hiểu bản thân, bài viết này cũng như công cụ trắc nghiệm tính cách có thể cho em bắt đầu. Bên cạnh đó, các dịch vụ Tư vấn hướng nghiệp như Mindcare và Sông An cũng có những chuyên gia có thể đồng hành và hỗ trợ em trong hành trình này nhé.
Qua lá thư của em, mình có thể thấy được em là một người có trách nhiệm và có độ nhạy cảm nhất định với bản thân. Mặc dù em đang trải qua một vài khó khăn trong các khía cạnh về bản thân và các mối quan hệ xã hội, nhưng mình tin em rằng em sẽ vượt qua được những khó khăn này với cá tính của mình. Hãy coi những trải nghiệm này là những thử thách và bài học của em về chính bản thân mình nhé. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ có thể hỗ trợ em phần nào trong việc vượt qua những thử thách này. Tuy nhiên hãy lắng nghe bản thân, nếu những cảm xúc trên của em đã kéo dài và còn tiếp tục kéo dài hoặc em cảm thấy cần hỗ trợ để bắt đầu thử nghiệm những phương án trong thư, hãy tìm đến cơ sở tâm lý gần nhất em nhé. Hãy nhớ những nguồn lực luôn ở đó, chỉ cần em tìm đến, chúng sẽ có thể hỗ trợ và tiếp sức cho em. Chúc em có một năm học cuối nhiều trải nghiệm đáng nhớ!
Ad. Snape
========