Stress là một phản ứng thể chất và tinh thần hoàn toàn tự nhiên trước những trải nghiệm trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều trải qua giai đoạn stress hết lần này đến lần khác. Từ những trách nhiệm thường ngày như công việc và gia đình cho đến những sự kiện mang tính chất nghiêm trọng như một chẩn đoán gần đây, chiến tranh, hay sự mất mát của một người thân, bất cứ điều gì cũng đều có thể gây ra stress.
Đối với những tình huống diễn ra tức thời và ngắn hạn, stress có thể có ích cho sức khỏe bằng cách giúp chúng ta đối phó với những tình huống nguy hiểm tiềm tàng. Cơ thể của chúng ta phản ứng lại stress bằng cách tiết ra các hormone làm tăng nhịp tim, nhịp thở và tạo điều kiện để các cơ bắp dễ dàng phản ứng.
Tuy nhiên, nếu cơ chế phản ứng trước stress không dừng lại, stress nặng hơn và kéo dài hơn mức cần thiết, thì stress có thể gây hại tới sức khỏe. Stress cấp tính có thể gây ra nhiều triệu chứng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Các triệu chứng của stress cấp tính có thể kể đến:
– Khó chịu
– Lo âu
– Trầm cảm
– Đau đầu
– Mất ngủ
1. Đối với hệ thần kinh trung ương và nội tiết
Hệ thần kinh trung ương của chúng ta chịu trách nhiệm cho phản ứng “chiến-hay-biến” (tiếng Anh: “fight-or-flight”). Trong não bộ, vùng dưới đồi bắt đầu ra lệnh cho tuyến thượng thận tiết ra các loại hormone stress như adrenaline và cortisol. Các hormone này làm tăng nhịp tim và đẩy máu lưu thông nhanh về các khu vực cần máu nhất trong một tình huống nguy cấp, chẳng hạn như cơ bắp, tim, và các cơ quan khác.
Khi nỗi sợ đã qua đi, vùng dưới đồi ra lệnh cho tất cả các hệ quay về trạng thái ban đầu. Nếu hệ thần kinh trung ương không thể quay về trạng thái bình thường trở lại, hoặc nếu tác nhân gây stress chưa biến mất, phản ứng vẫn sẽ được tiếp tục.
Stress cấp tính cũng là một tác nhân gây ra các hành vi như ăn uống quá độ hay không ăn uống đủ, lạm dụng đồ uống có cồn hoặc ma túy, và sự cô lập khỏi xã hội.
2. Đối với hệ hô hấp và tuần hoàn
Các hormone stress cũng tác động tiêu cực đến hệ hô hấp và tuần hoàn: trong lúc phản ứng với stress, chúng ta thở gấp hơn bình thường nhằm nhanh chóng đưa máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Nếu bạn đang có vấn đề về hô hấp như chứng khó thở và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, stress có thể khiến cho việc thở trở nên khó khăn gấp bội.
Dưới tác động của stress, tim cũng đập nhanh hơn bình thường. Các hormone stress có thể làm co thắt các mạch máu và đưa nhiều oxy hơn tới các cơ bắp, do đó bạn sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng để bắt tay vào hành động. Nhưng điều này cũng đồng thời làm tăng huyết áp.
Kết quả là, stress thường xuyên hoặc cấp tính sẽ khiến tim phải làm việc cật lực hơn trong thời gian dài. Khi huyết áp tăng lên, nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim cũng nhiều hơn.
3. Đối với hệ tiêu hóa
Khi bị stress, gan sản sinh ra lượng đường trong máu (glucoze) dư thừa để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Nếu bạn đang bị stress cấp tính, cơ thể bạn có thể sẽ không xử lý kịp lượng glucoze dư thừa này. Stress cấp tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Quá trình tiết nhanh hormone, thở gấp, và tim đập nhanh cũng có thể tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Bạn có nhiều khả năng sẽ bị chứng ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày do sự tăng nhanh của axit trong dạ dày. Tuy stress không trực tiếp gây ra viêm loét dạ dày (thường do một loại vi khuẩn có tên H. Pylori gây ra), nhưng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày và khiến bệnh viêm loét dạ dày có sẵn trở nên trầm trọng hơn.
Stress cũng có thể ảnh hưởng tới cách thức ăn di chuyển trong cơ thể, gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Bạn cũng có thể bị nôn mửa hoặc đau bụng.
4. Đối với hệ cơ
Các cơ bắp sẽ căng ra để tự bảo vệ chúng khỏi chấn thương khi bạn bị stress. Chúng có xu hướng sẽ giãn trở lại khi bạn thả lỏng, nhưng nếu bạn thường xuyên bị stress, các cơ bắp sẽ không có cơ hội được thư giãn. Căng cơ gây ra các hiện tượng như đau đầu, đau lưng, đau vai gáy và đau toàn thân. Qua thời gian, điều này có thể dẫn đến một lối sống không lành mạnh khi bạn ngừng tập thể dục và sử dụng thuốc giảm đau.
5. Đối với tình dục và hệ sinh dục
Stress khiến cho cả cơ thể và tâm trí đều mệt mỏi. Không lạ gì nếu bạn cảm thấy mất dần ham muốn tình dục khi bạn thường xuyên bị stress. Dù stress ngắn hạn có thể giúp nam giới sản sinh ra nhiều hormone nam tính testosterone hơn, nhưng tác dụng này cũng không kéo dài bao lâu.
Khi stress tiếp tục kéo dài, nồng độ testosterone của nam giới sẽ bắt đầu giảm. Điều này có thể cản trở quá trình sinh tinh và gây ra rối loạn cương dương hay yếu sinh lý. Stress cấp tính cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đối với cơ quan sinh dục của nam giới như tuyến tiền liệt hay tinh hoàn.
Đối với phụ nữ, stress có thể làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây ra cảm giác đau đớn, nặng nề khi đến ngày hoặc có kinh nguyệt bất thường.
6. Đối với hệ miễn dịch
Trong những tình huống tức thời, stress có tác dụng kích thích hệ miễn dịch. Sự kích thích này giúp bạn tránh nhiễm trùng và làm vết thương chóng lành. Nhưng nếu kéo dài, các hormone stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và giảm phản ứng của cơ thể trước những vi khuẩn từ bên ngoài. Nếu bị stress cấp tính, bạn dễ bị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như cảm cúm và cảm lạnh thông thường, cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Stress còn có thể làm kéo dài thời gian phục hồi sau một căn bệnh hay một chấn thương.
Lược dịch từ: https://www.healthline.com/health/stress/effects-on-body#
———-
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
———-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/
———–