Bạn đã từng nghe những câu kiểu như: “Em đang nhạy cảm quá rồi đấy!”, “Là em tưởng tượng ra mà thôi” hay: “Em bị điên à, anh có làm thế bao giờ đâu?” từ người thân rất nhiều lần chưa? Đã bao giờ bạn từng chất vấn bản thân, tự hỏi rằng liệu đâu mới là sự thật, liệu bạn có đang mất trí không? Nếu câu trả lời là có thì rất có thể bạn đang bị “gaslight”.
Thuật ngữ gaslight (nghĩa đen: “Thắp sáng đèn ga”) đến từ vở kịch Gas Light (1983) nói về hành vi bạo hành tâm lý có hệ thống của nhân vật Jack Manningham lên vợ ông là Bella Manningham. Jack dùng đèn ga để tìm báu vật ở gác xép, nhưng khi người vợ nhận ra đèn đang mờ đi và bàn với chồng về chuyện đó thì ông phủ nhận và bảo rằng đấy chỉ là do bà tưởng tượng ra. Đây là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả vì nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, bản năng và sự tỉnh táo của mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát nạn nhân. Một khi nạn nhân đã mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân mình thì họ sẽ khó mà rời bỏ người bạo hành hơn.
Để tránh bị bạo hành tâm lý bởi gaslight, bạn nên tìm hiểu những dấu hiệu của gaslighting để nhận ra khi nào người thân đang tìm cách điều khiển bạn.
Theo như tiến sĩ phân tâm học Robin Stern, những dấu hiệu của nạn nhân gaslighting bao gồm:
– Bạn liên tục tự ngờ vực, chất vấn bản thân;
– Trong một ngày, bạn phải nhiều lần tự hỏi rằng liệu mình có quá nhạy cảm;
– Bạn thường xuyên cảm thấy hoang mang và tưởng như mình đang hóa điên;
– Bạn thường xuyên phải xin lỗi người yêu/vợ/chồng của bạn;
– Bạn cứ liên tục tự hỏi rằng tại sao rõ ràng bạn đang được đối đãi rất tốt mà bạn vẫn không cảm thấy hạnh phúc;
– Bạn giấu diếm thông tin với gia đình và bạn bè để không phải giải thích hoặc viện lý do;
– Bạn tìm cách để bao che, viện cớ cho người yêu/vợ/chồng của bạn với gia đình và bạn bè;
– Bạn bắt đầu nói dối để không phải bị lăng mạ, hoặc vì bạn không muốn thấy người kia tìm cách bẻ cong thực tế nữa;
– Việc tự quyết định cho bản thân, kể cả với những chuyện đơn giản, ngày càng trở nên khó khăn với bạn;
– Bạn cảm thấy rằng bạn đã từng là một con người rất khác: tự tin hơn, vui vẻ hơn và thoải mái hơn;
– Bạn có thể nhận thấy rằng có điều gì đó không ổn nhưng bạn không thể giải thích được điều đó, kể cả với chính mình;
– Bạn không tìm thấy niềm vui nữa và cảm thấy vô vọng;
– Bạn cứ luôn tự hỏi rằng liệu mình có phải là một người yêu/vợ/chồng tốt;
– Bạn cảm thấy rằng bạn làm việc gì cũng không xong;
…
Nguồn: whiteheathervn.com
——————————————
P/s: Bạn đã bao giờ nhận thấy những dấu hiệu trên ở người yêu của bạn hay ở chính bạn không? Nếu có, thì bây giờ là lúc bạn cần nhìn nhận lại tất cả về mối quan hệ hiện tại của mình. Và những biện pháp để chống lại sự thao túng bởi gaslight sẽ xuất hiện trong bài sau, mời các bạn đón đọc tại MindCare nhé!
#tham_vấn_tâm_lý
#gaslight
#thao_túng_tinh_thần
#mối_quan_hệ_độc_hại
#nghi_ngờ_bản_thân
#MindCare
#KNG