Bạn có phải trải qua một tuổi thơ bị lạm dụng hay ngược đãi, và bây giờ khi đã trưởng thành, bạn vẫn đang cố gắng chữa lành và bước qua sang chấn thời thơ ấu đó?
Có một tuổi thơ bị lạm dụng hoặc ngược đãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của một người, và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của người đó khi trưởng thành.
Dưới đây là 7 cách giúp bạn có thể chữa lành những tổn thương của thời thơ ấu:
1. Thay đổi cách nhìn nhận và thái độ
Nhìn lại tuổi thơ không mấy vui vẻ của mình sẽ khiến bạn luôn có xu hướng mang tâm thế của một nạn nhân với những cảm giác bất lực. Việc này có thể khiến bạn cảm thấy không được yêu thương và không được chào đón. Những suy nghĩ và cảm giác này có thể trói chặt bạn trong một vòng luẩn quẩn luôn có nguy cơ bị lạm dụng tâm lý và tinh thần liên tục.
Thay nghiền ngẫm những trải nghiệm tiêu cực và sống trong cảm giác bất lực, hãy nghĩ về tất cả những lần bạn đã mạnh mẽ và dũng cảm như thế nào để bảo vệ mình và bước qua những điều đã làm bạn đau đớn mới có thể vững vàng như ngày hôm nay. Khoảnh khắc bạn bắt đầu với suy nghĩ ấy, ngừng nghĩ mình là một nạn nhân là lúc bạn có thể phát huy sức mạnh của chính mình.
2. Ngừng cảm giác xấu hổ và tự đổ lỗi cho bản thân
Xấu hổ là một trong những cảm giác độc hại nhất mà bạn phải trải qua khi bị sang chấn thời thơ ấu. Và có lẽ, một trong những khó khăn nhất là giải tỏa. Đôi khi, nó là một thứ vĩnh viễn mà bạn sống cùng, và đôi khi nó thậm chí còn tấn công bạn.
Cảm giác xấu hổ hay tự đổ lỗi cho bản thân khiến bạn luôn đặt ra câu hỏi về giá trị của chính mình, nó giống như một căn bệnh ung thư của tinh thần, vì nó mang đến cho bạn cảm giác rằng bạn không xứng đáng có được niềm vui hay tình yêu thương của ai đó.
Lưu ý rằng, khi bạn cố gắng buông bỏ sự xấu hổ về bản thân, hãy chắc chắn rằng bạn không chuyển những cảm xúc đó thành sự đổ lỗi (cho chính bạn hay những người liên quan như bố mẹ, người thân, bạn bè…). Chấp nhận những gì đã xảy ra và chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, cả những sai lầm của bố mẹ đã gây ra cho bạn. Đổ lỗi có thể đầu độc tâm trí của bạn và làm cho bạn tức giận, hận thù và phá hủy tinh thần của bạn.
Hiện tại, bạn đã trưởng thành và bạn hoàn toàn có thể tạo lập cuộc sống của mình theo cách mà bạn mong muốn.
3. Đừng để sự hối hận, nuối tiếc thống trị bạn
Một trong những nhược điểm của việc buông bỏ cảm giác xấu hổ và tự đổ lỗi là cho phép sự nuối tiếc, hối hận điều khiển tâm trí, cơ thể và tinh thần của bạn. Và cảm giác hối hận cũng có thể hủy hoại tinh thần của bạn.
Nhìn nhận những gì bạn đã học được và giúp bạn trưởng thành có thể khiến bạn ngừng những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực.
4. Không kìm nén cảm xúc của bạn
Phần lớn những điều tiêu cực chúng ta nghĩ và cảm nhận là kết quả của rất nhiều tổn thương sâu được tích tụ từ khi chúng ta còn nhỏ. Bây giờ bạn đã trưởng thành hơn, đã đến lúc giải quyết những cảm xúc đang ẩn sâu trong bạn, quan sát, suy nghĩ về chúng để cảm xúc và hiểu bản thân mình hơn thay vì chối bỏ hay kìm nén chúng.
Bạn có thể lôi những cảm xúc ngầm ẩn ấy lên bằng cách nói chuyện với một nhà tham vấn trị liệu tâm lý, nói với bạn bè, viết nhật kí hoặc thông qua những sở thích của bạn.
5. Luôn nhớ rằng cần tôn trọng bản thân
Ngừng nói với bản thân rằng bạn không xứng đáng được tôn trọng. Điều tồi tệ nhất khi trải qua sang chấn thương hình thành suy nghĩ bạn không đủ tốt, hoặc bạn không xứng đáng được tôn trọng. Ngừng suy nghĩ rằng bạn xứng đáng bị mọi người đối xử tệ.
Nếu bạn cảm thấy rất khó khăn để thoát khỏi những suy nghĩ tự phê bình như vậy, thì hãy dành một chút thời gian để nhìn vào những người khác đã trải qua sang chấn giống bạn. Sau đó tự đặt câu hỏi “bạn có tin rằng họ xứng đáng được tôn trọng?”. Nếu câu trả lời là “có”, vì thì bạn cũng xứng đáng được tôn trọng giống họ.
6. Trân trọng các mối quan hệ quan trọng
Điều này nghe có vẻ hơi sáo rỗng hoặc nhảm nhí, nhưng khi nói đến việc vượt qua sang chấn, thì các mối quan hệ thân thiết là động lực và tác nhân chữa lành tốt nhất cho chính người đó.
Sẽ thật khó khăn để chấp nhận sự thật rằng những nỗi đau, sự tổn thương trong bạn lại được gây ra từ chính cha mẹ và người thân trong gia đình bạn. Nhưng dù vậy, bạn vẫn muốn được tình yêu, sự thấu hiểu và hỗ trợ từ họ. Vì vậy, chăm sóc các mối quan hệ thân thiết của mình sẽ giúp bạn cảm thấy rằng bạn luôn có nơi để thuộc về và cho dù thế nào, bạn không cô đơn.
7. Trở thành huấn luyện viên và người cổ vũ của chính bạn
Một trong những điều không thể phủ nhận đó là dù mọi thứ đã rất tồi tệ đối với bạn trong quá khứ nhưng bạn đã và đang từng bước vượt qua và tìm hướng đi cho mình, bạn đang tiếp tục phát triển.
Phục hồi từ một thời thơ ấu tiêu cực và đau khổ sẽ cần rất nhiều sức mạnh cảm xúc và tinh thần. Tuy nhiên, bằng cách chấp nhận tất cả các cảm xúc mà bạn có và giải quyết chúng, bạn đang tiến một bước tới sự chấp nhận toàn bộ con người mình, đồng thời việc này cũng giúp bạn tăng thêm khả năng đồng cảm với người khác nếu họ cũng đang trong tình huống đau khổ. Vì vậy, đừng để mình bị mắc kẹt trong quá khứ đau khổ; thay vào đó, tập trung vào hiện tại và tương lai đang chờ bạn phía trước.
Lược dịch từ: https://themindsjournal.com/growing-through-trauma-how-t…/2/
Ảnh: Internet
——————-
#Sangchantamly #trainghiemtuoithotieucuc
#Childhoodtrauma
#Chualanh
#Thamvantrilieutamly