Nếu bạn trả lời là ‘CÓ’ cho bất kỳ triệu chứng nào sau đây, rất có thể bạn đang rơi vào những giai đoạn của trầm cảm ở một mức độ nào đó:
☞ Kém tập trung;
☞ Cảm giác tội lỗi quá mức và luôn hạ thấp giá trị của bản thân;
☞ Vô vọng khi suy nghĩ về tương lai;
☞ Tần suất suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử trong bạn quá nhiều;
☞ Bạn không thể ngủ ngon giấc và thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ;
☞ Khẩu vị và cân nặng thay đổi thất thường;
☞ Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc luôn trong tình trạng thiếu năng lượng.
Rối loạn trầm cảm (hay còn gọi là trầm cảm), là thuật ngữ chỉ chứng rối loạn tâm thần phổ biến.
Trong giai đoạn trầm cảm, họ sẽ trải qua những tâm trạng chán nản, cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng. Họ có thể cảm thấy mất niềm vui hoặc hứng thú với các hoạt động. Giai đoạn trầm cảm khác với những biến động tâm trạng thông thường. Chúng kéo dài gần như cả ngày, gần như hàng ngày, trong ít nhất hai tuần.
Giai đoạn trầm cảm có thể được phân loại thành nhẹ, trung bình hoặc nặng tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như tác động lên hoạt động chức năng của cá nhân. Có nhiều dạng giai đoạn trầm cảm khác nhau bao gồm:
- Rối loạn trầm cảm một giai đoạn, nghĩa là giai đoạn đầu tiên và duy nhất của một người;
- Rối loạn trầm cảm tái phát, nghĩa là người đó có tiền sử ít nhất hai giai đoạn trầm cảm;
- Rối loạn lưỡng cực: Các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn triệu chứng hưng cảm (bao gồm hưng phấn hoặc khó chịu), tăng đột biến năng lượng được sử dụng để hoạt động, tăng khả năng nói, suy nghĩ nhanh, lòng tự tôn tăng cao, mất ngủ, mất tập trung, dễ bốc đồng, liều lĩnh….
Trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai. Những người từng trải qua sự lạm dụng, mất mát nghiêm trọng hoặc các sự kiện căng thẳng khác có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.
NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU KHIẾN BẠN BỊ CUỐN VÀO ‘KHÔNG GIAN CỦA SỰ TRẦM CẢM’?
Nguyên nhân có thể khác nhau rất nhiều giữa những người khác nhau.
Trầm cảm có thể đến từ 01 nguyên nhân cụ thể hoặc nhiều nguyên nhân cộng hưởng gây ra chứng trầm cảm. Hoặc, ở một số người, họ trở nên trầm cảm mà không có nguyên nhân nào đặc biệt hay rõ ràng.
Nguyên nhân 01: Trải nghiệm tuổi thơ.
Nghiên cứu cho thấy rằng trải qua những trải nghiệm khó khăn thời thơ ấu có thể khiến bạn dễ bị trầm cảm hơn trong tương lai. Chúng có thể bao gồm những trải nghiệm như:
⤳ Bị lạm dụng thể chất, tình dục hoặc cảm xúc
⤳ Mất đi một người thân thiết
⤳ Trải nghiệm những sự kiện đau thương
⤳ Hoàn cảnh gia đình bất ổn
Nguyên nhân 02: Sự kiện trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Một số người trong chúng ta có thể bị trầm cảm sau khi trải qua một những điều không mong muốn, ngoài tầm kiểm soát của bản thân, căng thẳng kéo dài hoặc những sự việc tổn thương đến cảm xúc. Có nhiều loại sự việc khác nhau có thể gây ra trầm cảm, nhưng ở đây một số ví dụ phổ biến bao gồm:
⤳ Mất việc hoặc gặp vấn đề về tiền bạc
⤳ Vấn đề về mối quan hệ hoặc sự kết thúc của một mối quan hệ
⤳ Tang chế
⤳ Những thay đổi lớn trong cuộc sống, như thay đổi công việc, chuyển nhà hoặc kết hôn
⤳ Bị tấn công về thể chất hoặc tình dục
⤳ Bị bắt nạt hoặc lạm dụng, bao gồm cả việc bị phân biệt chủng tộc
Nguyên nhân 03: Lối suy nghĩ/tư duy
Những người trong chúng ta có những bản chất suy nghĩ khiến cho bản thân dễ rơi vào bị trầm cảm hơn.
Chẳng hạn, nếu chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về những sự kiện tiêu cực, hoặc luôn nghĩ đi nghĩ lại về cùng một sự kiện tiêu cực.
Nếu bạn đang phải trải qua những bản chất suy nghĩ tiêu cực như thế, có nhiều phương pháp để giúp bản có thể thoát khỏi những tình trạng này. Ví dụ, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp bạn nhận ra bản thân đang bị cuốn vào những kiểu suy nghĩ tiêu cực để từ đó nó có thể giúp bạn tìm cách để đối phó và thoát khỏi những ‘guồng’ suy nghĩ tiêu cực đang cuốn bạn vào trầm cảm.
Nguyên nhân 04: Bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tâm thần khác
Nếu bạn gặp một vấn đề sức khỏe tâm thần khác, bạn cũng có thể bị trầm cảm. Điều này có thể là do việc đối phó với các triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tâm thần khác có thể gây ra trầm cảm. Bạn có thể dễ bị trầm cảm hơn nếu bạn cũng gặp phải những rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
Nguyên nhân 05: Sức khỏe thể chất
Sức khỏe thể chất kém có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Nhiều vấn đề sức khỏe có thể khó kiểm soát và điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Chúng có thể bao gồm:
⤳ Các vấn đề sức khỏe thể chất mãn tính hoặc lâu dài
⤳ Các vấn đề về sức khỏe thể chất gây đau đớn hoặc khó chịu liên tục
⤳ Những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thân thể
⤳ Các vấn đề sức khỏe thể chất làm thay đổi đáng kể lối sống của bạn
Ngoài ra còn có một số vấn đề sức khỏe thể chất có thể gây trầm cảm:
⤳ Các tình trạng ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh
⤳ Các vấn đề về nội tiết tố, đặc biệt là các vấn đề về tuyến giáp và tuyến cận giáp
⤳ Thay đổi hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh
⤳ Các vấn đề về giấc ngủ
Nguyên nhân 06: Lịch sử gia đình
Tuy chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trầm cảm được di truyền bởi gen, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trong gia đình bạn có một thành viên thân thiết bị trầm cảm thì bản thân bạn cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.
Điều này có thể được gây ra bởi cơ chế sinh học của chúng ta. Nhưng cũng có thể là do chúng ta thường học cách cư xử và hành vi từ những người xung quanh khi lớn lên. Vậy nên có khả năng là cả gen và môi trường trưởng thành đều có thể ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến việc chúng ta có bị trầm cảm hay không.
Nguyên nhân 07: Thuốc
Trầm cảm có thể đến từ tác dụng phụ của nhiều loại thuốc.
Để biết liệu thuốc bạn sử dụng có tác dụng phụ gây ra trầm cảm hay không, bạn nên đọc kĩ tờ thông tin bệnh nhân (PIL) có trong gói thuốc. Hoặc bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào.
Nguyên nhân 08: Chất kích thích và đồ uống có cồn
Chất kích thích và đồ uống có cồn đều có thể góp phần gây ra trầm cảm. Một số người trong chúng ta có thể sử dụng chúng để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn hoặc khiến bản thân mất tập trung. Nhưng chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn về lâu dài.
Nguyên nhân 09: Giấc ngủ, chế độ ăn uống và tập thể dục
Một số người trong chúng ta có thể gặp khó khăn với việc ngủ, vận động hoặc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Và nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng và lối sống của chúng ta.
Những điều này không có khả năng tự gây ra trầm cảm cho bản thân, nhưng chúng có thể trở thành chất xúc tác khiến cho những triệu chứng trầm cảm hoặc sức khỏe tinh thần của chúng ta bị ảnh hưởng tiêu cực hơn trước đó.
TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CHỨNG TRẦM CẢM CỦA BẢN THÂN KHÔNG TRỞ NÊN TỆ HƠN?
Tự chăm sóc bản thân có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng trầm cảm và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bạn có thể làm gì:
- Cố gắng tiếp tục và duy trì thực hiện các hoạt động bạn từng yêu thích
- Duy trì kết nối với bạn bè và gia đình
- Tập thể dục thường xuyên, ngay cả khi chỉ đi bộ một đoạn ngắn
- Tuân thủ thói quen ăn và ngủ đều đặn càng nhiều càng tốt
- Tránh hoặc cắt giảm rượu và không sử dụng ma túy trái phép, vì điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trầm cảm
- Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về tất cả cảm xúc của bạn
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nếu bạn có ý nghĩ tự tử:
- Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc và nhiều người đã trải qua những gì bạn đang trải qua và đã tìm được sự giúp đỡ
- Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về cảm giác của bạn
- Nói chuyện với nhân viên y tế, chẳng hạn như bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn
- Tham gia một nhóm hỗ trợ.
Nguồn: World Health Organization và Mind.org
Biên dịch và biên tập: Tâm lý Mindcare
#tramcam #depression
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
tamlymindcare@gmail.com