SỰ CÔNG NHẬN: CHÌA KHÓA CỦA PHẨM GIÁ VÀ LÒNG TỰ TRỌNG

Tất cả chúng ta đều cần sự công nhận tích cực về những phẩm chất và thành tích của mình. Đầu tiên là từ chính chúng ta, để xác nhận khả năng và giá trị bản thân, sau đó là từ những người xung quanh chúng ta. Ở trẻ em, sự công nhận là trụ cột hình thành nền tảng của lòng tự trọng. Trong môi trường làm việc, nó mang lại cho nhân viên động lực cần thiết. Và trong một mối quan hệ lãng mạn lành mạnh, đó là sợi dây ràng buộc cặp đôi khiến cả hai đối tác cảm thấy được yêu thương, trân trọng và đánh giá cao.

Quan niệm về sự công nhận đôi khi bị hiểu sai . Một số người nhìn nhận nó dưới góc độ tiêu cực, bởi có không ít người liên tục tìm kiếm sự củng cố tích cực từ người khác. Thật không may, đó là những người không độc lập về mặt cảm xúc. Nhiều ý kiến cho rằng kiểu tính cách này chỉ xây dựng lòng tự trọng của họ dựa trên sự công nhận tích cực từ người khác.

Đừng đánh giá thấp bất cứ ai; ngay cả một nguyên tử cũng có bóng của nó. – Pythagoras

Nhưng chìa khóa ở đây là sự cân bằng. Bởi bạn không thể phủ nhận rằng, sự công nhận đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ, trạng thái cảm xúc và đời sống xã hội của chúng ta. Hơn nữa, sự công nhận có liên quan rất chặt chẽ đến sự coi trọng, cả sự tự coi trọng (lòng tự trọng) và được người khác coi trọng. Nếu bạn đã biết đến tháp nhu cầu của Maslow, bạn cũng sẽ biết lòng tự trọng đóng một phần rất quan trọng. Đó là một cấp độ trong tháp, nơi diễn tả sự tự nhận thức hoặc khả năng cảm thấy tự tin và có năng lực hòa hợp với tầm quan trọng mà chúng ta nhận thức được trong cái nhìn của người khác về mình.

Sự công nhận – một hình thức xã hội và lòng tự trọng

Con người sống trong nhiều mặt đối lập. Tất cả chúng ta đều muốn được công nhận và nhìn nhận nhưng cũng muốn tự do và độc lập. Điều đó có nghĩa là, không ai thích cảm giác vô hình, bị phớt lờ hoặc cảm giác không ai nhìn thấy hay đánh giá cao mình.

Bất cứ ai từng là đứa trẻ ngồi ở cuối lớp, đứa trẻ ngồi ăn một mình trong căng tin hay đứa trẻ ngồi một mình trên sân chơi đều biết quá rõ sự thật này. Một thiếu niên không được ai coi trọng mà toàn hứng chịu sự chỉ trích, một người không được bạn đời coi trọng họ, họ sống trong hố sâu của sự cô đơn và nỗi đau tinh thần. Sự công nhận là mối liên kết tình cảm giữa con người với nhau khiến chúng ta cảm thấy được đồng bạn đánh giá cao và được tôn trọng như một con người. 

Nhìn nhận ai đó là nhìn họ như chính con người họ. Là thừa nhận sự hiện diện của họ, để họ tự do tồn tại, để họ tự do xác định bản thân. Đó là đánh giá cao con người thật của ai đó và giúp khuyến khích sự phát triển cá nhân của họ, thay vì phủ nhận họ. Sự công nhận tạo ra sự chấp nhận bản thân, từ đó giúp củng cố lòng tự trọng.

Mặt khác, bạn đừng quên rằng cách người khác nhìn nhận bạn thực sự có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và giá trị bản thân của bạn. Bạn không thể tách rời hai điều đó. Chúng ta là những sinh vật xã hội và những gì người khác nói hoặc nghĩ về chúng ta sẽ luôn ảnh hưởng đến chúng ta theo cách này hay cách khác.

Sự công nhận là quan trọng, nhưng đừng dựa dẫm vào nó

Mọi người đều biết rằng bị từ chối có thể là một trong những cảm xúc đau đớn nhất mà bạn có thể trải qua. Cảm giác bị bỏ rơi hoặc không được ưa thích bởi những người xung quanh sẽ rung lên tiếng chuông cảnh báo và khiến chúng ta hoảng loạn. Sự cô đơn và cô lập nảy sinh từ những ràng buộc không lành mạnh, tiêu cực hoặc bỏ bê sẽ dẫn đến đau khổ. Tuy nhiên, như đã đề cập, chúng ta phải cân bằng sự công nhận mà chúng ta nhận được từ người khác với sự công nhận mà chúng ta dành cho chính mình.

Cân bằng sự công nhận

Tập trung hoàn toàn cuộc sống của bạn vào sự củng cố tích cực bên ngoài chỉ gây ra sự phụ thuộc về mặt cảm xúc. Do đó, chúng ta phải ghi nhớ một sự thật đơn giản nhưng vô cùng quan trọng: Cách người khác nhìn nhận chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Hãy xem xét một vài ví dụ. Những nhân viên tự tin vào khả năng của mình, thấy mình có kĩ năng  và chắc chắn về bản thân sẽ tạo ra môi trường làm việc tốt. Họ làm tốt và những người khác thường công nhận chất lượng công việc của họ.

Hãy xem xét một ví dụ khác. Một người có giá trị bản thân, cảm thấy mãn nguyện, tự do và độc lập thường tạo ra những mối quan hệ tình cảm vững chắc. Tính trưởng thành và an toàn đó truyền cảm hứng cho sự công nhận và ngưỡng mộ, không phải sự phụ thuộc.  Nếu bạn đang ở trong trạng thái này, thì bạn không cần sự củng cố liên tục từ bên ngoài nữa. Hạnh phúc của bạn cũng không chỉ phụ thuộc vào việc bạn có nhận được sự công nhận tích cực hay không. Đó là sự cân bằng hoàn hảo giữa giá trị mà bạn cống hiến cho bản thân và sự công nhận chân thành mà bạn nhận được từ người khác.

Tóm lại, chúng ta không thể giả vờ rằng ý kiến ​​của người khác không ảnh hưởng đến chúng ta. Sự công nhận là nền tảng của bất kỳ xã hội nào vì một lý do rất đơn giản: nó gắn kết mọi người lại với nhau. Nó cho phép chúng ta thực sự nhìn thấy mọi người, bất kể tuổi tác, điều kiện, sắc tộc hay tính cách. Biết cách nhận ra con người thật của họ, chứ không phải con người mà chúng ta mong muốn họ trở thành, cũng giúp chúng ta yêu thương một cách thông minh.

Hãy học cách đủ khiêm tốn, đủ sẵn sàng để nhận ra nhau. Ai trong chúng ta cũng nên thừa nhận điểm mạnh của chính mình lẫn như điểm mạnh của người khác và nhìn nhận nhau bằng con người thật.

Nguồn: https://exploringyourmind.com/recognition-key-dignity-self-esteem/

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>>  6 đặc điểm của một người trưởng thành về mặt cảm xúc 

>>>  Mối quan hệ lành mạnh: Sự dung hòa giữa giá trị cá nhân và xúc cảm

>>> 10 sự thật khoa học thú vị về tình yêu mà bạn chưa biết?