QUÁ TẢI VỚI TIN TỨC XẤU, PHẢI LÀM SAO?

Khi một tin tức xấu nổ ra, thật khó để thoát ly khỏi nó. Bạn sẽ không tài nào rời tay khỏi điện thoại hoặc tập trung vào việc gì khác. Cảm thấy choáng ngợp trước các tin tức là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt khi những tin tức tốt trở nên hiếm hoi. Nếu bạn đang cảm thấy thất vọng về thế giới, hãy tham khảo vài lời khuyên dưới đây nhé.

Những điều này có thể giúp ích nếu:

  • Bạn cảm thấy bị quá tải bởi các tin tức
  • Bạn không biết phải phản ứng thế nào trước những tin tức xấu ngoài kia
  • Bạn cảm thấy khó ngắt kết nối với các phương tiện truyền thông

Phản ứng trước những tin tức xấu

Có vô số kiểu tin tức có thể khiến bạn vô cùng xuống tâm trạng. Một số phản ứng phổ biến đối với tin tức xấu bao gồm các cảm giác sau:

  • Bồn chồn, lo lắng
  • Chán nản, buồn bã
  • Bất lực
  • Hoang mang, bối rối
  • Tức giận

Vì sao các tin tức xấu lại ảnh hưởng đến chúng ta?

Trên một hành tinh có đến tám tỷ người, thật dễ để cảm thấy mất kết nối. Nhưng khi có một thảm kịch xảy ra, cảm giác lo lắng, buồn bã và đau thương vẫn phổ biến hơn bạn nghĩ đấy.

Khi chúng ta nhìn thấy thông tin gây khó chịu, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng bằng cách giải phóng các hormone gây căng thẳng để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Vì các nguồn tin cũng có xu hướng thiên về đưa tin xấu hơn tin tốt, điều này có thể tạo ra những tác động tiêu cực lâu dài đến sức khỏe của chúng ta.

Làm thế nào để tôi đối phó với những tin tức xấu?

1. Học cách “tắt chúng đi”

Nói thì dễ hơn làm, nhưng tạm rời khỏi mạng xã hội và các trang báo có thể giúp giảm thiểu đáng kể tác động của các tin tức xấu. Phần lớn người dùng mạng xã hội sẽ tiếp nhận các tin tức trên bảng tin của họ, và khi các phương tiện truyền thông tập trung vào những tin tức tiêu cực, bạn rất dễ bị quá tải trong thời gian sử dụng mạng xã hội.

Nếu bạn nhận thấy bản thân đang chùng xuống vì những điều bạn thấy trên mạng xã hội hoặc các trang báo, hãy nghỉ ngơi. Bạn có thể thử đi dạo, đọc sách, nghe nhạc hoặc podcast, chơi trò chơi hoặc chỉ đơn giản là ra ngoài trời hít thở không khí trong lành mà không cầm theo điện thoại.

Về lâu dài, bạn có thể đặt ra cho mình một số quy tắc. Ví dụ:

  • Chỉ kiểm tra tin tức vào một hoặc hai thời điểm cố định mỗi ngày.
  • Lên lịch các khoảng thời gian không có mạng xã hội trong ngày. Bạn có thể thử không sử dụng mạng xã hội/điện thoại trong vài tiếng sau khi thức dậy để có thể bắt đầu ngày mới tươi tắn hoặc trong vài tiếng trước khi đi ngủ để có thể thư giãn đúng cách.
  • Đảm bảo mỗi ngày dành ít nhất 15 phút để tự chăm sóc bản thân hoặc tham gia một hoạt động mà bạn yêu thích.

2. Xem xét các nguồn tin của bạn

Đối với một số người, việc cập nhật những gì đang diễn ra trên thế giới là khá quan trọng. Nhiều nguồn tin tức chỉ tập trung vào số lượt nhấp chuột và lượt xem thay vì cung cấp thông tin khách quan. Đây là lý do tại sao một số bài báo hoặc video có thể sử dụng câu từ quá đà, gây ra phản ứng cảm xúc lớn hơn cho người xem.

Những nguồn tin chất lượng có những đặc điểm sau:

  • Nó tập trung vào sự thật. Nó không chỉ xác minh sự thật mà còn trình bày chúng trong một ngữ cảnh chính xác.
  • Nó công bằng và không đứng về phía nào. Tất cả các khía cạnh của một vấn đề đều được trình bày và bối cảnh của câu chuyện không bao giờ được cố tình loại bỏ nhằm tác động đến sự hiểu biết của người đọc.
  • Nó độc lập. Những người đưa tin không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nguồn lực theo bất kỳ cách nào, kể cả vì lợi ích cá nhân hay tài chính.
  • Nó có trách nhiệm. Các thông tin sai sót hoặc thiếu chính đáng luôn được thừa nhận và sửa chữa.

Vậy, hãy nhìn lại về các nguồn tin của bạn xem:

  • Đó có phải các nguồn khách quan, có uy tín và trung lập về mặt cảm xúc?
  • Chúng có cho bạn một bức tranh toàn cảnh hay chỉ là những mảnh ghép rời rạc?
  • Có nguồn tin nào ít khiến bạn khó chịu hơn những nguồn khác không?

Nếu bạn nhận thấy có một số nguồn tin liên tục xuất hiện và thường khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn luôn có thể hủy theo dõi hoặc chặn chúng.

3. Cố gắng hiểu lí do tin tức đó khiến bạn khó chịu

Đôi khi, những tin tức xã hội hóa ra lại rất gần gũi. Cho dù đó là một thảm kịch xảy ra ở quê hương bạn, hay cái chết của một người mà bạn thực sự ngưỡng mộ, những tin tức xã hội có thể mang một cảm giác rất riêng tư. Nếu những gì bạn đang cảm thấy không chỉ là cảm giác đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch, thì bạn nên nói về điều đó với người mà bạn tin tưởng. Hãy trò chuyện với bạn bè, gia đình hoặc thậm chí là nhà tham vấn về ảnh hưởng của tin tức đối với bạn. Hành động trò chuyện đơn giản cũng có thể giúp bạn xử lý những điều đang diễn ra và khiến bạn cảm thấy tốt hơn rất nhiều. 

4. Dành thời gian ‘không tin tức’ với những người thân yêu

Dành thời gian bên bạn bè hoặc gia đình có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Dù là cùng thực hiện một hoạt động nào đó, chẳng hạn như nấu ăn hay dắt thú cưng đi dạo, hay chỉ trò chuyện thôi cũng có thể giúp bạn quên đi mọi thứ. Hãy trao đổi với người thân của bạn rằng tạm thời bạn không muốn nói về các tin tức hay vấn đề gần đây. Bạn thậm chí có thể chỉ đích danh vấn đề hoặc câu chuyện bạn muốn tránh là gì với họ.

5. Chấp nhận khả năng kiểm soát của bạn

Khi có điều tồi tệ xảy ra, phản ứng tức thời của chúng ta là tự hỏi mình có thể làm gì để giúp đỡ và làm thế nào để chấm dứt điều đó. Cảm thấy bất lực là một phản ứng tự nhiên và có thể gây ra căng thẳng.

Mặc dù thường thì vẫn có những việc, dù lớn dù nhỏ, mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ trong một hoàn cảnh, nhưng chúng ta không thể tự mình chấm dứt hoàn toàn nó. Học cách hiểu khả năng ảnh hưởng của chúng ta đối với một điều gì đó là một bước rất quan trọng để giảm bớt sự căng thẳng mà chúng ta gặp phải mỗi khi nghe tin xấu.

Tôi không nói rằng bạn không nên cố gắng giúp đỡ. Trên thực tế, giúp đỡ và cố gắng làm điều gì đó tích cực thường có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Nhưng chúng ta cần hiểu đâu là cách hữu ích nhất để đóng góp trong một tình huống và học cách chấp nhận những giới hạn của bản thân.

Nguồn: https://au.reachout.com/articles/dealing-with-bad-world-news

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/