Chủ nghĩa hoàn hảo được đặc trưng bởi mong muốn kiểm soát mạnh mẽ, xu hướng chỉ trích bản thân khi không đáp ứng được kỳ vọng, và niềm tin rằng giá trị bản thân phụ thuộc vào thành công trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Bạn có nhận thấy những dấu hiệu này ở bản thân?
Bất cứ ai từng ở trong “nhà tù tinh thần” của chủ nghĩa hoàn hảo (CNHH) đều biết nó có thể là một kẻ hút máu cuộc sống như thế nào, nhưng người ta dường như thường xem nhẹ hoặc thậm chí tôn vinh CNHH. Chúng ta đang sống trong một xã hội có xu hướng ủng hộ ai đó vì họ “có tiêu chuẩn cao”, bởi vậy, đôi khi thật khó để nhận ra cách chúng ta đang đối xử không công bằng với chính mình. Mặc dù không có chẩn đoán lâm sàng về “chủ nghĩa hoàn hảo”, nhưng nó thường xuất hiện trong các chẩn đoán như rối loạn lo âu tổng quát (GAD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn ăn uống và thậm chí là nghiện chất kích thích.
Chủ nghĩa hoàn hảo là gì?
Chủ nghĩa hoàn hảo là một cách tư duy hoặc thái độ cho rằng giá trị của con người được đánh giá thông qua những tiêu chí thể hiện quan niệm của họ về “thành công”. Đối với một số người, đó có thể là điểm số hoặc giải thưởng. Đối với những người khác, nó có thể có cơ thể “hoàn hảo” hoặc một chiếc tủ lạnh xinh đẹp được sắp xếp chỉn chu xứng đáng để xuất hiện trên trang Pinterest.
Tư duy này thường xuất hiện ở những cá nhân rất nhạy cảm, có xu hướng cao trong việc làm hài lòng mọi người cũng như tìm kiếm sự kiểm soát. Tâm lý này thúc đẩy chúng ta hướng tới các quy tắc và công thức được thiết kế riêng mà chúng ta hy vọng sẽ mang lại cho ta quyền kiểm soát và sự chắc chắn. Thật không may, việc theo đuổi quyền kiểm soát đó cuối cùng có thể quay lại kiểm soát chính ta, khiến ta bị mắc kẹt trong cuộc rượt đuổi cho lần xác thực tiếp theo. Thế rồi, ngay khi đạt được cảm giác chắc chắn, tâm trí lại lên tiếng, “Được rồi, làm thế nào để có thêm nhiều sự chắc chắn hơn nữa?”. Ví dụ, bạn đã giảm được vài cân, điều đó khiến bộ não của bạn cảm thấy phấn khích, vài phút sau bạn bắt đầu nghĩ “Làm thế nào để tiếp tục giảm cân nhỉ?” Hoặc bạn vừa được thăng chức trong công việc và não của bạn sau đó lại tiếp tục lên tiếng “Được rồi, vị trí/ mục tiêu tiếp theo của mình là gì nhỉ?” Điều đó giống như sẽ không bao giờ là đủ. Chúng ta không bao giờ thực sự dừng lại và cứ liên tục theo đuổi những mục tiêu mới mà không bao giờ cảm thấy hài lòng hoàn toàn với điều mình đã đạt được.
Cầu toàn dập tắt con người đích thực
Nếu bạn đã từng trải qua thời gian với một ai đó theo chủ nghĩa hoàn hảo, bạn có thể đã trải qua cảm giác họ giống như người canh gác, người phán xét, hoặc có sự xa cách. Ở cạnh họ có thể khiến bạn cảm thấy bản thân mình thiếu sót, trở lên cạnh tranh hoặc đơn giản là không thể kết nối với người khác.
Đó là bởi vì thiếu sót và sai lầm là những phần phổ biến trong trải nghiệm của con người. Sống có nghĩa là sẽ luôn có lúc bạn cảm thấy lộn xộn và không hoàn hảo. Thay vì vội vàng che giấu hoặc sửa chữa những điều đó, chúng ta có thể thừa nhận chúng là một phần tự nhiên của những sinh vật năng động và không ngừng phát triển. Có thể đảm bảo rằng khi bạn cảm thấy bản thân mình có bất cứ điểm thiếu sót gì thì chắc chắn có ai đó ngoài kia cũng đang phải vật lộn với vấn đề tương tự. Sự không hoàn hảo tạo điều kiện cho chúng ta kết nối với nhau.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể chấp nhận những điểm bình thường hoặc thậm chí tầm thường của chính mình, thay vì cảm thấy xấu hổ? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể nhận ra rằng bạn là một sinh vật đa diện với cả những điểm mạnh và điểm yếu, những phẩm chất mà một số người đánh giá cao và những người khác sẽ bác bỏ, những đặc điểm tính cách đóng vai trò là tài sản trong một số tình huống và cả những hạn chế theo đánh giá của những người khác?
Nếu bạn muốn được sống cuộc sống như con người đích thực của bạn, điều quan trọng là phải ngừng theo đuổi những cách đánh giá cứng nhắc bởi chúng cũng không đáng tin cậy để đánh giá giá trị của một con người. Đôi khi, bạn đạt được một mục tiêu và cảm thấy tuyệt vời, rồi lại có những lần khác, bạn đạt được một mục tiêu và tâm trí của bạn ngay lập tức xem nhẹ nó. Bạn không bao giờ cảm thấy hài lòng quá một khoảnh khắc thoáng qua, vì cuộc sống vẫn tiếp diễn và đặt ra những thử thách mới mỗi ngày. Bạn không bao giờ đến được một điểm đến mà bạn có thể thực sự nghỉ ngơi, nơi bạn cảm thấy đủ tốt.
Vậy, làm thế nào để ngừng theo đuổi sự hoàn hảo
Nếu bạn đã sẵn sàng từ bỏ sự hoàn hảo để tìm kiếm bản thể đích thực của mình, bạn có thể bắt đầu bằng cách khám phá xem điều gì đã thúc đẩy bạn theo đuổi sự hoàn hảo.
Nếu bạn đang theo đuổi một chức danh công việc, điều gì là quan trọng đối với bạn khi đạt được chức danh đó? Nếu bạn đang theo đuổi một mục tiêu về cân nặng hoặc vóc dáng, ý nghĩa của việc bạn đạt được cơ thể đó là gì? Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về câu trả lời của bạn, vì chúng sẽ cho bạn biết hai điều quan trọng:
Thứ nhất, giá trị của bạn – những điều quan trọng đối với bạn, chẳng hạn như sức khỏe, an ninh, sự thuộc về, hoặc sự thông minh;
Thứ hai, nỗi sợ của bạn – những điều bạn đang cố gắng né tránh, ngăn chặn hoặc giảm bớt bằng cách phấn đấu cho những mục tiêu hoàn hảo; chẳng hạn như tìm kiếm một tiêu chuẩn vẻ đẹp nhất định để được coi là hình mẫu được người khác mong muốn, hoặc tìm kiếm một vị trí công việc nhất định để tránh cảm thấy kém cỏi;
Vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo cũng có nghĩa là thừa nhận những kết quả tiêu cực của việc không ngừng phấn đấu cho những tiêu chuẩn không thực tế đó. Bạn đã phải trả giá những gì để theo đuổi mục tiêu cân nặng kia? Giấc ngủ của bạn? Đời sống xã hội của bạn? Hay cơ hội thưởng thức những bữa ăn ngon cùng những người thân yêu? Những gì bạn nhận được liệu có đáng để bạn chấp nhận hy sinh không?
Khi bạn xem xét những nỗ lực bạn phải bỏ ra để đạt được sự “đủ” về bản thân mình đã khiến bạn mất đi những gì, bạn có thể đánh giá xem liệu có đáng để tiếp tục dành sức lực cho những mục tiêu bạn đã đề ra hay không. Bạn cũng có thể nghĩ xem, nếu mình theo đuổi những mục tiêu này thì liệu rằng sau này ở tuổi 95 khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn có cảm thấy hạnh phúc mình hơn? Hay bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu mình đã dành thời gian và năng lượng cho điều gì đó khác.
Hãy nhớ rằng khả năng của bạn để đạt được các tiêu chuẩn hoặc mục tiêu nhất định không phản ánh bất cứ điều gì về giá trị của bạn với tư cách là một con người. Bản thân sự tồn tại của bạn đã khiến cho bạn quan trọng với cuộc sống này. Giá trị là điều khiến bạn trở nên đặc biệt và chỉ mình bạn là người có quyền quyết định giá trị ấy. Không ai khác có thể quyết định điều gì quan trọng đối với bạn hay việc trở thành phiên bản đích thực của bạn có ý nghĩa như thế nào.
Khi bạn ngừng trói buộc giá trị bản thân vào một số tiêu chuẩn độc đoán hoặc những kỳ vọng đến từ bên ngoài, bạn sẽ tìm ra những cách có ý nghĩa hơn để khẳng định giá trị bản thân. Ý thức về bản thân của bạn không còn phụ thuộc vào việc đạt được một kết quả cụ thể. Thay vào đó, bạn có thể lùi lại khi đang gặp khó khăn và tự hỏi bản thân, “Tại sao điều này lại quan trọng với tôi như vậy? Nó có “cần thiết” phải quan trọng như vậy không? Sẽ ra sao nếu tôi nếu tôi không đạt được tiêu chuẩn này?” Sau đó, bạn có thể nhận ra rằng ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu đó, bạn vẫn sẽ là bạn.
Đã đến lúc bước ra khỏi cuộc đua hoàn hảo và nghỉ ngơi. You are already enough.
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/