PHẢI LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI NHỮNG “VỎ BỌC” MÀ MÌNH ĐÃ TẠO RA?

#LumosBox07 #MindCareConnection #Confession

Bạn kể:

Em không thể hiểu nổi con người thật của mình. Từ khi em học lớp 7, em bắt đầu như trở thành một con người khác vậy. Dễ nổi nóng, dễ khóc nhưng cũng có lại rất hòa đồng, em thường bị mọi người lôi ra trêu. Họ dùng tên của em để trêu. Em luôn có cảm giác mình bị mọi người xa lánh đến mức em tạo cho bản thân mình rất nhiều vỏ bọc khác nhau. Từ khi em bắt đầu tạo những vỏ bọc đó đến nay thì nó đã làm em không thể hiểu nổi con người thật của mình. Khi ở lớp em có thể có chuyện buồn nhưng khi về đến nhà em luôn tạo cho mình một vỏ bọc vui vẻ, khi ra ngoài đường em có thể trở thành một con người không quan tâm đến mọi thứ. Từ năm lớp 7 đến bây giờ là học sinh lớp 12 nhưng em vẫn không hiểu được bản thân mình. Em luôn tự chịu mọi thứ mà không thể kể cho ai nghe, tự mình khóc, tự mình buồn, tự mình vui… Đôi lúc em thường có suy nghĩ: “Tại sao mình lại được sinh ra?”, “rốt cuộc mình sống có ý nghĩa gì?”, “tại sao mình không chết đi?”,… 

Khi em nhận được sự quan tâm từ người khác dù chỉ là việc nhỏ nhất, em cũng cảm thấy sợ hãi, sợ rằng bản thân không có đủ tư cách để nhận được những sự quan tâm đó.

Nhiều lúc, có những khoảng thời gian ngắn ngủi em không nhớ được những hành động của mình. Và rất nhiều lúc em cảm giác mình như biến thành 1 con người khác vậy và khi đó là lúc em không biết bản thân mình đã làm gì. 

Em luôn chịu đựng mọi thứ một mình. Đã có những lúc em tự làm thương bản thân như dùng móng tay bấm vào da đến mức đỏ và tạo lại vết hay lấy răng cắn tay hay bóc da môi đến mức chảy mức mới dừng lại. 

Khi em ở một nơi đông người thì em chỉ muốn bản thân mình bị mọi người bỏ quên, em không thể tham gia các hoạt động của lớp một cách vui vẻ, em luôn cảm thấy bản thân mình không xứng đáng được sinh ra. Em luôn sợ tất cả mọi thứ xung quanh mình, em thích ở một mình ở trong bóng tối, không có ai bên cạnh. 

Có thể mọi người xung quanh em luôn khen em là người hoạt bát, vui vẻ, dễ gần nhưng em biết đó chỉ là vỏ bọc của từ khi lên cấp 3. Em làm như thế vì không muốn bị mọi người xa lánh giống như em học cấp 2, giống như việc bị lôi ra trêu đùa. Tuy đã tạo được như thế nhưng vẫn luôn thấy bản thân không xứng đáng. 

Em từng làm bài trắc nghiệm tâm lý của MindCare hai lần về mức độ trầm cảm, lo âu, stress và cả lần đều được nhận xét là rất nặng và lần này so với lần trước thì mức điểm lại càng cao hơn lần trước. Không chỉ vậy em cùng làm bài trắc nghiệm tâm lý về việc bạo hành cảm xúc thì mức điểm của em cũng ở mức độ bị bạo hành. Và ngay cả mức độ căng thẳng cũng vô cùng cao. 

Em không biết làm cách nào để bản thân có thể thoát khỏi nó, thoát khỏi vỏ bọc mà bản thân đã tạo ra được 5 năm, không biết làm cách nào để mình có thể biết được con người thật của bản thân. 

Em luôn có áp lực rất lớn từ mọi phía và ngay cả áp lực vô hình cũng nhiều, em luôn có rất nhiều suy nghĩ.

Em có rất nhiều thứ muốn nói nhưng không biết cách nói ra sao cả.

====

Lumos Box hồi âm:

Mến chào bạn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ với chúng mình về câu chuyện của bạn. Qua những dòng tâm sự này, hẳn là bạn đã cảm thấy bế tắc và rất muốn thoát khỏi những vỏ bọc của bản thân để thật sự biết được con người thật của mình. Bạn đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác, đó là một điều mà bọn mình cảm thấy rất đáng ghi nhận. Và chúng mình sẽ ở đây để đồng hành và hỗ trợ bạn, để phần nào đó có thể giúp bạn tự mình tìm ra được chút “ánh sáng” cho riêng bản thân nhé.

Bạn thân mến,

Trong thư, bạn chia sẻ rằng từ lúc học lớp 7, bạn đã trở thành một con người dễ nổi nóng cũng như dễ khóc. Nhưng cũng có lúc lại rất hòa đồng. Liệu có điều gì đã xảy ra khiến cho bạn khi đó dễ thay đổi cảm xúc như vậy? Không biết tại thời điểm đó, bạn có gặp phải những biến cố hay những sự kiện nào tác động mạnh đến mình không? Bởi có thể khi có những biến cố hay những sự kiện nào đó xảy ra và tác động mạnh đến mình, thì nhiều người dễ trở nên bị căng thẳng và thay đổi cảm xúc hơn. Hoặc cũng có thể đó là giai đoạn mà bạn bắt đầu tuổi dậy thì – giai đoạn mà ngoài việc cơ thể thay đổi về mặt sinh lý thì còn có những thay đổi về mặt tâm lý như dễ xúc động, căng thẳng, cảm xúc lên xuống thất thường…v.v. Nhiều bạn trong độ tuổi này cũng đã có những sự thay đổi trong cảm xúc giống như bạn đấy.

Qua những điều mà bạn chia sẻ, chúng mình liên tưởng đến một bạn học sinh đang có trong mình nhiều cảm xúc và nỗi niềm không thể nói ra. Bạn ấy rất muốn hòa đồng cùng mọi người nhưng cũng muốn bản thân bị bỏ quên, không muốn bị ai chú ý đến mình cả. Bạn ấy đã bị các bạn trong lớp lôi ra để trêu đùa, họ dùng tên của bạn để trêu. Điều đó đã khiến cho bạn ấy cảm thấy rất lạc lõng và dường như là mọi người xung quanh đang muốn xa lánh bạn. Không biết điều gì đã khiến cho bạn ấy có cảm giác như mình không xứng đáng được mọi người chơi cùng nhỉ? Bạn ấy đã làm điều gì sai ư? Và nếu như được quay lại thời điểm đó, bạn sẽ muốn nói gì với bạn học sinh đó?

Và rồi, bạn ấy đã cố hòa đồng với mọi người bằng cách tạo cho mình những lớp “vỏ bọc”. Những lớp áo đó đã là cách để bảo vệ bạn ấy khỏi nỗi sợ rằng mọi người đang xa lánh mình; rằng nếu như mình trở thành một người dễ gần, hòa đồng thì mọi người sẽ yêu quý mình hơn. Có thể những lớp vỏ bọc đó đã có ích phần nào trong việc bảo vệ bạn ấy khỏi những tổn thương, giúp bạn ấy hòa đồng hơn với mọi người và thích nghi được với những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Nhưng dường như nó cũng không hẳn là có hiệu quả triệt để trong việc làm vơi đi cảm giác bản thân mình không xứng đáng. Để rồi khi nhận được sự quan tâm từ mọi người, bạn ấy đã cảm thấy sợ. Bạn ấy đã dồn nén nhiều điều mà không thể nói ra với ai, điều đó khiến bạn ấy tự dằn vặt bản thân rằng mình không xứng đáng được yêu thương và được quan tâm. Liệu những suy nghĩ đó về bản thân bạn ấy có thoả đáng? Liệu cái cảm giác rằng bản thân bạn ấy không xứng đáng có đúng với thực tế xung quanh bạn?

Bạn ấy đã luôn tự chịu mọi thứ một mình mà không thể chia sẻ được với ai. Dường như bạn ấy đã phải gồng mình lên để chịu đựng rất nhiều rồi. Có lẽ bạn ấy đã rất mệt mỏi. Chỉ khi ở một mình, bạn ấy mới có thể rũ bỏ đi những lớp vỏ bọc đó xuống và đối diện với chính bản thân của mình. Không biết điều gì đã khiến bạn ấy không thể kể ra những nỗi niềm của mình với bất cứ ai, kể cả với người thân của mình? Phải chăng những cảm xúc đó nếu bạn ấy nói ra sẽ bị phán xét và không được ai chấp nhận? Hay là còn một lý do nào khác?

Bạn biết không,

Mong muốn hiểu được chính mình là một điều mà ai trong chúng ta cũng có và là một hành trình mà tất cả chúng ta đều đang đi. Dù là chỉ mới bước được những bước đầu tiên hay là đã đi được một quãng đường trên hành trình này rồi thì tất cả đều xứng đáng và không bao giờ là quá muộn, bạn à! Khi bạn sử dụng cụm từ “những vỏ bọc mà bản thân đã tạo ra”, chứng tỏ một điều là bạn đã ý thức được rằng những lớp áo đó không thật sự là mình, không phải là con người thật của mình và không phải là những điều mà mình cảm thấy. Điều đó cho thấy bạn đã và đang đi đúng hướng trên con đường tìm hiểu về bản thân mình rồi đó.

Cũng chính trong hành trình khám phá bản thân này, chúng ta cũng dần gỡ bỏ đi những lớp vỏ bọc hay mặt nạ mà ta đã có – để dần trở thành chính mình và hiểu được con người rộng lớn của mình hơn. Thực ra, không ai có thể gỡ bỏ được những lớp vỏ bọc đó ngoại trừ chính bản thân bạn. Có thể quá trình này sẽ cần nhiều thời gian và không hẳn là dễ dàng gì. Song sẽ luôn có những trái ngọt ở bên đường mà bạn có thể hái được khi đi trên con đường này.

Bạn thân mến, những nỗ lực trong việc tìm hiểu bản thân của bạn là rất đáng ghi nhận. Và nếu như bạn muốn gỡ bỏ được những lớp vỏ bọc mà mình đã tạo nên, thì bây giờ câu hỏi mà bạn cần phải trả lời đó là, bạn đã thật sự sẵn sàng trong việc rũ bỏ đi những lớp áo đó chưa? Nếu câu trả lời là chưa, hoặc bạn vẫn đang cảm thấy do dự, vậy thì không biết còn điều gì khiến cho bạn chưa thể sẵn sàng cởi bỏ những lớp vỏ đó? Có thể sẽ còn cần thêm thời gian để bạn cảm thấy sẵn sàng hơn. Còn nếu như bạn đã thật sự sẵn sàng rũ bỏ đi để tìm hiểu bản thân mình, thì lúc này bạn có thể đi tiếp những bước tiếp theo với các “công cụ” sau nhé:

☘️Đầu tiên, bạn có thể chọn cách viết nhật ký mỗi khi bạn có cảm xúc hay muốn chia sẻ một điều gì đó với ai nhưng không thể, hoặc bạn có thể viết nhật ký hàng ngày. Bạn có thể ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc hay những điều mình muốn nói vào trong đó. Để từ đó, bạn có thể nhìn lại xem bản thân bạn đã và đang có những suy tư như thế nào và có một cái nhìn rõ hơn về bản thân của mình. Bên cạnh đó, cuốn nhật ký có thể sẽ như là một nơi để bạn “trút” được những nỗi lòng trong mình, đó cũng như là một cách để bạn giải tỏa được cảm xúc của bản thân.

☘️Tiếp theo, mỗi khi có cảm xúc, bạn hãy thử cảm nhận trọn vẹn trạng thái đó. “Mình đang cảm thấy như nào”, “mình đang có cảm xúc gì”, “đâu là nguyên nhân khiến cho những cảm xúc này xuất hiện nhỉ”. Bạn có thể tự hỏi bản thân mình những câu hỏi đó. Đó là một cách khác để bạn có thể kết nối được với chính mình và hiểu được bản thân hơn đấy.

☘️Bạn cũng có thể khám phá những sở thích ở trong mình. Bạn quan tâm điều gì và thích làm những gì? Đâu là thế mạnh của bạn? Những việc nào mang lại cho bạn niềm vui và hạnh phúc?

☘️Việc học cách bộc lộ cảm xúc hay nói ra mong muốn thật sự của bản thân cũng là một điều giúp bạn dần biểu lộ được con người thật sự ở trong bạn. Có thể ban đầu sẽ hơi khó để nói ra những điều này, song bạn hoàn toàn có thể luyện tập được nó dần dần. Hoặc làm một điều mà bạn muốn làm, không cần lý do gì cả, chỉ là vì bạn muốn làm thôi.

☘️ Ngoài ra còn có thêm một số cách để bạn tự tìm hiểu về bản thân như trò chuyện với người khác, hỏi xem họ nghĩ thế nào về mình để có thêm nhiều góc nhìn hơn từ người xung quanh. Có thể việc họ cảm nhận đúng hoặc không đúng về bạn cũng là cơ sở để bạn lựa chọn được những đặc điểm khi mô tả về bản thân của mình.

Còn đối với những bài trắc nghiệm tâm lý mà bạn đã làm, trên thực tế những bài kiểm tra đó chỉ mang tính tham khảo. Và để có được một kết luận chính xác, thì ngoài việc dựa vào kết quả của trắc nghiệm, thì cần phải kết hợp thêm cả trò chuyện với các nhà tâm lý nữa. Nếu bạn cảm thấy cần một sự hỗ trợ chuyên sâu và đánh giá cụ thể hơn, thì bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc tìm đến một nhà tâm lý, bạn nhé!

Trên đây là đôi điều chúng mình muốn chia sẻ với bạn, hy vọng là có thể giúp bạn được phần nào.

Mong bạn bình tâm và luôn có sức khoẻ!

Ad. Dumbledore

========

📬 Nếu bạn đang thấy mình không ổn và cần được lắng nghe, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box :https://forms.gle/UahaWZwHGzK3rJrq9
📩Nếu bạn là chủ nhân của bất kì bức thư nào đã được trả lời, xin vui lòng để lại phản hồi của bạn cho Lumos Box tại :https://forms.gle/QPvUz4BFNot59D8x7
🔗 Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com