NỬA KIA ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ GASLIGHT BẠN?

Trước khi nghĩ đến việc chống lại thao túng tinh thần – gaslight, bạn phải biết đối phương đã gaslight bạn như thế nào. Chính xác hơn là, bằng cách nào họ có thể khiến bạn đánh mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân mình, và khiến bạn không cách nào dứt bỏ mối quan hệ độc hại này.
Dưới đây là một số chiêu trò rất tinh vi mà người bạo hành thường sử dụng để gaslight nạn nhân:
1. Từ chối: người bạo hành có thể giả vờ không hiểu hoặc từ chối lắng nghe hay chia sẻ cảm xúc. Họ sẽ nói những câu như “Tôi không muốn nghe về vấn đề này nữa” hoặc là “Anh/em đang cố làm tôi hoang mang phải không”.
2. Phản kháng: người bạo hành sẽ chất vấn trí nhớ của nạn nhân mặc dù nạn nhân đã nhớ đúng. Một ví dụ là trong phim Gas Light, Jack thay đổi vị trí của các đồ vật trong nhà và khi Bella chỉ ra sự khác biệt đó thì Jack khăng khăng bảo rằng vợ mình bị điên và trí nhớ cô có vấn đề. “Anh/em sai rồi, anh/em chẳng bao giờ nhớ gì cả!” hay “Nhớ lần trước anh/em cũng nghĩ vậy mà rốt cuộc anh/em đã sai đấy!” là những câu nói điển hình của kẻ sử dụng chiêu trò này.
3. Ngăn chặn/Đánh lạc hướng: người bạo hành tìm cách đánh lạc hướng bằng cách thay đổi chủ đề sang chất vấn suy nghĩ của nạn nhân. Chiêu trò này được thể hiện qua những câu như “Rõ ràng là anh/em đang tưởng tượng ra thôi chứ làm gì có chuyện như thế!”, “Sao anh/em cứ càm ràm mãi thế!” hoặc “Cái này chắc lại là suy nghĩ điên rồ từ đứa bạn của anh/em chứ gì! Sao cứ nghe lời nó mãi thế!”
4. Tầm thường hóa: người bạo hành sẽ không coi trọng cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Họ sẽ nói những câu như là “Anh/em nhạy cảm quá đấy!” hoặc “Chuyện chẳng có gì mà sao anh/em cứ làm quá lên vậy!” hoặc “Anh/em định cãi nhau chỉ vì chuyện cỏn con như thế này thôi à?”
5. Giả quên/Chối bỏ: người bạo hành giả vờ như họ đã quên mọi chuyện hoặc chối bỏ sự thật rằng họ đã làm việc gì đó, ví dụ như việc họ chối bỏ rằng họ đã hứa với nạn nhân để không phải thực hiện lời hứa. Họ sẽ coi lời cáo buộc đúng đắn của nạn nhân là vớ vẩn vì họ “chưa bao giờ làm như vậy”.
Gaslighting thường diễn ra rất chậm trong mối quan hệ. Ban đầu, hành vi của người bạo hành có vẻ như rất bình thường và vô hại. Tuy nhiên, qua thời gian, những hành vi này sẽ được lặp lại và tiếp diễn đến khi nạn nhân cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ sệt, cô độc, trầm cảm, và cuối cùng họ có thể bị mất khả năng nhận thức chuyện gì đang diễn ra và đâu là sự thật. Khi đó, họ sẽ phải nhờ vả và phụ thuộc vào người bạo hành để xác định đâu mới là thực tế, từ đó tạo nên một tình huống khiến việc dứt bỏ là vô cùng khó khăn.
—————————————
P/s: Bạn có đủ tỉnh táo để nhận ra những hành vi trên từ phía nửa kia? Kết hợp với những dấu hiệu bạn đang bị đối phương thao túng tinh thần ở trong bài trước, bạn sẽ chắc chắn hơn trong việc nhìn nhận lại bản thân, nửa kia và mối quan hệ này, để sớm có biện pháp phù hợp.