NỖI HỔ THẸN – MỘT CẢM GIÁC KHÔNG DỄ CHỊU

Nỗi hổ thẹn là cảm giác đau đớn và không dễ chịu mà chúng ta phải trải qua khi nhận ra một phần con người mình không hoàn hảo, tồi tệ, không hoàn thiện, vô giá trị, giả tạo, kém cỏi hoặc luôn thất bại. Không giống như cảm giác tội lỗi – khi ta thấy khó chịu vì mình đã làm gì sai trái, chúng ta cảm thấy hổ thẹn vì bản thân mình chính là một kẻ tồi tệ hay sai trái. Vì vậy, trong khi tội lỗi có thể sửa chữa hay tha thứ được, thì nỗi hổ thẹn đẩy con người ta vào trạng thái bế tắc.
Ai cũng sẽ một lần cảm thấy hổ thẹn. Sự hổ thẹn là một bản năng của con người. Nếu ta không học cách giải tỏa cảm giác này mà lại vờ bỏ qua nó, thì nỗi xấu hổ sẽ có xu hướng tích tụ dần và ngày càng trở thành gánh nặng của chúng ta, cho đến khi ta biến thành nạn nhân đáng thương của nó.
Không chỉ khiến chúng ta cảm thấy bản thân mình kém cỏi và tệ hại, nỗi hổ thẹn còn khiến chúng ta tin rằng: những người xung quanh có thể nhìn thấu những khuyết điểm và sự hoàn thiện đó. Nó khiến ta rơi vào hố sâu tuyệt vọng, dập tắt đi niềm tin rằng chúng ta có thể làm gì đó để sửa chữa hay thay đổi bản thân mình. Và ở nơi hố sâu đó, ta sẽ phải chịu cảm giác bế tắc và cô độc, như thể trên đời này chỉ có mình là người duy nhất mang trong lòng nỗi hổ thẹn đó.
Tệ hơn nữa, chúng ta cho rằng: “Tôi không muốn chia sẻ với người khác về nỗi hổ thẹn của mình, vì tôi sợ họ sẽ thấy tôi là kẻ kém cỏi. Tôi không thể chịu nổi cảm giác phải phô bày con người tồi tệ của mình cho người khác”. Chúng ta không chỉ nhất quyết giữ nỗi hổ thẹn cho riêng mình, mà còn thường lừa dối bản thân và ngăn chặn sự hiện diện của nó.
Thậm chí, ta còn cố che đậy nỗi xấu hổ của mình như thể nó là những cảm xúc hoặc hành động khác rồi sau đó ta phóng chiếu nó lên những người xung quanh.
Trích “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” – Charles L. Whitfield (An Vi dịch)
Ảnh: Pinterest
————-