Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt, thành tích đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người.
Theo một nghiên cứu quốc gia với 10.000 sinh viên, gần 80% thanh thiếu niên cho rằng thành tích hoặc hạnh phúc của cá nhân là yếu tố quan trọng nhất đối với họ, trong khi chỉ 20% là lựa chọn quan tâm đến người khác.
Giới trẻ thường cố gắng để đạt được thành công ngay cả khi nó phải trả giá bằng chính sức khỏe tinh thần của họ. Một báo cáo từ Quỹ Robert Wood Johnson bao gồm áp lực phải vượt trội — cùng với nghèo đói, sang chấn, phân biệt đối xử và các vấn đề liên quan đến mạng xã hội và internet — trong danh sách về các yếu tố môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thanh thiếu niên. Dữ liệu từ 40.000 sinh viên đại học ở Anh, Mỹ và Canada từ năm 1989 đến năm 2016 chỉ ra rằng chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) đang gia tăng, điều này có thể giúp giải thích tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ngày càng tăng trong giới trẻ.
Thái độ của thanh thiếu niên về thành tích bắt nguồn từ người lớn
Kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Những người trẻ tuổi “nối gót” người lớn. Họ có thể xem cách người lớn coi thành công và năng suất như những huy hiệu vinh dự. Chúng ta khen thưởng các bạn trẻ là học sinh đạt hạng A và là ngôi sao trong đội bóng đá. Chúng ta khuyến khích chúng làm đẹp hồ sơ của mình bằng cách tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Chúng ta cũng có thể nói với những đứa con của mình rằng chúng ta coi trọng sự tốt bụng và sự đồng cảm nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thúc đẩy những giá trị này một cách mạnh mẽ.
Hãy giúp đỡ tuổi trẻ của mình bắt đầu bằng việc giúp đỡ chính bản thân mình. Chúng ta cần phải suy ngẫm về cách chúng ta đang sống cuộc sống của mình. Chúng ta đã nâng mức kỳ vọng của mình lên mức không thể đạt được và không bền vững. Chúng ta mong muốn kiếm được thu nhập cao, xuất sắc về chuyên môn, nuôi dạy những đứa con hoàn hảo, có một ngôi nhà đẹp, có nhiều mối quan hệ và là trụ cột của gia đình.
Sự lo lắng có thể nảy sinh do áp lực phải đáp ứng những kỳ vọng tự đặt ra này. Trong một cuộc thăm dò năm 2018 từ Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, gần 40% người Mỹ trưởng thành được hỏi cho biết họ trở nên lo âu nhiều hơn so với những năm trước. Đại dịch COVID đã làm tăng tỷ lệ lo âu hơn nữa.
Chúng ta đang tự tạo áp lực cho mình và khiến mình bị quá tải. Chúng ta đang tự đẩy mình đến sức cùng lực kiệt. Tuy nhiên, chúng ta từ chối sự nghỉ ngơi.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự đồng cảm đã giảm trong những năm gần đây, trong khi sự tự kiêu đang gia tăng. Khi chúng ta trở nên thu mình trong việc theo đuổi các mục tiêu cá nhân, chúng ta có thể quên đánh giá tính nhân văn ở người khác. Chúng ta có thể coi mọi thứ như là những cuộc cạnh tranh mà chúng ta phải vượt qua để tiến tới những khát vọng của cá nhân.
Làm thế nào để có cách suy nghĩ khác về thành tích?
Nỗi ám ảnh hiện tại về thành tích có thể sẽ gia tăng sự lo âu đồng thời làm hỏng cấu trúc xã hội của chúng ta. Nếu chúng ta muốn hàn gắn cá nhân và tập thể thì chúng ta cần xem xét mối quan hệ này.
Quá trình này bắt đầu bằng việc nhận ra rằng thành công không đồng nghĩa với hạnh phúc bền vững. Nhiều người đang lý tưởng hóa thành công mà quên rằng nó đi kèm với hàng loạt thách thức. Ví dụ, những người đạt được thành công trong nghề nghiệp có thể bị giám sát chặt chẽ hơn khi họ được giao cho những công việc có trọng trách cao hơn.
Khi tôi còn trẻ, tôi cũng đã lý tưởng hóa con đường dẫn đến thành công nghề nghiệp bằng cách cho rằng trở thành một bác sĩ sẽ tương đương với hạnh phúc. Không mất nhiều thời gian để phát hiện ra lỗi trong suy nghĩ của tôi. Bởi lẽ các bác sĩ phải chịu đựng tỷ lệ kiệt sức cao khi họ phải giải quyết vô số công việc hành chính, các yêu cầu về tài liệu, mất quyền tự chủ và sợ kiện tụng, điều này ảnh hưởng đến cách họ hành nghề y.
Đạt thành tích với mục đích đóng góp tích cực cho cuộc sống của người khác. Nếu bạn đánh giá thành công bằng các thước đo riêng lẻ như tiền bạc, quyền lực hoặc danh vọng, bạn có thể sẽ thất vọng. Hạnh phúc trở nên khó nắm bắt khi bạn liên tục so sánh mình với những người mà bạn xác định là giàu có, quyền lực hoặc nổi tiếng hơn. Bởi trong một nghiên cứu về các triệu phú, phần lớn những người tham gia cho rằng tài sản càng nhiều thì họ càng hạnh phúc hơn.
Khi tôi cảm thấy thất vọng với việc hành nghề y, tôi chuyển sự tập trung từ bản thân sang bệnh nhân của mình. Tôi nhắc nhở bản thân về đặc ân giành được sự tin tưởng của một người khi họ chia sẻ câu chuyện cuộc đời của họ với tôi. Họ là vợ/chồng, cha mẹ, con cái hoặc bạn bè của ai đó. Bằng cách làm giảm bớt những đau khổ về tinh thần của họ, công việc của tôi có tác động lan tỏa đến những người khác trong xã hội của họ.
Cuối cùng, hãy phá bỏ huyền thoại rằng lòng tốt là rào cản đối với thành tích. Có một câu chuyện sai lầm rằng lòng tốt là sự yếu đuối. Tuy nhiên, sự thật lại ngược lại. Bằng chứng cho thấy rằng những đứa trẻ quan tâm đến người khác đạt được nhiều thành tích hơn những đứa trẻ không quan tâm đến người khác . Lòng tốt và thành tích không loại trừ lẫn nhau. Một người có thể cố gắng đạt được các mục tiêu cá nhân của họ và đối xử tốt với những người khác.
Động lực của chúng ta để đạt được điều gì đó không nhất thiết là một điều xấu. Nó có thể có tác động tích cực đến cuộc sống của người khác. Vấn đề chỉ xảy ra khi chúng ta theo đuổi thành công chỉ vì mục đích cá nhân. Điều này cuối cùng có thể phải trả giá cho sức khỏe tâm thần của chúng ta, những người thân yêu của chúng ta và xã hội.