2h sáng một ngày tháng 7, Nguyễn Hải Nam gửi email đến một văn phòng tâm lý ở quận Thanh Xuân, Hà Nội với tiêu đề: “Em bế tắc”.
Trong email, chàng trai 22 tuổi kể, dịch bệnh khiến cậu không thể đi làm ở quán cà phê. Một mình ở Sài Gòn, bố mẹ làm ruộng ở quê không thể hỗ trợ tài chính, Nam phải tự xoay xở mọi thứ. Hết tiền, cậu phải vay tạm bạn bè, mỗi người một ít. “Nhưng ai cũng khó khăn cả, em sợ không mượn mãi được”, Nam chia sẻ.
Không chỉ căng thẳng vì mất việc, Nam còn chịu áp lực từ việc học. Lịch học online dày đặc khiến chàng trai tự nhận mình “low tech” (kém công nghệ) loay hoay trong khi kỳ thi đang đến gần. “Em thường xuyên mất ngủ, khó chịu trong người. Em không thể tập trung vào việc mình đang làm”, Nam tiếp tục.
Vẫn giữ được việc song Vũ Thu Giang, 26 tuổi, ở Hải Phòng lại lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh. Làm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, mỗi ngày, cô vẫn phải giao tiếp với nhiều người. “Dù cố gắng lờ đi nhưng nỗi sợ vẫn xuất hiện”, Giang kể. Có lần, cô còn mơ thấy mình mắc Covid-19.
Một tuần gần đây, khách hàng ít nên công việc chính của Giang cũng bớt đi. Tuy nhiên, công ty cắt giảm nhân sự khiến cô phải đảm đương những vị trí mới, bao gồm cả kế toán. Sợ những con số, mỗi ngày Giang “đều thấy luống cuống, chỉ biết cầu không có vấn đề gì xảy ra”.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Lương, chuyên viên tại Tâm lý MindCare, người tiếp nhận hai trường hợp trên, vào mùa dịch, số người tìm đến dịch vụ hỗ trợ tinh thần tăng đột biến. Trong tháng 6/2021, trang web kiểm tra sức khỏe tinh thần miễn phí cho cộng đồng PsyTest ghi nhận 350 lượt test, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 60% có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe tâm thần, 80% số này thuộc độ tuổi từ 22 đến 33, chủ yếu là nữ, thường gặp các vấn đề về stress, lo âu, trầm cảm, định hướng bản thân và tình yêu, hôn nhân – gia đình. Họ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Theo bà Lương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, dịch bệnh gây nên trạng thái lo lắng, sợ hãi, căng thẳng bởi không ai có thể loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh. Những người sống trong vùng dịch luôn cảm thấy môi trường xung quanh bất an. Những người có thân nhân mắc bệnh hoặc không may qua đời dễ bị sốc, thậm chí sang chấn tâm lý.
Tiếp đến, dịch bệnh khiến nhiều người bị ảnh hưởng công việc, thậm chí thất nghiệp hoặc phá sản dẫn đến thu nhập giảm. Họ cảm thấy áp lực bởi không thể đảm bảo các nhu cầu cơ bản, đặc biệt với những ai đóng vai trò trụ cột trong gia đình.
Giãn cách xã hội hoặc cách ly cũng hạn chế sự giao tiếp – kết nối, nhu cầu quan trọng và cơ bản của mỗi người. Ở trong nhà nhiều, các hoạt động thư giãn, giải trí cũng bị hạn chế, dễ khiến người hướng ngoại rơi vào căng thẳng. Người vốn đã có khó khăn tinh thần phải đối diện với vấn đề của mình trong khi các nguồn lực hỗ trợ bị hạn chế nên các vấn đề có thể bị trầm trọng hóa và bộc lộ rõ ràng hơn.
Với người không may mắc Covid-19, sức khỏe thể chất ảnh hưởng nghiêm trọng tác động trực tiếp tới sức khỏe tinh thần. Họ vừa lo lắng cho sức khỏe của mình vừa bị kỳ thị, xa lánh ngay cả khi đã khỏi bệnh.
Để vượt qua những khó khăn trên, chuyên gia Nguyễn Lương đưa ra một số lời khuyên.
Thiết lập và duy trì thói quen lành mạnh
Hãy ăn uống điều độ và lên lịch trình khoa học cho giờ giấc làm việc, ngủ nghỉ, thư giãn cũng như các hoạt động khác. Việc này giúp đảm bảo sức khỏe thể chất, từ đó bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Luôn có khoảng thời dành cho bản thân mình
Dù ở nhà 24/7, bạn vẫn nên dành thời gian nghỉ ngơi hoặc làm những gì mình thích. Như vậy, cơ thể và tinh thần sẽ được thư giãn, tiếp thêm năng lượng.
Duy trì sự giao tiếp và kết nối với mọi người
Giãn cách xã hội không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn liên lạc với mọi người. Bạn vẫn có thể kết nối với bạn bè, người thân qua điện thoại hoặc Internet. Thông qua những cuộc trò chuyện, bạn sẽ nhận ra mình không cô đơn mà vẫn có thể chia sẻ, lắng nghe và cập nhật cuộc sống của người khác.
Thử học một thứ mới
Học một thứ gì đó mới trong thời gian ở nhà giúp bạn tìm thấy niềm vui mới. Với nhiều người, cách này còn xua đi cảm giác mình “thiếu giá trị”, không làm được gì có ích.
Làm chủ việc tiếp nhận thông tin
Cập nhật các tin tức về tình hình dịch bệnh trong thời gian này là một việc cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần có sự chọn lọc và lựa chọn các kênh thông tin uy tín để tránh bị ảnh hưởng bởi các tin tức độc hại.
Tham gia các hoạt động xã hội
Hiện tại, có nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch. Bạn có thể chọn hình thức phù hợp để tham gia, vừa để giúp chính mình vừa để giúp người khác. Các nghiên cứu chỉ ra hoạt động xã hội hỗ trợ đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.
Tìm sự hỗ trợ
Nếu bạn cảm thấy không ổn và khó kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, hãy chủ động tìm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc người có chuyên môn. Mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ không phải là yếu đuối hay gánh nặng. Bất cứ ai cũng có lúc như vậy và điều đó không làm giảm bớt giá trị của bạn.
Nguồn báo đăng tải: https://vnexpress.net/lam-gi-de-vuot-qua-noi-lo-au-mua-dich-4329640.html?fbclid=IwAR26XI7HPBhTXER-4ufeK5sSwW3JAg-GUcJgoHAgYmmECgIbNWuCc3U0MIY
——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/