LIỆU TÔI CÓ BỊ TRẦM CẢM? – LÀM SAO ĐỂ TỰ VƯỢT QUA ĐƯỢC GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NÀY?

#LumosBox03 #MindCareConnection #Confession

Bạn kể:

Gửi hòm thư Lumos Box

Mình nghĩ rằng bản thân mình đang trải qua khoảng thời gian khá tồi tệ. Khoảng vài tuần trở lại đây mình luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng( lo lắng về tương lai), mình thấy đau đầu( ở phía sau), cảm giác đầu nặng lắm và nó khiến mình k ngủ được vào buổi trưa, tối mình vẫn dễ dàng dí vào giấc ngủ ( thường là trước 23h), nhưng buổi sáng mình hay tỉnh dậy sớm hơn bình thường ( trước 6h), tâm trạng như trong kì thi vậy, mặc dù mình đã trải qua kì thi cuối kì ở đại học và kết quả cũng khá cao. Mình cũng thấy mệt mỏi nữa, chẳng muốn động tay động chân vào việc gì. Có phải mình đã rơi vào trầm cảm nhẹ rồi k, mình có thể tự giải quyết vấn đề của mình k, thực sự là mình k muốn nói với bố mẹ ( mặc dù bố mẹ quan tâm nhưng mình nghĩ mình nói ra bố mẹ cũng không thể giúp mình). Mình cũng không còn thấy vui vì một điều gì nữa.

Mình hy vọng rằng, hòm thư Lumos Box có thể đưa ra nhưng giải pháp giúp bản thân mình có thể tự vượt qua giai đoạn này. Nếu được mình muốn cảm ơn các bạn rất nhiều.

====

Lumos Box hồi âm:

Thân chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của mình với Lumos Box.

Qua những chia sẻ của bạn, mình có thể thấy được rằng bạn đã và đang trải qua một khoảng thời gian mệt mỏi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. 

Bạn đang có nhiều những suy nghĩ, nỗi lo về tương lai mà dường như vẫn chưa có cách nào để kiểm soát sự lo lắng đó? Ở độ tuổi của bạn, việc có những mối lo nghĩ về tương lai phía trước là điều dễ hiểu.Nhiều bạn lo nghĩ về việc lựa chọn công việc sau khi ra trường, lo mình có kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống hay không. Cũng có bạn thấy cẳng thẳng khi chưa rõ kiến thức và kỹ năng của mình có đủ để làm công việc mình muốn hay chưa. Lại có những bạn có thắc mắc khác về các lựa chọn khác sau khi ra trường, bên cạnh việc đi làm. Vậy còn bạn, bạn đang lo lắng những điều gì?  Lo lắng là điều tất yếu luôn có thể  xảy ra ở bất kì thời điểm nào, ở bất kì ai, nó sẽ xuất hiện khi chúng ta đứng trước sự kiện mang tính thách thức.

Theo như chia sẻ của bạn, tâm trạng hiện tại như trong kì thi, điều này có thể hiểu rằng mỗi lần đến kì thi bạn thường có những cảm xúc căng thẳng, lo lắng như thế này? Vậy thì trước đó, bạn đã làm gì ứng phó với tâm trạng đó để có thể vượt qua được kì thi? Bạn thấy sao nếu tiếp tục sử dụng những cách làm đó cho tâm trạng của mình hiện tại? Nếu những cách đó không hiệu quả thì lí do gì khiến nó không phù hợp với tình trạng bây giờ? Bạn có thể làm gì khác để điều chỉnh những cách làm đó phù hợp hơn? Việc tự trả lời những câu hỏi này có thể giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn những suy nghĩ lo lắng của mình, tự đánh giá nó và từ đó tìm những cách để giúp mình thoát ra được trạng thái này.

Tại đây mình xin chia sẻ với bạn một số phương pháp có thể giúp bạn giảm bớt sự lo lắng bên trong, chắn chắn rằng sẽ không có một cách nào hoàn toàn phù hợp với mỗi người, hãy tham khảo nhiều cách khác nhau và thử áp dụng, sau đó lựa chọn ra những gì bạn thấy thích hợp nhất cho bản thân nhé.:

  • Viết hoặc nói ra nỗi lo lắng của bạn và lên kế hoạch xử lí nó: thay vì né tránh, hãy dành một khoảng thời gian nhất định để suy nghĩ kèm với việc viết ra hoặc nói ra những nỗi lo đang xuất hiện trong bạn. Bạn viết hoặc nói ra càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt. Bạn đang cảm thấy lo lắng điều gì? Vì sao bạn lại lo lắng về nó như vậy? Khả năng vấn đề đó có thể xuất hiện bao nhiêu phần trăm? Nếu nó xuất hiện thì sao? Bạn có thể làm gì để ứng phó với nó? Bạn có thể làm gì để điều mà bạn lo lắng không xảy ra? Bao giờ bạn sẽ thực hiện những hành động đó? Bạn sẽ gặp khó khăn gì? Bạn có những nguồn hỗ trợ nào?… 
  • Tăng thêm góc nhìn, kiến thức cho bản thân: hãy tìm thêm những góc nhìn khác nhau về vấn đề bạn đang lo lắng từ các nguồn uy tín, khoa học như sách, báo, video… hay từ những người mà bạn cảm thấy tin tưởng và họ có thể cho bạn những góc nhìn mới như bạn bè, người thân, nhà tâm lý,…
  • Khiến bản thân luôn bận rộn: nếu như việc lo nghĩ quá nhiều khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy tìm những hoạt động mà bạn cảm thấy thoải mái hay khiến bạn không có thời gian rảnh để nghĩ nhiều nữa. Tập thể dục cũng là một cách để khiến bạn có thể giải toả được những năng lượng tiêu cực trong người và giúp bạn cảm thấy khoẻ mạnh hơn.
  • Tìm hiểu và tập các bài tập hít thở, thiền, chánh niềm: hãy tìm đến một người được đào tạo về các phương pháp này để được hướng dẫn, đây là các phương pháp hiệu quả giúp xoa dịu những nỗi lo, căng thẳng trong bạn.
  • Chấp nhận rằng cuộc sống đẩy ắp những điều không dự đoán được và nó có thể như ý mình hoặc không. Và dù nó có xảy ra theo hướng nào thì bạn có thể nghĩ đến cách chuẩn bị cho bản thân những kĩ năng, kiến thức, nguồn hỗ trợ để đương đầu với nó.

Nếu như bạn vẫn chưa tự tìm được một phương pháp riêng cho mình hay gặp khó khăn thì việc tìm đến sự hỗ trợ của nhà tâm lý là một điều đáng để cân nhắc. Về các dấu hiệu thể chất của bạn, nó có thể là chỉ báo cho sức khoẻ của bạn đang không được khoẻ mạnh. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ  và ngược lai. Do đó bên cạnh những phương pháp giúp bạn giải toả lo lắng thì hãy kết hợp với một số phương pháp để cải thiện sức khoẻ của bản thân như tập thể dục, điều chỉnh lịch sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, đến gặp bác sĩ để nghe tư vấn, khám sức khoẻ định kì,…

Về câu hỏi của bạn rằng liệu bạn có đang bị trầm cảm nhẹ không? Thông qua những điều bạn chia sẻ với Lumos Box thì mình chưa thể đưa ra một nhận định gì cả và mình cũng hi vọng bạn không nên tự chẩn đoán xem mình có bị trầm cảm không. Các triệu chứng bạn nêu có thể xuất hiện trong nhiều loại khó khăn tinh thần như lo lắng, lo âu, sang chấn, stress hoặc thay đổi sinh lý lứa tuổi…, và mỗi vấn đề sẽ liên quan đến mức độ, tần xuất cũng như sự kiện diễn ra với bạn nên chưa thế kết luận.

Thay vào đó mình gợi ý bạn có thể tìm đến các dịch vụ Đánh giá tâm lý hoặc các bài Test Sức khoẻ tinh thần tổng quát (https://psytest.mindcare.vn/) để có cơ sở dự đoán xem hiện tình trạng sức khoẻ tinh thần của bạn đang như thế nào. Tuy nhiên những kết quả này cũng chỉ mang tính tham khảo, sau khi đã có kết quả đánh giá, bạn hãy tìm đến các nhà tâm lý có chuyên môn để biết chính xác vấn đề của mình và cùng tìm hướng giải quyết nó nhé.

Những lo lắng về tương lai và sức khoẻ của bạn là một điểm sáng cho thấy bạn rất quan tâm đến bản thân cũng như cuộc sống của mình. Chúc bạn tìm được những giải pháp phù hợp nhất cho những vấn đề của mình. Bất cứ khi nào cần được chia sẻ, đừng ngại ngần mà gửi thư đến Lumos Box!

Thân,

Ad.Hermione

========

📬 Nếu bạn đang thấy mình không ổn và cần được lắng nghe, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box :https://forms.gle/UahaWZwHGzK3rJrq9
📩Nếu bạn là chủ nhân của bất kì bức thư nào đã được trả lời, xin vui lòng để lại phản hồi của bạn cho Lumos Box tại :https://forms.gle/QPvUz4BFNot59D8x7
🔗 Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com